Hương vị quê nhà trong Sương giăng ký ức

.

Sương giăng ký ức (NXB Đà Nẵng, tháng 4-2020) là cuốn tản văn đầu tay với những trang viết của hai tác giả Phi Khanh và Châu Nữ. Tên sách gợi cho tôi cảm thức mênh mang u hoài về miền quê thương nhớ qua những vùng đất, những con người, những món ăn đậm đà xứ Quảng.

Tôi đọc những trang văn giản dị như đang nghe chính giọng kể của Châu Nữ về bao câu chuyện thường ngày trong đời sống của chị. Không cầu kỳ trong lựa chọn từ ngữ, thậm chí đôi chỗ, cách viết như nói của chị tuôn chảy tự nhiên, miễn là thổ lộ được điều muốn tâm tình, phơi bày được tâm can của mình cùng người đọc. Mà tâm can ấy, gọi cho đao to búa lớn như kiểu rần rần của người Quảng, nhưng thực ra cũng chỉ là những lời thầm thì thường tình rất đỗi nữ nhi.

Không gian của Nữ là ao nhà, nơi đọng những mùi hương ngập tràn kỷ niệm: “Tôi thẩn thờ khi về quê không còn thấy rào chè tàu xanh tươi uốn lượn dọc con đường làng. Đường bê-tông trơ trọi như một khối vuông vô cảm”. Chị yêu vô điều kiện vùng quê Đại Lộc trù phú những phù sa, nơi ngây ngất mùi mồ hôi của bậc sinh thành mà mỗi lúc rãnh rỗi, chị phải bươn bả, phải chạy, phải ào về để chữa lành nỗi thiếu quê hương.

Đọc Bánh tráng Đại Lộc, Thương nhớ chè tàu, Con tằm Đại Lộc xe tơ, tôi dần hiểu tâm tính bộc trực mà đôn hậu của người xứ Quảng. Thoắt nhẩn nha ở bãi dâu bờ sông Thu Bồn, Châu Nữ đã phóng vèo về lại Phố của tôi - Tam Kỳ với cà phê, với góc quê chợ phố, với người láng giềng thân thương lúc tối lửa tắt đèn. Viết đó như đi đó, nên khi đọc văn của chị, người đọc có chút tươi tắn vui lây theo kiểu chủ nghĩa xê dịch thật gần.

Cái mùi Quảng, phong vị riêng tư xứ Quảng thường hưỡn đãi cho người viết năng lượng dồi dào và giản dị. Một liên tưởng vui để thấy người Quảng yêu vùng đất của mình đến dường nào! Và trong sự tri túc (biết đủ) đó, họ hạnh phúc cùng với khoảng cách nho nhỏ, ngược xuôi chặng đường Tam Kỳ - Đại Lộc thôi cũng đủ để biên chép những khoảnh khắc, những tâm trạng đẹp đẽ của cuộc đời.

Phi Khanh, đồng tác giả Sương giăng ký ức, lại tỏ bày theo một lối riêng. Tuy vẫn là mạch văn nữ tính đằm thắm, nhưng có lẽ bởi không gian tha phương có thể đếm bằng đường chim bay từ chốn Sài Gòn nên màu hoa trong nỗi nhớ của Khanh dường như trở nên thổn thức hơn, con đường trở về của chị dài theo tâm trạng hơn.

Tôi mường tượng mình đang được nhẩn nha theo những trang viết chậm của một người phụ nữ tất bật giữa Sài Gòn. Có lẽ nhờ thế, cán cân tâm hồn của chị được thăng bằng nhờ mạch nguồn văn chương như một niềm đam mê vô tận.

Trong nỗi Thương nhớ ngọt ngào của một người con xa xứ, Phi Khanh đã hạnh phúc vô biên với món quà xuân của mẹ. Những bánh tét, bánh ú, bánh tổ, bánh tráng, bánh in… mặc định trong chị vị giác của tình thương, của biết bao món ăn từ đôi tay chai sần mà người mẹ quê ấp iu bao tháng bao năm nơi căn bếp tro bay tứ xứ.

Trong Sương giăng ký ức, quê hương là mái tóc của mẹ, quê hương là quyển sách cha cho con gái với lời đề tặng ân cần. Quê hương đó, có khi mộc mạc như tiếng nói rổn rảng giọng nôm thứ thiệt mà ở chốn nào, “hương âm vô cải” ấy cũng làm cho người tha phương nôn nao trong dạ. 

Trong lớp sương mờ của ký ức, tập tản văn của Châu Nữ và Phi Khanh mang đến cho người đọc một Quảng Nam rất gần với những hình ảnh tư lự đẹp đẽ mà cũng đầy hoài niệm.

NGUYỄN THỊ THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích