Dấu ấn Abe Shinzo

.

Khi ngày bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) đến gần (ngày 14-9), báo chí và người dân Nhật Bản càng nhắc nhiều đến vị Thủ tướng sắp rời cương vị, ông Abe Shinzo - nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử đất nước hoa anh đào.  

Dưới thời ông Abe Shinzo, liên minh Mỹ - Nhật - Ấn Độ được củng cố vững chắc. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (giữa) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thể hiện sự đoàn kết tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào tháng 6-2019. Ảnh: Nikkei
Dưới thời ông Abe Shinzo, liên minh Mỹ - Nhật - Ấn Độ được củng cố vững chắc. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (giữa) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thể hiện sự đoàn kết tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào tháng 6-2019. Ảnh: Nikkei

Ông Abe để lại di sản ấn tượng có thể khiến người kế nhiệm phải nỗ lực rất nhiều mới giữ nhịp điệu phát triển và hoàn tất những gì mà ông chưa thể đạt được trong 8 năm qua.

Khác biệt mang tên Abenomics

Ông Abe từng được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 20-9-2006. Nhưng chỉ 1 năm 5 ngày sau, ông tuyên bố từ chức vì bệnh viêm loét đại tràng. Chính trị gia 65 tuổi quyết định từ chức Thủ tướng lần thứ hai hồi cuối tháng 8 vừa qua sau 8 năm tại nhiệm cũng vì bệnh cũ tái phát. Giữa hai nhiệm kỳ của ông có tới 5 vị kế nhiệm nhưng không ai trụ quá 16 tháng. Điều đó cho thấy ông Abe đã có 8 năm làm việc rất thành công.

Mấu chốt của thành công đó là chính sách Abenomics bắt đầu từ năm 2013, hiểu nôm na là cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế để giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài nhiều thập niên trước đó. Nếu như tăng trưởng thực tế trên đầu người trong 4 năm trước khi ông Abe nhậm chức là… 0% thì từ năm 2013-2019 là 1,2%. Ông chiến thắng được tình trạng giảm phát khi giá tiêu dùng cuối năm 2019 tăng 0,5%. Vị thủ tướng 65 tuổi này cũng điều chỉnh thành công tỷ giá hối đoái USD-Yen từ mức 84 yên đổi 1 USD lúc nhậm chức và đến nay đạt mức trung bình 109 đổi 1 USD.

Ông Abe chấp nhận rủi ro chính trị để thúc đẩy thương mại cởi mở khi tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký kết năm 2016. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp ước, ông Abe dẫn đầu một cuộc đàm phán khác thành công và TPP đổi thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được ký vào năm 2018.

Lao động nước ngoài và du lịch cũng được ông Abe mở cửa thông thoáng dần. Lực lượng lao động các nước hiện có mặt ở Nhật Bản là 1,7 triệu người, tức gấp đôi hồi năm 2012. Du khách nước ngoài tới đất nước Mặt trời mọc năm 2019 là 31,9 triệu lượt, so với 8,4 triệu lượt hồi năm ông nhậm chức Thủ tướng lần thứ hai. Tính minh bạch trong quản lý doanh nghiệp cũng được tăng cường mạnh mẽ. Ông giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 39% xuống còn 31%. Ông cũng quản lý chặt chẽ những thương vụ mua bán - sáp nhập nhằm bảo vệ lợi ích các cổ đông nhỏ…

Chờ người kế nhiệm tiếp bước

Ông Abe tiếp tục làm việc cho tới khi tìm ra người kế nhiệm. Giới bình luận cho rằng, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải nỗ lực rất nhiều để duy trì sự thành công của ông Abe và tiếp tục làm những điều mà ông chưa hoàn thành. Đó là ông chưa đạt được tỷ lệ lạm phát 2%, giá điện vẫn cao hơn các nước công nghiệp khác, không thể đạt mục tiêu giảm 80% lượng khí nhà kính… Tờ Nikkei Asian Review nhận định: “Người kế nhiệm sẽ phải mang đôi giày to để lấp đầy, thậm chí còn có những thử thách lớn hơn buộc phải đối mặt”.

Thủ tướng Abe duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ từ thời Tổng thống Barack Obama. Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, quan hệ Mỹ - Nhật vẫn tốt đẹp. Ông Abe cũng có mối quan hệ nồng ấm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi là người nước ngoài đầu tiên được người đồng cấp Abe mời tới dùng bữa tối riêng tại biệt thự nghỉ dưỡng ở Narusawa, gần hồ Kawaguchi.

Ông Abe khởi xướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quy tụ 4 nước Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Úc, tổ chức đối thoại hằng năm để duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở nhằm đối phó với bất cứ tham vọng bành trướng nào ở khu vực. Thủ tướng Abe là người theo chủ nghĩa đa phương, dám dấn thân không mệt mỏi để thúc đẩy trật tự thế giới dựa trên luật lệ quốc tế.

Tờ Bloomberg viết rằng, châu Á sẽ nhớ tới Abe nhiều hơn nhớ tới nước Nhật bởi ông mở rộng việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều nước một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á. Vì thế, mọi người chờ đợi tân Thủ tướng tiếp nối và phát huy con đường mà ông Abe đã chọn trong 8 năm qua.

ANH THƯ theo Nikkei Asian Review, Bloomberg

 

;
;
.
.
.
.
.