Đà Nẵng cuối tuần

Những đóa hoa không bao giờ tàn úa

07:08, 02/08/2020 (GMT+7)

Mỗi lần đến ngày mất hay ngày sinh của Xuân Quỳnh hoặc Lưu Quang Vũ, tôi lại thấy trên Facebook nhiều người chia sẻ bức thư của nhà thơ Lưu Quang Vũ viết cho vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh. Bức thư có đoạn:

“Quỳnh thương yêu,

Em gắng đi về bằng máy bay cho khỏe, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mười lần như một - rất có thể sẽ là trăm lần nếu mọi người vẫn tiếp tục chia sẻ và tôi vẫn tiếp tục đọc lại, những dòng thư kia chắc chắn sẽ còn làm tôi và nhiều người nữa không thôi rung động. Không rung động sao được trước những lời lẽ êm ái và ân cần đến như vậy! Chỉ bấy nhiêu dòng chữ ngắn ngủi, mà nhận ra trong đó cả một cách đối đãi đầy nhã nhặn, dịu dàng. Nhận ra trong đó có biết bao quan tâm và thương lo.
Kể cũng lạ. Người thì đã đi xa biền biệt, chỉ còn nối kết với hậu thế qua những lá thư kia.

Ấy vậy mà tâm tính, cốt cách của họ như thế nào vẫn in trong tâm trí chúng ta. Đó phải chăng là sức mạnh của ngôn từ, mà nhờ đó chúng ta cảm nhận được những ấm nồng ở trong đó? Cái ấm nồng kia thuộc về “nhiệt độ ngôn ngữ” - giống như tên một cuốn sách của tác giả Lee Jun Ki, người đã có nhiều năm hành nghề viết báo cáo cho các thủ tướng của Hàn Quốc, mà tôi đọc dạo trước. Tôi nhớ, trong cuốn sách đó, Lee Jun Ki viết rằng: “Ngôn ngữ và chữ viết có sự ấm áp và lạnh lẽo của riêng chúng”.

Lâu nay, chúng ta nhìn ngôn ngữ, bao gồm lời nói và chữ viết, như một phương tiện để kết nối giữa con người với con người, là phương tiện truyền tải những thông điệp mà chúng ta cần nói với nhau. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ như một nhu cầu, một thói quen cốt sao cho xong việc mà không quan tâm ngôn ngữ cũng có nhiệt độ, có ấm lạnh, có đậm nhạt. Biết bao văn bản, biết bao lời nói đã gửi đi rồi trở nên nguội lạnh trong lòng người? Phải rồi. Là do ta không chú ý gửi vào đó những thương mến xuất phát từ chính trái tim của mình.

Một lần, tôi cùng một người bạn đang ngồi cà phê vỉa hè thì có người bán vé số già đi tới, chìa ra xấp vé trước mặt chúng tôi. Lúc đó, tôi lắc đầu vì thực sự tôi từng mua vé số rất nhiều mà “chưa đến số hưởng”. Người bạn tôi cũng không có ý định mua vé số, nhưng anh lấy trong ví ra tờ mười ngàn đồng rồi lễ phép đưa cho người bán vé số: “Trước giờ con không mua vé số, con biếu bác mười ngàn đồng uống nước. Bác nhận cho con vui!”. Người bán vé số nhận từ tay người bạn tờ mười ngàn đồng, đôi mắt rưng rưng cảm động. Còn tôi nhìn người bạn đầy bất ngờ. Đợi cho người bán vé số đi khuất, bấy giờ bạn tôi mới bảo: “Nhiều người họ cũng giàu tự trọng lắm. Đừng tưởng cứ đưa tiền là người ta nhận đâu!”.

Người ta sẽ chẳng nhận nếu lời nói đó không xuất phát từ sự chân thành. Chầu cà phê vỉa hè cho tôi một bài học vô giá như vậy. Tôi đồ rằng, hôm đó người bán vé số già ít nhiều đã cảm nhận được sự chân thành, sự ấm áp từ lời nói của người bạn. Liên quan đến lời nói, có lẽ bất cứ người Việt nào cũng nằm lòng câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Làm sao để người nói người nghe “vừa lòng nhau”, không những thế mà còn cảm nhận được sự ấm áp, chân thành trong từng lời nói; mới biết rằng, sự “lựa lời” quan trọng biết nhường nào.

Cũng trong cuốn sách của Lee Jun Ki, tôi đặc biệt lấy làm thích thú với cách ví von của anh: “Thứ ngôn ngữ lưu giữ trong tâm hồn là những đóa hoa không bao giờ tàn úa”. Với tôi, đây là cách ví von thật đẹp, thơ mộng và cũng thật chí lý. Khi chúng ta trao gửi cho nhau bằng lời nói hay chữ viết, nếu ở đó có sự chân thành, ấm áp, có tình thương mến thương của người nói hay người viết, thì thứ ngôn ngữ ấy sẽ nằm mãi trong tâm tưởng người tiếp nhận. Và đó là những đóa hoa không bao giờ tàn úa.

HỒ HUY SƠN

.