Trao yêu thương giữa mùa dịch

"Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau"

.

Trưa 26-7, mình nhận được tin nhắn từ chị đồng nghiệp của chồng “Em chuẩn bị ít quần áo cho anh K. đi cách ly nghe!”. Lúc đó, chồng vẫn đang lụi cụi ở phòng khám tư. Có lẽ, lệnh điều động bất ngờ khiến anh phải tập trung xử lý nhanh những ca bệnh cần kíp. Không kịp nghĩ gì, tan giờ làm, mình chạy xe thật nhanh về nhà để nấu cho chồng bữa cơm, gói ghém ít quần áo và tư trang để anh kịp đến bệnh viện đúng giờ.

Chiều, con đường về nhà bỗng như xa hơn. Tiếng còi xe cấp cứu inh ỏi hú liên hồi xé nát không khí bình yên của phố, người người vội vã tấp vào các quán tạp hóa rồi hối hả rời đi với lỉnh kỉnh bao bì treo hai bên hông xe. Hai thằng con chạy ra đón mẹ ở cổng “Mẹ ơi! Ba đi rồi”. “Ừ, ba đi công tác, vài bữa ba về!” - nghe như tiếng mình xa xăm đâu đó giữa ngõ nhà trống tuênh.

Đêm đó, từ bệnh viện, chồng mình gọi điện về “Anh ổn”. Lát sau nữa, giọng anh bỗng trầm xuống, ngắt quãng: “Kiểm tra nhanh lần một có một số nhân viên trong bệnh viện dương tính rồi. Nhưng không sao đâu, mọi việc vẫn kiểm soát được mà!”. Vội vã cúp máy sau một lúc cố trấn an chồng mà không nhớ rõ đã nói cùng anh những gì, mình đã có một đêm thức trắng.

Những ngày sau đó, Bệnh viện Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19. Không chỉ bệnh nhân, người nhà mà cả nhân viên, y, bác sĩ đều có nguy cơ bị lây nhiễm!

Mười mấy năm, nghĩ về nghề của chồng - một bác sĩ phẫu thuật trong bệnh viện tuyến cuối của thành phố, trong mình luôn thường trực xúc cảm: tự hào. Tự hào vì anh đã được làm đúng công việc yêu thích, tự hào vì chuyên môn và tâm huyết của anh đã góp phần làm lành vết thương của bao người bệnh, tự hào bởi một mình anh đảm đương hết nỗi lo khi ba mẹ hay người thân không may ốm đau… Thi thoảng, mình thấm cảm được nỗi mệt nhọc của chồng: lịch làm việc dày đặc, bữa ăn nào cũng vội vã, đêm hôm cứ nghe chuông điện thoại là vội vàng rời nhà đến bệnh viện…

Nhưng đến đêm đó, lần đầu tiên lòng mình rưng rức nghẹn lại một nỗi xót xa - thương nghề của chồng quá đỗi! Có ai biết đâu, đằng sau tấm áo blouse đạo mạo và uy nghiêm ấy, là sinh mệnh của anh, là sinh mệnh của những người vợ - như mình, là cuộc sống của những đứa con còn nhỏ dại! Bồn chồn, sợ hãi, hoang mang…, bao nhiêu xúc cảm bộn bề. Một mình đối diện với nỗi sợ lớn nhất vần vũ trong ý nghĩ: lỡ hai đứa con bị nhiễm vi-rút, chúng sẽ như thế nào đây?!

May mà, trưa hôm sau, chồng báo về “Âm tính!”. Nghe tiếng thở rơi thật nhanh ra khỏi lồng ngực căng cứng nỗi lo. Chẳng biết sao, nước mắt cứ chực trào ra không ngăn nổi!

Cuộc chiến của chồng và đồng nghiệp giữa tâm dịch, với mình, bắt đầu từ thời khắc đó. Tin nhắn, cuộc gọi nào cũng kết thúc bằng lời dặn “Cẩn trọng nghe anh!”. Lệnh phong tỏa được áp dụng cho 3 bệnh viện lớn nằm cạnh nhau, hàng rào đỏ dựng lên ngăn những con đường ngày thường vốn đông vui tấp nập. Ngoài này, số ca nhiễm mỗi ngày tăng lên, lệnh giãn cách được thực hiện triệt để. Trong kia, y bác sĩ vừa cách ly, vừa phục vụ công tác chống dịch.

Những chuyến hàng tiếp sức ấm tình dân đã liên tục đổ về ngay chỗ hàng rào ấy. Người ta phải dựng bạt che, phân công người sắp xếp gọn gàng để có chỗ cho những chuyến xe tiếp. Xem đâu đó có những hình ảnh về góc đường nghĩa tình ấy, mình đều lưu lại và gửi vào tin nhắn chồng: “Người dân thành phố mình thương lắm, anh và đồng đội cố lên nghe!”.

Hai đứa nhỏ vắng ba, đi qua đi lại trong nhà cứ hỏi “Ba về chưa mẹ?”, “Ba bắt vi-rút hết chưa?”. Thương con, lại chạnh nghĩ đến hai đứa con của đồng nghiệp chồng. Cả ba và mẹ đều làm trong bệnh viện, ngày nhận lệnh cách ly, anh chị chỉ kịp sắp xếp đồ đạc rồi gửi hai bé cho ông bà ngoại. Ra tới tận ngõ, cứ ngắc ngứ không dám trả lời câu hỏi của con “Khi nào ba mẹ về?”, sợ con mong, bởi ba mẹ có biết đâu ngày về… Có chị điều dưỡng vừa đi làm lại sau sinh, con còn khát sữa mẹ, đêm quấy khóc đòi trong vòng tay vụng về của ba. Ban ngày chị loay hoay với công việc, đêm về nước mắt cứ lưng tròng vì nhớ con. Trong cùng thành phố, khoảng cách đâu xa mà lòng người lao xao thương nhớ…

Nhịp sống lặng xuống với những con đường vắng bóng người. Tâm tư nặng trĩu bởi số ca nhiễm trong cộng đồng chưa có dấu hiệu dừng lại. Không khí buồn thương khi thấy hình ảnh người mất vì dịch bệnh lặng lẽ trong phút giây giã từ. Nhưng… những chuyến hàng từ thiện từ khắp nơi vẫn nhộn nhịp đổ về thành phố, những chiếc bàn nhỏ đầy ắp khẩu trang được phát miễn phí luôn nằm đó ở góc đường, ly cà phê được gửi vào bệnh viện cho các y, bác sĩ kèm đóa hoa tươi và dòng chữ viết vội “Đà Nẵng cố lên!”. Điện thoại mình mỗi đêm vẫn réo rắt tin nhắn thăm hỏi, động viên của bạn bè, đồng nghiệp. Không ai cô độc trong cuộc chiến khốc liệt này! Chưa bao giờ, thành phố buồn đến thế; mà cũng chưa bao giờ, người dân thành phố lại gắn kết ấm áp đến vậy!

Từ khu cách ly hỗ trợ công tác chống dịch, chồng gọi về “Xa nhà như ri cảm giác như thời chiến, em hì!”. Mình cười giòn: “Thời chiến làm gì có video call để gọi mỗi ngày. Cố lên anh, sắp về nhà rồi! Kệ, nghề mình mà!”. Rồi không biết bao lần, tâm trí mình bỗng sáng lên cái sắc đỏ chói ngời của cuộc chia ly trong những năm tháng máu lửa gian khổ gấp bội phần: “Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào/ Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”.

TRẦN THỊ HỒNG VÂN
 

;
;
.
.
.
.
.