Xây dựng lối sống tích cực

.

Những ngày này, người dân Đà Nẵng dần quen khái niệm “sống chung với dịch bệnh”. Sống chung, đồng nghĩa với việc thay đổi những thói quen, lề lối sinh hoạt theo chiều hướng vừa nâng cao thể trạng, giữ an toàn cho bản thân, vừa tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế…

Anh Nguyễn Bình Nam (41 tuổi, trú quận Hải Châu) cùng nhóm bạn của mình chọn cách đóng góp cho cộng đồng bằng việc trao hàng trăm suất quà hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch. Ảnh: VIỆT HƯNG
Anh Nguyễn Bình Nam (41 tuổi, trú quận Hải Châu) cùng nhóm bạn của mình chọn cách đóng góp cho cộng đồng bằng việc trao hàng trăm suất quà hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch. Ảnh: VIỆT HƯNG

Chiều 22-8, vợ chồng anh Trần Văn Minh (sống tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) nhận thông tin có một ca nhiễm mới trên địa bàn phường. Bệnh nhân 38 tuổi, trú đường Đỗ Quang, là tiểu thương buôn bán tại chợ Tân Lập. Thoáng chút lo lắng nhưng anh Minh kịp trấn an vợ: “Thời gian này gia đình mình chỉ ở nhà, ra ngoài thì có khẩu trang, sát khuẩn, không việc gì phải lo”.

Anh Minh chia sẻ, thay vì hoang mang, lo lắng đến mất ăn mất ngủ như trước, nay tâm thế của anh là sẵn sàng đón đầu các rủi ro, nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống Covid-19. “Hơn một tháng nay, có ngày Đà Nẵng phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, có ngày không có. Ở đâu cũng có nguy cơ nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, lo lắng hay hốt hoảng không giải quyết được vấn đề gì. Những ngày này, thay vì ra ngoài ăn sáng, uống cà phê, vợ chồng tôi pha đồ uống ở nhà, nấu nướng, đọc sách, chăm sóc mấy chậu cây, xem lại vài bộ phim cũ. Số ca nhiễm ngày càng tăng nhưng tôi thấy các giải pháp của Chính phủ vẫn giúp người dân sống trong môi trường an toàn, có thêm kiến thức phòng ngừa dịch bệnh”, anh Minh chia sẻ.

Ở giữa tâm dịch, mặc dù vẫn còn nhiều lo lắng nhưng người dân vẫn giữ được sự bình tĩnh, lạc quan với cuộc sống thường nhật. “Nhà là nơi an toàn nhất để trở về”, chị Hồ Thị Diệu Thu (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nói ngắn gọn như thế khi chia sẻ về những thay đổi tích cực của chị trong thời điểm cách ly toàn xã hội. Thời gian này, chồng chị Thu duy trì công việc tại cơ quan nhưng thay vì ở lại trưa, anh về ăn cơm cùng gia đình.

Chị Thu cho hay: “Việc nấu nướng khiến tôi vui hơn. Có nhiều thời gian ở nhà, chồng tôi gia cố lại vườn rau trên sân thượng, sửa sang một số vật dụng bếp núc. Thời gian này, chúng tôi tự thấy mình phải thích ứng với tình hình mới như thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ, thanh toán trực tuyến, làm việc online, chi tiêu dè sẻn, chỉ mua thứ mình cần hoặc thay vì ra hàng quán thì nấu nướng, ăn uống tại nhà. Nói một cách khác, vợ chồng tôi xem đây là khoảng thời gian mọi người được nghỉ ngơi sau nhiều năm làm việc bởi khó khăn nào rồi cũng qua”.

Giữa khó khăn, người dân vẫn xây dựng cho mình lối sống tích cực. Chị Lê Thị Thu Trang (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết, trước đây, công việc của chị khá bận rộn khi quản lý quán pizza trên đường Đống Đa. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, quán tạm thời đóng cửa, thay vì bi quan hay buồn chán, thời gian này chị Trang dành tâm sức nghiên cứu thêm nguyên liệu để cho ra các sản phẩm mới, thậm chí tập tành làm thêm các loại bánh dành tặng bạn bè. Mới đây, trên trang facebook cá nhân, chị khoe vừa hoàn thành gần 100 chiếc bánh Trung thu, đóng gói đẹp để gửi tặng bạn bè, người thân. “Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để mình bắt tay vào thực hiện các ý tưởng mới cho quán”, chị Trang nói.

Một nhóm bạn trẻ Đà Nẵng tham gia hoạt động nấu cơm miễn phí  dành tặng người nghèo bị ảnh hưởng Covid-19 tại Đà Nẵng. Ảnh: TIỂU YẾN
Một nhóm bạn trẻ Đà Nẵng tham gia hoạt động nấu cơm miễn phí dành tặng người nghèo bị ảnh hưởng Covid-19 tại Đà Nẵng. Ảnh: TIỂU YẾN

Trên mạng xã hội, người dân Đà Nẵng bắt đầu đề cập việc cần sống chung với dịch bệnh. Một đồng nghiệp của chúng tôi (xin giấu tên) nói rằng, đã đến lúc thừa nhận và chung sống với Covid-19 như những dịch bệnh như: sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cảm cúm… Người mắc bệnh thì tới bệnh viện thăm khám, chữa trị, còn người khác vẫn làm việc bình thường. Xã hội vẫn phải vận động, dù có vắc-xin, thuốc chữa hay không thì vẫn phải chung sống với nó.

