Đà Nẵng cuối tuần

GÌN GIỮ NGỌT LÀNH

Chuyện làng...

13:44, 20/09/2020 (GMT+7)

Những năm gần đây, sinh hoạt dòng họ, làng xã ở huyện Hòa Vang từng bước được phục hồi. Nhiều hoạt động như xây mới từ đường, dịch, sao chép gia phả, chắp nối các chi cành, xây dựng mộ tổ, các lễ cúng tại đình làng… diễn ra ở nhiều nơi. Bên cạnh yếu tố tâm linh, đây là cơ hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu tạo nên tình đoàn kết từ dòng tộc đến mỗi thôn, xóm.

Phong trào phục dựng lễ hội, khôi phục việc tộc, việc làng rất phát triển ở huyện Hòa Vang hôm nay. TRONG ẢNH: Lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra năm 2019.Ảnh: MAI HIỀN
Phong trào phục dựng lễ hội, khôi phục việc tộc, việc làng rất phát triển ở huyện Hòa Vang hôm nay. TRONG ẢNH: Lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra năm 2019. Ảnh: MAI HIỀN

1. Những cánh đồng lúa của Hòa Vang mấy hôm nay chỉ còn trơ lại những gốc rạ thưa. Chiều tháng 9, gió đồng thông thốc thổi. Cứ cách vài đám ruộng là có một đống rơm đang cháy. Những lọn khói xám thơm thơm vương vất khắp nơi.

Ngồi trong nhà nhìn ra cánh đồng làng Phong Lệ trước mặt, ông Lê Văn Tục (71 tuổi, Trưởng ban tế lễ làng Phong Lệ, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) nhẩm tính: “Chỉ chừng mươi ngày nữa thì đến lễ cúng thu. Năm nay, dịch bệnh khiến lễ cúng xuân hồi đầu năm chỉ làm đơn giản, có mấy ông già chủ chốt tham gia thôi, con cháu của làng không về được. Sau cúng thu là đến lễ cúng Chạp, chẳng mấy chốc mà hết năm”.

Theo ông Tục, các nghi lễ văn hóa tâm linh ở làng thường tập trung trong 4 chữ “xuân kỳ thu tế” - nghĩa là mỗi năm có hai ngày lễ tế vào mùa xuân và mùa thu ở đình làng, hoặc nhà thờ các tộc họ… Lễ là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện, vui chơi.

Làng Phong Lệ, nơi ông Tục đang sống, là một trong số ít ngôi làng trên địa bàn huyện Hòa Vang còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống, với đồng lúa xanh bát ngát điểm xuyến những lũy tre làng, con đường đất quanh năm mát rượi và những ngôi nhà bình dị của nhà nông.

Theo lịch sử của làng, cách đây hơn 100 năm, con sông Cầu Đỏ chỉ là con lạch nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua được và chưa phải là ranh giới của làng. Sau này, người ta gọi phần đất ở phía nam con sông là Phong Lệ Nam, phần ở phía bắc là Phong Lệ Bắc, nói gọn dần thành Phong Nam và Phong Bắc.

Đến khi con sông được chọn làm ranh giới xã thì Phong Nam thuộc xã Hòa Châu, còn Phong Bắc thuộc xã Hòa Thọ (nay là phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Tuy tách biệt và thuộc địa phận hai xã/phường khác nhau nhưng dân làng Phong Lệ (Nam và Bắc) vẫn duy trì nhiều sinh hoạt chung, nhất là trong các việc họ, việc làng.

Ở mảnh đất không mấy rộng lớn này, người dân làng Phong Lệ đã tạo ra lễ hội độc đáo mà không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, đó là lễ hội Mục Đồng. Lễ hội này hình thành từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước mang tính nhân văn cao cả, nét đẹp văn hóa ở các vùng quê. Không chỉ cầu mưa thuận gió hòa, lễ hội Mục Đồng về sau được dân làng Phong Lệ mở rộng thêm với việc cầu cho quốc thái dân an và tri ân tiền nhân có công khai cơ lập nghiệp.

Lễ hội này là khoảng thời gian để con cháu sinh sống, làm việc ở các nơi xa kéo về đông đủ. “Chúng tôi thường nói đùa rằng, Phong Bắc, Phong Nam cách mặt nhưng không cách lòng là vì thế. Con cháu của làng dù đi muôn phương nhưng nghe lời “hiệu triệu” của các bô lão thì luôn góp mặt, có thể bằng vật chất, có thể bằng tinh thần. Đó là cơ sở để các dòng họ tìm về với những giá trị truyền thống bằng cách phục hồi những sinh hoạt dòng họ, như xây mới từ đường, dịch, sao chép gia phả, chắp nối chi cành, xây dựng mộ tổ, tổ chức lễ hội truyền thống…”, ông Tục nói.

2. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến tận ngày nay, trên con đường đổi mới và tiếp cận văn hóa thế giới, gia đình, tộc họ ở huyện Hòa Vang vẫn còn rất nhiều yếu tố giống với các làng quê khác. Cơ cấu xã hội cơ bản ở Hòa Vang vẫn là nhà - làng - nước. Những năm gần đây, nhiều người nặng lòng với văn hóa đặt câu hỏi: Hòa Vang còn đâu dấu tích của làng quê khi bê-tông hóa đã vào đến tận cửa nhà? Thực tế, quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa đã đem lại cho người dân Hòa Vang nhiều tiện ích, nhưng đã làm mất đi cảnh quan làng quê...

