"Sức mạnh mềm" của Đà Nẵng

.

Từ năm 2000, chương trình thành phố “5 không” (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của; từ năm 2009, không người mù chữ chuyển thành không học sinh bỏ học) và “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) đã làm nên thương hiệu “thành phố đáng sống” mà bạn bè bốn phương dành tặng cho Đà Nẵng. Trong đó, “có nếp sống văn minh đô thị” được xem là “sức mạnh mềm” của thành phố bên sông Hàn.

Lực lượng thanh niên tình nguyện luôn phát huy tinh thần xung kích vì cộng đồng. TRONG ẢNH: Một bạn trẻ hướng dẫn người dân rửa tay sát khuẩn trước khi nhận gạo tại một “ATM gạo” trên địa bàn Đà Nẵng.  Ảnh: XUÂN SƠN
Lực lượng thanh niên tình nguyện luôn phát huy tinh thần xung kích vì cộng đồng. TRONG ẢNH: Một bạn trẻ hướng dẫn người dân rửa tay sát khuẩn trước khi nhận gạo tại một “ATM gạo” trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh

Năm 2012, Đà Nẵng có chủ trương giao Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố xây dựng bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống”. Bộ tiêu chí này được khởi phát từ một đề tài khoa học mang tên “Lối sống Đà Nẵng” (do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì thực hiện) nhằm xây dựng một Đà Nẵng có lối sống hiện đại, văn hóa, văn minh. Có thể thấy, việc xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh được lãnh đạo thành phố rất quan tâm. Bằng chứng là từ đó đến nay, hàng chục cuộc thi, phong trào, chiến dịch đã được phát động rộng rãi trong nhân dân nhằm xây dựng hình ảnh về một Đà Nẵng văn minh, thân thiện với du khách trong và ngoài nước. Có thể nhắc đến chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” (Sở Du lịch phát động năm 2018), trên các pa-nô tuyên truyền, tên chiến dịch được cách điệu bằng nét chữ mềm mại mà đơn giản như chính tính cách con người Đà Nẵng bình dị và thật thà. Đặc biệt, chữ “Nẵng” được thể hiện trên hình tròn màu vàng thành khuôn mặt cười tươi kèm khẩu hiệu “Hành động nhỏ, giá trị lớn”. Nụ cười sẽ mang mọi người xích lại gần nhau hơn.

Tại hội thảo Ý tưởng xây dựng bộ tiêu chí “Thành phố đáng sống” cho Đà Nẵng đến năm 2030 diễn ra vào tháng 8-2019, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố cho rằng, không dễ có được “thương hiệu nụ cười”, bởi trong mắt của du khách phương xa, nụ cười vừa có văn hóa, vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở “mặt tiền” nói chung chỉ chứng tỏ ở nơi đây đang và sẽ có nhiều nụ cười dành cho họ, còn nụ cười có văn hóa tương tự mà người bản địa dành cho nhau mới đủ sức khẳng định ở nơi đây đã có thương hiệu nụ cười. Chính sự thân thiện và hiếu khách của người Đà Nẵng mới thực sự là màn trình diễn tỏa sáng lung linh nhất, không chỉ góp phần làm nên thành công của các lễ hội pháo hoa Đà Nẵng mà còn cho cả Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 mà Đà Nẵng được chọn là nơi đăng cai tổ chức.

Từ năm 2015, thành phố triển khai Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh. Chủ trương này được các địa phương cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động thiết thực. Đơn cử, quận Hải Châu triển khai chủ đề “Người dân Hải Châu thân thiện, vỉa hè thông thoáng, đường phố sạch, đẹp”, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện lối sống thân thiện, lịch sự, tận tâm giúp đỡ mọi người, không chèo kéo, không đeo bám du khách; không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để buôn bán, kinh doanh, đặt biển quảng cáo trái phép; đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định; tích cực tham gia Ngày Chủ nhật “xanh - sạch - đẹp” và các hoạt động bảo vệ môi trường; không trồng, đặt cây cảnh lấn chiếm vỉa hè; không rải gạo, muối, vật cúng ra đường; hạn chế đốt vàng mã; không để rác dưới lòng đường…

