Quê nhà luôn ở trong tim

.

Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người là chốn thiêng liêng, nơi để nhớ, để yêu thương, để hướng về, nơi mà ta đã lẫm chẫm bước đi những bước đầu tiên của cuộc đời.

“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Ảnh: XUÂN SƠN
“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Ảnh: XUÂN SƠN

Trong những người trẻ có gia đình gốc Quảng Nam (như tôi) luôn có sự “lấn cấn” giữa “quê” và “phố”. Rất khó để về quê sinh sống nhưng hễ thấy ở phố có cái gì giống quê là lại thương. Mấy hôm nay nghe tin quê nhà đang trong tình trạng cách ly vì Covid-19, lòng lại bồn chồn. Chẳng biết quê nghèo chống chọi ra sao? Cứ tưởng tượng cảnh cô tôi ngác ngơ khi đương không phải buộc ở trong nhà, tối lại không được qua nhà hàng xóm nghe cải lương… thì thương quá đỗi. Nhớ cô, lại bâng khuâng nghĩ ngợi về những điều xưa cũ.

Nhớ lắm hồi còn nhỏ, mỗi dịp nghỉ hè lại về với nội, với cô, với ruộng vườn ngào ngạt hương lúa. Những quả dại ở quê như dủ dẻ, mâm xôi, mắt mèo, sim, trâm… hấp dẫn đến nỗi chị em tôi đã đem bằng hết những chôm chôm, nho, mãng cầu và cả bánh kẹo mà mẹ “tiếp tế” chỉ để đổi với tụi trẻ con trong làng những quả dại be bé ấy.

Những ngày đi giữ bò không cho phá ruộng cùng các anh họ. Những ngày mưa lớn vội chẳng kịp nấu cơm chiều rồi hàng xóm láng giềng í ới nhường nhịn nhau con cá, con lươn đồng vừa bắt được. Chiều về, lũ trẻ con hè nhau dán diều. Những con diều giấy được thả lên bầu trời với bao nhiêu ước mơ được tung cánh.

Ba tôi thường nói, con người không thể không biết tổ tiên. Vì vậy, mỗi năm, gia đình tôi chở nhau về quê 8-9 lần. Cả nhà 5 người cùng chất lên chiếc Cub 50 vượt quãng đường 70km. Mỗi khi tới nơi, ba chị em tôi ê mông, ê chân đứng không vững. Đó mới chỉ là địa phận đèo Le (thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Cực khổ nhưng vẫn chịu được.

Tôi chỉ hãi nhất mỗi lần về Trung Phước (quê ngoại). Đường núi lên dốc cheo leo. Xe Cub yếu không vượt dốc được, vừa đi vừa đẩy. Cả tuổi thơ tôi lớn lên với từng vòng xe về quê. Mỗi vòng xe ấy chở theo ra Đà Nẵng bao lúa, bịch khoai, bịch sắn mà các cô tôi vun trồng. Chẳng nhớ là nhà tôi đã không còn ăn cơm nấu từ gạo của các cô từ bao giờ. Chỉ biết hạt gạo quê màu xám xám, khô khô ấy vẫn là những bữa cơm đầm ấm nhất của gia đình tôi. Ân tình của quê hương, biết nói sao cho vừa!

Những ngày này, cả nước hướng về Quảng Nam - Đà Nẵng với tất cả tình yêu thương, đặc biệt là tình cảm của những đứa con xa quê, chân đi muôn phương. Từ những ngày đầu dịch bệnh xảy ra, các tổ chức đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng và cả nghệ sĩ phía nam đã phát lời kêu gọi “Triệu con tim hướng về Quảng Nam - Đà Nẵng” để tập hợp nhân lực, vật lực gửi về quê nhà.

Trên mạng xã hội, hình ảnh những chuyến xe mang theo giường xếp, khẩu trang, nước sát khuẩn, gạo… của những đứa con xa quê làm ấm lòng người sở tại. Tôi nhắn tin hỏi thăm một người anh mà những ngày này, hình ảnh anh mướt mải mồ hôi theo các chuyến xe chở hàng tràn ngập trên Facebook của bạn bè. Anh nói ngắn gọn: “Quê nhà luôn ở trong tim anh. Những bon chen kiếm sống ngày thường xin được gác lại, vì hiện tại, anh đủ”. Khi quê hương đang bị “chảy máu”, tấm lòng nhân ái của những người con xa quê trỗi dậy. Tuy sống xa quê trên cả nghìn cây số, nhưng họ luôn hướng về quê nhà với nỗi lo lắng, bồn chồn.

Quả thật, quê hương không bắt buộc phải nhớ, phải yêu, nhưng sao đi đâu cũng nhớ. Nỗi nhớ quê hương luôn thường trực trong lòng mỗi người, nó chỉ bị ẩn đi do cuộc sống tất bật, lo toan. Những ngày “sống chậm” này, nếu được, hãy chung một tay với quê hương, với những người cùng chung nguồn cội, uống chung nguồn nước Vu Gia, Thu Bồn… Với quê hương chưa bao giờ là đủ.

MAI PHƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.