Công trình khoa học cứu sống hàng triệu người

.

Ba nhà khoa học Harvey Alter, Charles Rice và Michael Houghton là những chủ nhân giải Nobel Y học 2020 vì đóng góp mang tính quyết định của họ trong cuộc chiến chống virus gây bệnh viêm gan C lây truyền qua máu, một căn bệnh phổ biến toàn cầu.

Các nhà khoa học Harvey Alter, Michael Houghton và Charles Rice cùng được trao  Giải thưởng Nobel Y học 2020. Ảnh: AFP
Các nhà khoa học Harvey Alter, Michael Houghton và Charles Rice cùng được trao Giải thưởng Nobel Y học 2020. Ảnh: AFP

Ủy ban Nobel cho rằng, đóng góp của 3 nhà khoa học Harvey Alter, Charles Rice và Michael Houghton là bước đột phá lớn giúp tạo ra các xét nghiệm máu và các loại thuốc mới cứu sống hàng triệu sinh mạng. “Lần đầu tiên trong lịch sử, căn bệnh này đã có thể chữa được, làm dấy lên hy vọng có thể loại bỏ sạch virus gây bệnh viêm gan C trong cộng đồng thế giới”, thông báo của Ủy ban Nobel viết.

“Loại virus rất phức tạp”

Việc phát hiện virus gây bệnh viêm gan C giải quyết được một bí mật khoa học gai góc nhất thách thức các bác sĩ và giới nghiên cứu suốt nhiều năm. Một số virus gây bệnh viêm gan có thể xâm nhập gan và gây ra một loạt vấn đề sức khỏe, thậm chí có thể gây chết người. Một trong những con đường lây nhiễm chính là qua truyền máu.

Virus viêm gan A chỉ gây một số ít hậu quả lâu dài với người bệnh. Virus viêm gan B thường tồn tại lâu trong cơ thể, gây hàng trăm chứng bệnh kinh niên, nhiều bệnh vẫn chưa được chẩn đoán ra. Bằng việc xác định virus viêm gan C là tác nhân thực sự gây bệnh viêm gan mãn tính, các nhà khoa học đã có cơ sở để tìm ra những phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm chính xác cũng như các phương thức điều trị hiệu quả, cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới.

Vào những năm 1970, TS. Alter chủ trì một nhóm các nhà khoa học trong nghiên cứu đã phát hiện thấy hầu hết các ca bệnh viêm gan sau truyền máu đều không liên quan tới các kiểu virus viêm gan A và B đã biết. Thực tế còn tồn tại một mầm bệnh khác gây viêm gan vẫn chưa được y học nhận diện, mô tả được.

Vào những năm 1980, TS. Houghton cùng hai đồng nghiệp Qui-Lim Choo và George Ku là những người đầu tiên xác định được, đồng thời chính thức gọi tên virus viêm gan C là “tội đồ” gây ra căn bệnh viêm gan bí ẩn đó. Công trình nghiên cứu của họ cũng giúp tạo ra phương pháp xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra virus trong máu, giúp cả các bác sĩ lẫn các nhà nghiên cứu lần đầu tiên có thể sàng lọc được cả người bệnh lẫn người hiến máu.

Bà Angela Rasmussen, nhà virus học tại thành phố Columbia (Mỹ) đã nghiên cứu về virus viêm gan C trong chương trình đào tạo sau tiến sĩ, mô tả mầm bệnh này là “loại virus rất phức tạp”. Do đó, việc tìm ra phương pháp giải quyết không đơn giản. Theo bà Rasmussen, công trình của TS. Houghton giúp phân lập được chuỗi gen của virus này, khẳng định nó là mầm bệnh mới và khác hẳn so với các virus viêm gan A, B.

Nhiều người nhiễm virus viêm gan C mà không hay biết

Năm 2000, TS. Alter và TS. Houghton được trao giải thưởng Lasker cho nghiên cứu y khoa lâm sàng với công trình nghiên cứu liên quan virus viêm gan C. Các thử nghiệm di truyền của TS. Rice sau này tiếp tục bổ sung những thông tin quan trọng khác, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về virus viêm gan C. Theo đó, TS. Rice đã chứng minh virus này có thể phân lập trong phòng thí nghiệm và gây bệnh ở vật chủ là con tinh tinh.

Những nghiên cứu đó đã khẳng định chắc chắn virus viêm gan C chính là tác nhân gây bệnh duy nhất với các trường hợp mắc viêm gan không phải A, không phải B. Virus viêm gan C gây bệnh kinh niên cho hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Vì căn bệnh này có thể lây lan và tồn tại dai dẳng không có triệu chứng nên rất nhiều người không biết họ nhiễm virus. Sau khi “gây dựng cơ sở” bên trong cơ thể người, virus có thể âm ỉ phá hỏng chức năng gan trong nhiều năm và nhiều thập niên, tới một giai đoạn viêm gan bùng lên nghiêm trọng hoặc ung thư gan. Nếu không phát hiện sớm, bệnh viêm gan kéo dài rất khó trị. Nhiều người nhiễm virus viêm gan C đã phải ghép gan.

Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có TS. Houghton, vẫn đang tìm kiếm một loại vắc-xin giúp ngăn ngừa virus viêm gan C. TS. Garcia Tsao, chuyên gia về bệnh xơ gan tại Đại học Yale (Mỹ), nhớ lại: “Trong thời gian dài chúng tôi không có gì để trị con virus này. Việc phòng ngừa căn bệnh cũng gần như không thể vì không có những xét nghiệm chính xác. Nhưng từ thời điểm họ có những phát hiện này, số người bệnh đã giảm nhanh chóng”, bà Tsao nói.

Công trình của 3 nhà khoa học Harvey Alter, Charles Rice và Michael Houghton đã mở đường cho việc tìm ra các xét nghiệm máu chính xác, hiệu quả để phát hiện virus viêm gan C. Tại nhiều nước trên thế giới, việc xét nghiệm tầm soát virus viêm gan giúp tỷ lệ lây nhiễm bệnh này qua truyền máu giảm xuống mức gần bằng 0. Dù vậy, hầu hết những người bị viêm gan C vẫn chưa được chẩn đoán, đặc biệt tại những nước có mức thu nhập thấp, tỷ lệ xét nghiệm vẫn còn dưới 10%.
Song song với đó, rất nhiều loại thuốc điều trị, cứu sống người bệnh viêm gan C đã được phát triển, nhiều loại trong đó tới nay trở nên phổ biến. Trong điều kiện lý tưởng, các thuốc kháng virus viêm gan C có thể ngăn virus này không nhân bản trong cơ thể và chữa khỏi bệnh trong nhiều tuần.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo AP, Reuters, NYT)

;
;
.
.
.
.
.