Đà Nẵng cuối tuần

Ngừng than vãn…

10:40, 02/08/2020 (GMT+7)

Tình cờ tham gia lớp học về sức khỏe sinh sản dành cho trẻ tự kỷ, nghe một phụ huynh chia sẻ, chị mất 6 tháng để tập cho đứa con 10 tuổi của mình chịu mặc quần chíp. Hóa ra xung quanh mình, người ta khó khăn nhiều.

Hòa mình vào thiên nhiên khiến con người bớt âu lo, phiền muộn hơn. Ảnh: vinmec.com
Hòa mình vào thiên nhiên khiến con người bớt âu lo, phiền muộn hơn. Ảnh: vinmec.com

Phụ huynh ấy bảo, con của chị học chậm hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác rất nhiều lần. Từ khi con có mặt trên cuộc đời, đã 10 năm chị chưa có giấc ngủ trưa trọn vẹn. Chị bận chạy theo đứa nhỏ lông nhông ngoài đường, không biết nóng, chẳng biết lạnh. Chị bận canh chừng, nếu không con sẽ đập đầu vào tường hoặc cạy cao tường bỏ vào miệng… Những chuyện ấy được chị kể lại với giọng nói ở “tông trên” - tông lạc quan chứ không trầm giọng than vãn.

Thi thoảng những câu nói dí dỏm của chị làm mọi người cười rang. Một phụ huynh khác hỏi: “Sao chị có đứa con tự kỷ mà vẫn vui tươi như vậy?”. “Vì nếu tôi không vui tươi thì con tôi đâu có hết tự kỷ? Thái độ của mình trước mỗi sự việc của cuộc sống quyết định hạnh phúc của mình. Bạn có muốn nói chuyện với một phụ huynh lúc nào cũng than thân trách phận, nào là tại sao không phải đứa trẻ khác mà lại là con mình, tại sao lại là mình mà không phải người khác, mình đã làm gì sai không? Tôi đoán là không. Chẳng ai muốn nghe mình kể khổ cả.

Tôi cũng chẳng bao giờ so sánh con mình với con người khác. Với tôi, chỉ cần con tôi ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, vậy là đủ. 6 tháng hay 6 năm biết mặc quần chíp không quan trọng. Quan trọng là hiện tại, cu cậu chịu mặc, không còn thấy khó chịu nữa”, chị chia sẻ.

Tôi có một người chị đồng nghiệp rất tốt bụng, đáng yêu. Chúng tôi thường hẹn nhau cà phê mỗi dịp cuối tuần, chia sẻ với nhau biết bao câu chuyện trong cuộc sống, từ gia đình đến công việc, con cái, cả dự định tương lai. Khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi nhẩm tính, phải hơn 1 năm rồi chúng tôi không còn những buổi hẹn hò thú vị như vậy nữa. Không phải vì tôi không còn yêu quý chị mà tôi thấy mệt khi mình luôn đứng ở vị trí người nghe, luôn phải “gồng” lên an ủi.

Chỉ riêng việc con quấy khóc đêm (hàng triệu bà mẹ đều phải trải qua tình trạng này), tôi cũng rất thông cảm, nhưng tôi không chịu nổi khi hàng chục lần gặp mặt, chị đều than vãn về câu chuyện ấy. Không chỉ than với tôi mà chị than thở với bất kỳ người nào gặp mặt. Rồi chị viết blog, viết dòng trạng thái trên mạng xã hội than thở không ngừng. Tôi không biết khi than vãn, tình trạng của chị có khá hơn không? Còn với tôi, tôi cũng muốn sống chậm lại để lắng nghe, hiểu và cản thông với chị, nhưng việc chị than vãn kéo dài khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Từ phía cảm thông, tôi khó chịu, rồi cực kỳ khó chịu. Tôi bắt đầu thấy không muốn “tiêu thụ” năng lượng tiêu cực ấy từ chị nữa. Tôi xa chị dần…

Tất nhiên làm sao tránh những chuyện không vừa ý mình. Lẽ thường chúng ta không bao giờ nhận ra những điều bình dị mà quý giá đang có trong mọi tình huống, cho đến khi chúng ta rơi vào một tình trạng thực sự tồi tệ hơn. Có nhiều người, cả người giàu lẫn người nghèo, họ đi ngủ vào đêm hôm qua, nhưng sáng nay không tỉnh dậy nữa. Có những bệnh nhân trong các bệnh viện ở khắp nơi cũng không thể ngồi dậy, hoặc không thể ra ngoài được, họ chỉ mong một vài phút trong ngày không phải chịu đau đớn vì bệnh tật. Hãy coi những chuyện bạn không hài lòng là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống. Có ngọt ngào thì chắc chắn phải có thêm chua, cay, mặn, đắng.

Nhưng bạn thử dừng lại một phút để ngắm nhìn xung quanh mình xem. Có biết bao người tàn tật mong muốn một lần trong đời họ có được đôi mắt để nhìn thấy ánh mặt trời, mong muốn một lần có thể cất tiếng nói. Tôi từng gặp Hải - người khiếm thị, làm việc tại CLB Nhân Ái (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Dẫu đôi mắt không nhìn thấy nhưng Hải trực tiếp lên ý tưởng sân khấu cho mỗi sự kiện mà CLB đảm nhiệm. Từ mô hình sân khấu văn nghệ trường học đến sân khấu khai trương, động thổ…, anh điều hành công việc đâu ra đó. Hải biết điểm yếu của mình nên trước mỗi sự kiện, anh đều cùng anh em tới lui 2-3 lần tìm hiểu mặt bằng, xem có vật cản gì trên đó không, mấp mô ở đoạn nào để còn tránh, sợ nhất là vấp vào dây nhợ lằng nhằng, không biết đường nào mà gỡ.

Hải khá đa tài. Không chỉ là thợ massage giỏi, nhân viên kỹ thuật âm thanh  -  ánh sáng, mà anh còn là một cây đàn bầu lành nghề, thường xuyên nhận biểu diễn ở các tụ điểm ca nhạc. Điều đặc biệt là Hải không cho mình là người tật nguyền. Anh nói rằng, ông trời chẳng lấy đi của ai tất cả, lợi thế của người khiếm thị là trí nhớ và độ nhạy với âm thanh và cảm giác, như khi nghe người đối diện nói, anh có thể cảm nhận được khuôn mặt của họ đang hướng về mình và phán đoán được cảm xúc của người ta.

Sống chậm lại, bạn sẽ cảm thấy ấm áp và cảm ơn những người như Hải đã có mặt trên cuộc đời này, dù cơ thể khiếm khuyết nhưng họ vẫn cảm nhận và yêu cuộc sống này bằng hết thảy các giác quan còn lại. Chẳng điều gì có thể ngăn được sự lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống luôn cháy bỏng trong tim họ. Cuộc sống này vốn khó khăn hơn chúng ta tưởng, không thể lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy đau thương, có những lúc muốn rơi nước mắt và gục ngã. Thế giới này đầy hỗn loạn và phức tạp, mỗi bước đi đều khiến chúng ta phải đắn đo vì không biết làm sao cho đúng, cho không lầm đường.

THẠCH LAM
 

.