Theo phân tích của người đồng nghiệp nói trên, với Covid-19, tỷ lệ người chết không cao, tỷ lệ người nhiễm cả nước đến thời điểm này hơn 1.000 người, tử vong 30 người (trong đó có 16 ca bệnh nền ung thư và suy thận giai đoạn cuối, tuổi từ 65-85; các ca còn lại mang các bệnh nặng khác, nằm viện điều trị đã nhiều năm). “Sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin và chúng ta vẫn đang sống chung với nó. Có lẽ đã đến lúc người dân cần nghĩ đến phương án sống chung với Covid-19 thông qua việc tăng cường ý thức, thói quen chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân”, anh nói.

Bên cạnh đó, thái độ, cách tiếp cận của mọi người đối với Covid-19 dần thay đổi, phần nào thể hiện qua “bức tranh mạng xã hội” bắt đầu quay lại gam màu tươi vui và nhiều hy vọng: người dân chia sẻ thông tin những buổi sáng Đà Nẵng không có ca nhiễm mới; mách nhau công thức nước uống tăng cường sức đề kháng; chỉ nhau địa chỉ khó khăn cần giúp đỡ… Và đâu đó, trên facebook cá nhân, nhiều người cũng bày tỏ mong muốn để sống chung với dịch bệnh, thành phố cần ứng xử linh động, hướng đến giải pháp cho các loại hình kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại, chỉ cấm những loại hình nguy cơ cao như massage, spa, vũ trường, tiệc tùng đông người; hạn chế tụ tập đông người trong ma chay, cưới hỏi... Đồng thời, họ cũng khuyến cáo nhau cần tuân thủ quy định giãn cách; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trở lại thì phải bảo đảm quy định phòng dịch của Bộ Y tế.

TIỂU YẾN

* Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng:
Duy trì thói quen tốt, từ bỏ thói quen chưa phù hợp

 Đối với người dân, để sống chung với đại dịch Covid-19 một cách an toàn và có thể lâu dài, cần tiếp tục duy trì một số thói quen tốt như không tùy tiện đưa tay lên mặt, thường xuyên rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang khi ra đường và ở nơi công cộng kể cả khi đã hết giãn cách xã hội. Đồng thời, cần thay đổi dần một số thói quen rất tình nghĩa và bình thường xưa nay (nhưng giờ đây không còn phù hợp với tình huống phải sống chung với Covid-19) như bắt tay, rủ nhau vào bệnh viện thăm người ốm - trừ trường hợp người nhà phải thay nhau chăm sóc… Ngoài ra, dù cảnh giác và có những động thái cần thiết để tự bảo vệ mình, nhưng chúng ta không nên có thái độ định kiến với người từng dương tính với SARS-CoV-2 đã bình phục. Một điều quan trọng nữa là không ngừng nâng cao thể lực, giữ gìn sức khỏe bản thân, nhất là với người cao tuổi có nhiều bệnh nền.

Đối với thành phố, sau khi đã kiểm soát thành công dịch bệnh, gỡ bỏ giãn cách xã hội, thậm chí khoanh vùng phong tỏa, đưa cuộc sống vào trạng thái bình thường mới (tức tình huống phải sống chung với dịch bệnh), có hai việc cần làm ngay: một là tập trung đầu tư từ ngân sách, từ nguồn lực xã hội hóa nâng cấp năng lực xét nghiệm, tiêm phòng dịch bệnh và điều trị của ngành y tế đối với các bệnh lây nhiễm nói chung và Covid-19 nói riêng; hai là cán bộ đảng viên - nhất là người đứng đầu - phải nêu gương trong việc duy trì những thói quen có lợi và từ bỏ những thói quen không phù hợp trong tình huống phải sống chung với dịch bệnh nguy hiểm.

Thái độ, cách tiếp cận của mọi người đối với Covid-19 dần thay đổi, phần nào thể hiện qua “bức tranh mạng xã hội” bắt đầu quay lại gam màu tươi vui và nhiều hy vọng: người dân chia sẻ thông tin những buổi sáng Đà Nẵng không có ca nhiễm mới; mách nhau công thức nước uống tăng cường sức đề kháng; chỉ nhau địa chỉ khó khăn cần giúp đỡ… Và đâu đó, trên facebook cá nhân, nhiều người cũng bày tỏ mong muốn để sống chung với dịch bệnh, thành phố cần ứng xử linh động, hướng đến giải pháp cho các loại hình kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại, chỉ cấm những loại hình nguy cơ cao như massage, spa, vũ trường, tiệc tùng đông người; hạn chế tụ tập đông người trong ma chay, cưới hỏi... Đồng thời, người dân cũng khuyến cáo nhau cần tuân thủ quy định giãn cách...


 


 


 

 

;
;
.
.
.
.
.