Để sống một cuộc đời thật đẹp

.

Thời còn làm việc tại một tòa soạn báo, thỉnh thoảng tôi vẫn thường lên núi vào mỗi dịp cuối tuần. Những lúc đó, Yên - người chị và là người bạn nghề thân thiết - đi cùng tôi. Chị ấy đèo tôi qua những cung đường sương bay là là chạm mặt người buổi sáng. Để tránh bị lạnh, chị trùm khăn kín mít, chỉ để lại đôi mắt. Còn tôi, vì ngồi sau nên thỏa sức “khoe” toàn bộ khuôn mặt. Chúng tôi cứ thế ngược đồng bằng hướng lên miền cao, nơi có những ngọn núi nhấp nhô, mờ ảo, thấp thoáng xa gần.

Chúng tôi đi qua thị trấn, một nơi sầm uất nhất của phố núi. Tại khu chợ ven đường, người mua kẻ bán tấp nập. Hơi sương làm mặt người không tỏ, nhưng hai màu đen và đỏ nổi bật từ những chiếc váy áo của mấy chị Vân Kiều - Pakô thỉnh thoảng lại hiện lên, như những đốm lửa lập lòe trong sương sớm. Từ ngã ba, chúng tôi qua cầu, rẽ theo hướng Bắc khu chợ để vào với bản làng. Chúng tôi muốn tìm đường đến bản xa nhất của một xã biên giới giáp Lào.

Xế trưa, Chủ tịch xã thông báo: “Ro Ró là thôn xa và khó khăn nhất trên địa bàn, mùa này dù chưa mưa nhiều nhưng lại dày sương, trời âm u, các chị nhà báo đã lên đến đây thì nên ở lại một đêm, trưa mai nắng ấm ta lại trở về”.

Trên đường vào bản, chúng tôi gặp những người đàn ông và phụ nữ đang cõng những buồng chuối dài và to trở ra trung tâm xã. Họ thủng thẳng đi bộ, khuôn mặt toát lên vẻ bình lặng, không hề lộ chút mệt nhọc. Trong khi tôi lia máy chụp hình, zoom ống kính vào những bước chân và những chiếc gùi đang nhún nhảy, tôi nghe Yên hỏi Chủ tịch xã tại sao đường thì xa, trời cũng đã trưa mà trông bà con không có vẻ gì vội vàng. Anh Chủ tịch xã bảo vì những những người buôn hàng từ dưới xuôi lên đã lập hẳn một khu lán trại để bà con đồng bào tập kết hàng hóa, khi nào đủ xe họ mới chở đi một lần. Ở đó luôn có người trực sẵn, hàng gì, mấy cân, giá mấy thì trả tiền tươi, vậy nên bà con cứ rảnh khi nào thì gom hàng ra lúc nấy.

Khi chúng tôi vào đến bản, trời đã trưa đứng bóng. Sương tan, những dải mây cũng loãng dần ra, trôi chầm chậm. Trong căn nhà sàn khá to và sạch sẽ, tôi lén xích gần ra ô cửa sổ đang mở rộng xuống phía đồi xa. Tôi ngồi ở đó nhìn những trảng xanh và chặng đường mà mình vừa cuốc bộ. Nó như một sợi dây thừng vòng vèo, vắt qua mấp mô đồi núi. Tôi cố gắng tìm kiếm những âm thanh của núi rừng và làng bản, nhưng tuyệt nhiên yên ắng. Không tiếng chim chóc, không tiếng lợn gà và không có cả tiếng trẻ con chí chóe. Hôm nay là ngày nghỉ, chúng đã tỏa hết đi đâu? Ở xa xa góc nhà, có một bếp lửa đang nhảy múa. Với bà con vùng cao, trong tiết trời chuyển mùa thì lửa là người bạn thân thiết để sưởi ấm, để thắp sáng, để hong sấy thực phẩm dành cho một mùa đông dài lạnh giá đang dần đến.

Cuối ngày, cùng với tiếng chuông leng keng, lũ trẻ trở về, chúng vừa lên đồi chăn dê. Đứa nào đứa nấy gầy xom, đen nhẻm nhưng ánh mắt tinh nghịch, thần thái toát lên sự vui vẻ không ngừng dò xét hai vị khách lạ đến nhà. Chúng nhào lên cầu thang, ghé vào bếp lửa và thì thầm gì đó vào tai người mẹ, cả mấy mẹ con cùng cười rúc rích. Ngoài kia, màn đêm bắt đầu buông xuống, bản làng chìm dần vào bóng tối. Bây giờ, tôi mới nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả hòa lẫn vào tiếng củi khô nổ lép bép lép bép.

Đêm đó, sau bữa cơm tối đậm đà và ngon miệng được chế biến từ những loại rau rừng, chúng tôi có ý đợi nhưng người đàn ông chủ nhà không trở về, anh ở lại làng bên để phụ lợp lại mái cho ngôi trường duy nhất trong vùng vừa bị gió giật đổ. Tôi và Yên được nhường cho tấm chăn sạch và ấm nhất. Nơi góc nhà, mấy mẹ con Vân Kiều nằm xích gần hơn vào bên bếp lửa, những đôi má trẻ nhỏ hồng hào, hây hây ngủ ngon lành.

Yên bảo, ngày mai sau khi đến chỗ trưởng thôn để nắm tình hình, chúng tôi sẽ ghé qua trường để gặp mấy cô thầy cắm bản. Sẽ có rất nhiều điều để hỏi và nhiều chuyện để viết, bản về đêm cũng thật buồn. Tôi đáp lời, chị có nghĩ sau khi mình trở về từ những nơi như thế này, trái tim mình sẽ trở nên dịu dàng và từ tốn hơn không? Yên im lặng. Tôi nói thêm, như mấy mẹ con chủ nhà, họ sẵn sàng nhường cho chúng ta tấm chăn tốt nhất vì họ còn có cách để cùng nhau xoay xở. Họ chọn sống không vội vàng. Để sống một cuộc đời thật đẹp, ai cũng có cách của riêng mình.

DIỆU THÔNG
;
;
.
.
.
.
.