Nhớ Tết Trung thu Hà Thành

.

Trong ký ức của nhiều người, khi những câu hát đồng dao bắt đầu vang lên đều đặn hơn trên môi của những đứa trẻ trong phố thì ấy là sắp đến Tết Trung thu, sắp được ăn chiếc bánh nếp màu bạch ngọc thoảng mùi hương bưởi và bánh nướng thập cẩm màu nâu già thơm phức.

Những khu phố ở Hà Nội được khoác chiếc áo mới sinh động và tươi tắn khi bày bán rất nhiều đồ chơi dịp Trung thu. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Những khu phố ở Hà Nội được khoác chiếc áo mới sinh động và tươi tắn khi bày bán rất nhiều đồ chơi dịp Trung thu. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Với nền nông nghiệp lúa nước cùng quan niệm vạn vật hữu linh, các nước phương Đông có tục tế thần Mặt trời vào mùa xuân và tế thần Mặt trăng vào mùa thu. Khi trăng tỏa sáng vào đêm rằm tháng Tám âm lịch hằng năm, cũng là lúc lễ tế được bắt đầu.

Tết Trung thu không chỉ là ngày để người nông dân nghỉ ngơi, vui chơi sau một vụ mùa lao động vất vả, mà trong văn hóa truyền thống phương Đông còn là dịp để người thân, bạn bè hội ngộ, đoàn viên, là lúc để con cháu sắm sửa đồ lễ, cúng dâng tổ tiên, tạ ơn vì một vụ mùa màng đã qua và cầu mong những điều tốt đẹp cho ngày sau.

Từ đầu tháng Tám âm lịch, những khu phố Hàng ở Hà Nội như được khoác chiếc áo mới sinh động và tươi tắn hơn hẳn ngày thường. Khu “đồ chơi tháng Tám” tập trung chủ yếu ở Hàng Mã, nhưng cũng lan sang các phố Hàng Gai, Hàng Hòm, Lương Văn Can... Tiêu biểu là các loại đèn được thắp sáng trong đêm Trung thu khi đợi trăng lên.

Đèn làm bằng nan tre lợp giấy bóng kính có hình ngôi sao, hình các con vật mà nhiều nhất là thỏ và cá; ngoài ra còn có các loại đèn lồng xếp bằng các loại giấy màu rất kỳ công, tinh xảo. Nhưng hấp dẫn nhất là đèn kéo quân quay tròn nhờ ánh nến, hình ảnh những bác nông dân cuốc đất, những chị gánh thóc qua cầu, những tuấn mã phi vượt đường trường, những cánh chim không mỏi, những cô cá chép tìm trăng… cứ chuyển động vô cùng, vô tận.

Lại thêm ông tiến sĩ giấy, nét mặt trắng phau sau chục năm đèn sách, nay ngồi giữa cờ biển, cũng cân đai, áo thêu, lọng che, chân đi hia, tay khoanh, trầm mặc… Những món đồ chơi truyền thống đó lại là ước mơ của mợ khóa, bà đồ, là hoài vọng của ông tú, ông cử và cũng là ngưỡng vọng bao đời của đấng sinh thành mong con cái thành tài.

Tết Trung thu của người Hà Nội xưa quan trọng nhất vẫn là mâm cỗ trông trăng. Mâm cỗ trông trăng đâu chỉ là để ăn như cỗ Tết, như buổi “giết sâu bọ” hôm Đoan Ngọ. Mâm cỗ là để chơi, để ngắm và để ngắm trăng soi nó. Từ lâu rồi cho đến đầu thế kỷ này, phố Hàng Gai từng có những mâm cỗ linh đình do bàn tay khéo léo, tài hoa người con gái Hà Thành bày ra ngay trên vỉa hè cho mọi người ngắm.

Quả bưởi mỡ, bưởi đào thành con chó bông xù tinh anh. Quả đu đủ xanh thành bông hoa sen, hoa hồng, hoa cúc. Cành bồ công anh và nắm ngô rang thành cành hoa trắng lấp lánh, rồi thì ông Lã Vọng câu cá, chú Thiềm Thừ ngóng trăng, đàn cá mẹ con bơi lội được tỉa, gọt tỉ mẩn từ những thức hoa quả của mùa thu, đung đưa trong ánh nến.

Trung thu không chỉ là ngày vui của con trẻ, mà còn là dịp để những người lớn trở về với những ký ức. Trong ký ức của những người Hà Nội hôm nay là hình ảnh những Tết Trung thu đơn giản mà ấm áp. Sau những ngày lao động vất vả, các gia đình tụ tập cùng nhau mừng mùa trăng tròn. Trong khi mâm cỗ Trung thu được dâng lên cúng gia tiên, lũ trẻ đầy phấn khích, từng nhóm từng nhóm cầm đèn ông sao được làm thủ công đi vòng vòng khắp ngõ, phố. Đi theo chúng là tiếng trống, tiếng cười nói náo động.

Đối với người Hà Nội, bánh Trung thu không đơn giản là một loại đồ ăn, mà còn là biểu tượng của đoàn viên, sum vầy. Bởi vậy, dù không quá thèm thuồng một miếng bánh ngọt ngào, nhưng trong ngày Tết Trung thu, trong mỗi gia đình đều có cặp bánh cúng ông bà tổ tiên, trời đất.

Bánh Trung thu xưa chỉ gồm bánh nướng và bánh dẻo với một loại nhân duy nhất là thập cẩm. Nhân bánh dẻo được làm từ mứt bí, hạt dưa, hạt sen, vừng rang, lạp xưởng. Nếu vỏ bánh dẻo mềm mại bao nhiêu thì vỏ bánh nướng thơm ngậy và xốp giòn bấy nhiêu. Nhân bánh cũng nhiều hơn và có thêm mỡ phần thái hạt lựu tăng thêm vị béo ngậy thơm ngon cho mỗi miếng bánh. Hương vị đặc trưng của bánh nướng là lá chanh. Khuôn bánh dẻo bao giờ cũng hình tròn, còn bánh nướng hình vuông, tượng trưng cho trời đất.

BÙI ANH TUẤN

;
;
.
.
.
.
.