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đinh Viết Thành (82 tuổi, Tộc trưởng tộc Đinh, trưởng làng Quá Giáng, xã Hòa Phước) vẫn đau đáu với việc tộc, việc làng. Ông nói vanh vách: “Đình làng và nhà thờ Chư phái tộc là niềm tự hào của người dân Quá Giáng. Hằng năm, đến ngày 11 và 12-4 âm lịch, dân làng tổ chức lễ Kỳ yên để cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Bà con chư phái tộc trên khắp 7 xóm của làng Quá Giáng xưa, nay là 7 thôn, kể cả xóm An Lưu nay thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), đều tề tựu về đình và nhà thờ để thắp nén hương tưởng công đức tiền nhân mở làng lập ấp”.

Ông Thành luôn mang theo cuốn sổ tay nhỏ, ghi chép đầy đủ tên, tuổi của con cháu trong làng đi làm ở phương xa gửi tiền về đóng góp xây dựng đình, nhà thờ tộc họ. Mới đây, ông cũng viết thư gửi con cháu để báo tin làng sắp xây dựng Miếu Bà, con cháu ủng hộ và số tiền nhận được đến nay hòm hòm vài ba trăm triệu đồng. “Tôi rồi chẳng mấy chốc cũng về với ông bà tiên tổ. Nhưng còn sống được ngày nào, mình phải gầy dựng cái gốc rễ cho con cháu.

Giá trị riêng của nông thôn là tính gắn kết cộng đồng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nhân văn, hồn cốt của dân tộc. Đặc biệt, khi đời sống kinh tế đi lên thì nhu cầu được đoàn tụ, tỏ tường gốc tích thôi thúc người ta quan tâm hơn nữa tới nguồn cội của mình. Đó là cơ sở để con cháu quay về đóng góp, xây dựng thôn làng, quê hương”, ông Thành nói.

3. Năm ngoái, về Hòa Vang dự lễ khai trương điểm ứng dụng công nghệ thông tin tại thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong), thấy bà con trong thôn xúm xít tại Nhà văn hóa thôn nấu ăn, bày biện, cúng quảy, hỏi ra mới biết, bà con đang chuẩn bị làm lễ cúng xóm.

Tục cúng xóm xuất hiện từ rất lâu trong xã hội nông thôn Hòa Vang. Theo lệ, cúng xóm thường được tổ chức hai lần trong năm, vào lễ Tất niên và lễ cúng xuân sau Tết Nguyên đán. Tục này thể hiện tín ngưỡng thờ thần, mang sắc thái tâm linh nhưng mục tiêu hướng đến là cuộc sống đời thường rất đỗi bình dị, nhân văn. Lệ này hiện trên đà phục hồi mạnh mẽ. Hầu như tất cả thôn, xóm trên địa bàn huyện Hòa Vang đều tổ chức cúng xóm đều đặn mỗi năm.

Ông Trần Văn Tâm (68 tuổi, người dân tôn Dương Lâm 2) bày tỏ, đất nào cũng có Thần hoàng bổn xứ cai quản, xóm làng nào thì có Thần hoàng nơi đó cư ngụ, cai trị. Lễ cúng xóm trước là để tạ ơn Thần hoàng, Thổ địa, sau là tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh và người của xóm đã khuất. Lễ cúng xóm long trọng nhất là ngày tế xuân. Hai lần cúng xóm là hai bữa cơm thân mật, mọi tấm lòng đều cởi mở, chúc nhau những điều tốt đẹp. “Cúng xóm thực chất là cơ hội để bà con trong thôn gặp gỡ, hàn huyên, hóa giải những khúc mắc nếu có và bàn bạc cách làm để lối xóm bình yên, môi trường sạch, đẹp. Đây cũng là dịp để con cháu đi làm ăn xa về hội họp với ông bà, cô bác, hiểu thêm về gốc gác quê hương. Ngày cúng xóm thực sự là ngày hội, góp phần gìn giữ tình nghĩa xóm giềng”, ông Tâm nói.

Ngoài cúng xóm, Chạp mã cũng là một nét đẹp văn hóa của người Hòa Vang. Hằng năm, vào tháng Chạp, con cháu các tộc họ đều lo sửa sang mồ mả ông bà, dẫy cỏ, quét vôi để tiến hành lễ Chạp. Trước để ghi ơn tổ tiên, sau nhìn nhận bà con bên nội, bên ngoại để biết là bà con mà hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm ăn. Ông Tân cho hay, 2 cô con gái lớn của ông theo chồng ở tỉnh Quảng Nam nhưng đến ngày Chạp mã thì con gái, con rể phải về dự. Hầu như chưa năm nào con cháu ông vắng mặt trong lễ Chạp của dòng họ.

Không gian nông thôn của Hòa Vang ngày nay tuy thiếu vắng lũy tre làng tỏa bóng, giậu mồng tơi xanh rì, giàn bông giấy đỏ rực xác pháo… Thế nhưng, nếp sinh hoạt, lề lối sống nghĩa tình thôn quê hẳn còn đậm nét. Đó là vốn quý của Hòa Vang hôm nay.

"Con cháu của làng dù đi muôn phương nhưng nghe lời “hiệu triệu” của các bô lão thì luôn góp mặt, có thể bằng vật chất, có thể bằng tinh thần. Đó là cơ sở để các dòng họ tìm về với những giá trị truyền thống bằng cách phục hồi những sinh hoạt dòng họ, như xây mới từ đường, dịch, sao chép gia phả, chắp nối chi cành, xây dựng mộ tổ, tổ chức lễ hội truyền thống…”

Ông Lê Văn Tục (71 tuổi), Trưởng ban tế lễ làng Phong Lệ, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang

QUỲNH TRANG

.