Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các họa sĩ vẽ tranh cổ động vào cuộc khá sớm. Theo đó, tranh cổ động phát huy tác dụng, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và từng địa phương.
“Ở nhà là yêu nước”
Trong số các họa sĩ vẽ tranh cổ động phòng, chống Covid-19, có thể kể đến họa sĩ 8X Lê Đức Hiệp hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh với bức tranh Ở nhà là yêu nước. Bức tranh này rất nổi tiếng, được báo The Guardian (Anh) và hãng thông tấn DPA (Đức) giới thiệu. Tác giả cũng chủ động in và bán bức tranh cổ động này để chung tay giúp các y bác sĩ và người dân đẩy lùi dịch bệnh.
Tác phẩm Ở nhà là yêu nước của họa sĩ Lê Đức Hiệp. |
Có lần Hiệp bán 2 bức tranh được gần 16 triệu đồng và dùng số tiền đó mua 1,2 tấn gạo quyên góp cho cây ATM gạo ở quận Thủ Đức. Hiệp cho biết, anh thiết kế bức tranh này rất nhanh, chỉ gọn trong một buổi chiều. “Tôi chọn thông điệp ngắn gọn: Ở nhà là yêu nước. Những thông tin còn lại, tôi chọn cách diễn đạt ngắn gọn, hài hước và dễ nhớ nhất để áp-phích có thể dễ lan tỏa hơn”, Hiệp chia sẻ thêm.
Cùng với Đức Hiệp, họa sĩ Trần Công Dũng (SN 1969) trong những ngày Hà Nội thực hiện quy định giãn cách xã hội đã vẽ tay bằng chất liệu bột màu trên giấy 4 bức tranh cổ động kích thước 79x55cm. “Tôi muốn những bức tranh chuyển tải thông điệp hữu ích về phòng, chống dịch bằng hình ảnh gần gũi, thêm chút gia vị hài hước, hóm hỉnh để dễ dàng đến với đông đảo công chúng. Tôi cũng hy vọng các tác phẩm này mang lại tinh thần lạc quan để mọi người có thêm sức mạnh chiến thắng dịch bệnh”, họa sĩ Trần Công Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, phải kể đến 14 bức tranh cổ động của các họa sĩ: Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc), Hà Quốc Minh (Hòa Bình), Đỗ Như Điểm (Thái Bình), Lê Thuận Long (Quảng Bình), Lưu Yên Thế (Hà Nội)… Đây là bộ tranh cổ động được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chọn từ hơn 100 bức tranh cổ động của 23 họa sĩ gửi về tham gia cuộc phát động vẽ tranh cổ động để tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng, chống Covid-19, đồng thời cổ vũ đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Ngay sau đó, 14 tranh cổ động được chọn in và gửi về các địa phương để treo tại nhiều địa điểm công cộng.
Sức mạnh bền bỉ
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, hiện là Cục trưởng Cục Điện ảnh, tranh cổ động Việt Nam xuất hiện sau khi chính quyền cách mạng ra đời và nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. “Các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn là những chiến sĩ tuyên truyền, cổ động phản ánh những sự kiện, những vấn đề thời sự của đời sống xã hội”, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cũng dẫn chứng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tranh cổ động là loại hình nghệ thuật được hầu hết các họa sĩ tham gia sáng tác. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động luôn bám sát các chiến dịch của bộ đội ta, công tác binh vận, tình quân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động tập trung chủ đề hậu phương miền Bắc, tiền tuyến miền Nam, chống chiến tranh phá hoại; đề tài về giao thông, vận tải, đường Trường Sơn, công nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa, góp phần cổ vũ khí thế cách mạng… Sau năm 1975, tranh cổ động tiếp tục phát triển và lan tỏa đến tất cả các địa phương, với lực lượng sáng tác từ cơ sở, tiếp tục cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và từng địa phương.
Tác phẩm Chung sức đồng lòng chống Covid-19 của họa sĩ Đỗ Như Điềm (Thái Bình). Đây là một trong 14 mẫu tranh cổ động tuyên truyền, phòng chống Covid-19 được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa về các địa phương trên cả nước. |
Sau đó, bằng tài năng và sự sáng tạo của các họa sĩ Việt Nam, tranh cổ động Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Mặc dù được sáng tác thủ công, công cụ thô sơ, thậm chí trên nền giấy không mấy chất lượng, nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới.
Ngày nay, lịch sử mỹ thuật Việt Nam vẫn nhắc đến tên tuổi nhiều họa sĩ nổi tiếng đã được huy động để sáng tác tranh áp-phích, tranh cổ động như: Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Thuận... Có thể kể một loạt những tranh cổ động của các họa sĩ như: Nước Việt Nam của người Việt Nam (Trần Văn Cẩn, 1945), Bảo vệ hòa bình (Nguyễn Đỗ Cung, 1959), Toàn thế giới ủng hộ chúng ta (Huỳnh Văn Gấm, 1963), Đâu có giặc là ta cứ đi (Văn Đa, 1964), Không có gì quý hơn độc lập tự do (Nguyễn Văn Tỵ, 1967)...
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam trong việc tuyên truyền những sự kiện, vấn đề thời sự của đất nước. “Những bức tranh cổ động mới ra đời trong thời gian gần đây với thông điệp đẩy lùi đại dịch Covid-19 tiếp nối ý nghĩa của dòng tranh đặc biệt này trong việc cổ vũ tinh thần đoàn kết, kết nối sức mạnh cộng đồng trong những thời điểm khó khăn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
THƯ HOÀNG