Tại khu vực ngoại thành, sự chuyển biến trong ý thức của người dân cũng đậm nét. Hòa Bắc - xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Hòa Vang - có xuất phát điểm thấp so với nhiều xã khác trên địa bàn huyện, nhưng đã về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2017. Điều dễ nhận thấy nhất là tư duy và nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Cơ tu tiến bộ hẳn. Bà con biết tự lực vươn lên làm ăn, song song với đó là việc bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc; bãi bỏ những hủ tục có hại đến đời sống nhân dân. Ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho hay: “Trước đây, người dân của xã thường chôn cất người thân sau khi qua đời trong vườn nhà hoặc các bìa rừng trong làng để tiện thăm nom, hương khói. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, hầu hết bà con dân tộc Cơ tu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí chôn cất người thân sau khi qua đời ở khu nghĩa địa tập trung trên địa bàn thôn Giàn Bí. Khu vực chôn cất cao ráo hơn. Ngoài ra, xã Hòa Bắc tiên phong áp dụng tiêu chí “4 không” trong việc tang. Đó là không hạt dưa - thuốc lá, không dàn nhạc, không bia rượu, không rải vàng mã dọc đường”.

Một nhóm thiện nguyện hỗ trợ nước uống cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) gặp khó khăn do Covid-19 trong những ngày tháng 8. Ảnh: TẤN LỰC
Một nhóm thiện nguyện hỗ trợ nước uống cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) gặp khó khăn do Covid-19 trong những ngày tháng 8. Ảnh: TẤN LỰC

Gặt quả ngọt

Việc xây dựng ý thức công dân không đơn thuần là những công việc bề nổi, thấy được, nhìn nhận và đánh giá được mà là hàng trăm công việc nho nhỏ, âm thầm, vun đắp mỗi ngày. Những ngày cuối tháng 7 đến nay, Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19. Song, người Đà Nẵng trong tâm dịch vẫn bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối vào những quyết sách của Chính phủ và thành phố. Người Đà Nẵng còn động viên nhau vừa tiếp sức cho lực lượng ở tuyến đầu, vừa tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch. Trong gian khó, tình người Đà Nẵng tỏa sáng bằng những công việc thiện nguyện; đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 phải căng mình, bất chấp nguy hiểm để thực hiện công tác chống dịch tốt nhất. Tất cả đều âm thầm góp sức cho cuộc chiến chống Covid-19… Nhiều ngày nay, Đà Nẵng không có ca nhiễm mới. Người Đà Nẵng sử dụng mạng xã hội facebook chia sẻ thông tin này trong niềm vui, niềm tin và hy vọng thành phố bên sông Hàn sẽ sớm bình yên, sớm nhộn nhịp trở lại.

Trong một lần trao đổi về quá trình thực hiện cuốn sổ tay “Văn hóa người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” (gọi tắt là Sổ tay văn hóa), ông Bùi Xuân, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nói rằng, ông có điều kiện nghiên cứu tính cách người Đà Nẵng trong một số công trình, sách văn hóa, lịch sử và nhận thấy người Đà Nẵng có những phần tính chung với người Quảng Nam, không nằm ngoài cốt cách người Việt nhưng vẫn rất riêng. Tựu trung lại, có thể nói người Đà Nẵng có 4 tính cách đặc trưng nổi bật: Đầu tiên, đó là tính mạnh về lý luận mà người xưa đúc kết trong “Quảng Nam hay cãi”. Thứ hai, người Quảng Nam - Đà Nẵng mạnh về trực giác, nhạy cảm về những vấn đề thời cuộc cũng như trong mọi mặt đời sống, tình cảm, ứng xử. Thứ ba, một đặc điểm rất quan trọng là ý thức gánh vác, trách nhiệm với xã hội, quê hương, đất nước; nhờ đó tạo sự đồng thuận rất lớn để bảo vệ, xây dựng thành phố Đà Nẵng từ trong chiến tranh đến trong hòa bình, đổi mới như hôm nay. Thứ tư, sự hiền hòa, thân thiện - một đặc tính không phải người Đà Nẵng tự nói về mình mà chính là nhận xét của người địa phương khác, của bạn bè quốc tế khi họ có dịp đi qua, lưu lại thành phố này.

Tính cách người Đà Nẵng, văn hóa ứng xử của người Đà Nẵng đã và đang để lại những ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè khắp nơi. Song, để Đà Nẵng thật sự xứng đáng với thương hiệu “Thành phố đáng sống” vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

PHƯƠNG MAI

;
;
.
.
.
.
.