Đi qua mỗi mùa bão

.

Bão, với tôi - những ngày thơ bé - là niềm hân hoan không phải dậy sớm để đến trường. Trong tâm trí non nớt của đứa trẻ khi ấy, việc cuộn tròn mình trong chăn ấm giữa tiết trời rét lạnh gói ghém hạnh phúc giản đơn. Mơ hồ định nghĩa về bão, tôi cứ tưởng tượng hình ảnh con rồng rẽ sóng ngoài biển khơi rong chơi ghé vào đất liền. Cứ thế, bão gắn với hồi ức đẹp trong một trái tim ngây thơ và mơ mộng.

Tôi sống với ngoại cùng nhiều anh chị em họ trạc tuổi. Mỗi mùa mưa bão, những đứa trẻ không vướng víu nỗi lo lại hào hứng bày đủ trò chơi sau khi đã ngủ no nê, từ đếm tiếng sấm đến bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây… Cuộc vui càng thêm thú vị nếu cúp điện. Đốt một cây đèn cầy, chúng tôi ngồi thành vòng tròn, khi thì say mê nói chuyện, lúc lại tĩnh lặng hơ ấm bàn tay. Mưa ngớt, chúng tôi rủ rê lấy giấy vở cũ xếp thuyền, bì bõm lội nước trước nhà và thả thuyền giấy trôi bềnh bồng. Chúng tôi đã đi qua những mùa bão vô tư và hồn nhiên như vậy, chẳng hay biết gì về bao nhọc nhằn của người lớn.

Nhưng những con rồng thi vị cũng đến lúc rời đi, trả bão về đúng nghĩa những cơn lốc xoáy cuồng phong. Lần đầu tiên tôi hiểu hơn về bão là khi mái tôn nhà ngoại tốc mái, mọi thứ ướt mèm trong cơn mưa như trút nước. Tôi không còn thích bão, khi vở ướt nhòe màu mực và sách cong quéo sau hong khô. Tôi không còn thích bão, khi chứng kiến hết mái tôn nhà này đến mái tôn nhà khác bay ngang trước cửa. Tôi không còn thích bão, khi phải dọn dẹp nhà cửa sau cơn càn quét. Tôi không còn thích bão, khi biết nỗi đau dằng dặc muôn nơi…

Tôi cứ nhớ mãi mùa bão năm nào, khi ba mẹ tôi vừa gom góp dựng tạm căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố. Cơn thịnh nộ của đất trời kéo đến, ba kiên quyết để tôi ở nhà ngoại tá túc, một mình bám trụ ở nhà. Mưa gió ngày càng rít gào, những cuộc điện thoại liên lạc với ba đều rơi vào im lặng. Điện thoại bàn đổ chuông không người bắt máy. Điện thoại “cục gạch” không thể kết nối. Đó là lúc tôi thấm thía bão dữ dội và ngang tàng ra sao, có thể mang yêu thương bên mình rời đi bất cứ khi nào. Khi tôi càng lúc càng sốt ruột, ba gọi, báo tin bình an mà dịu vợi nỗi thấp thỏm: “Mái tôn bay hết rồi, may ba ôm kịp chiếc tivi chạy qua nhà hàng xóm trú nhờ”. Đó là lúc tôi vỡ ra, tàn phá của bão đâu chỉ dừng lại ngay ở thời điểm đến… Và tôi đã tạm biệt trẻ thơ của mình bằng nỗi đau đáu lớn dần qua mỗi mùa bão.

Những ngày tháng 10 này, người dân miền Trung lại nhiều lần  phải chống chọi với thiên tai, ngập lụt  trong ăm ắp âu lo và xót xa. Miền Trung gian khó, năm nào cũng vài cơn bão, trận lũ. Người miền Trung vì vậy luôn lo trước lo sau, có được mười đồng, chi tiêu nhín nhín tiết kiệm nhiều nhất có thể. Đất cằn cỗi, thời tiết dữ dội đã gieo vào miền Trung nỗi nhọc nhằn như thế, chẳng bao giờ nguôi suy nghĩ, tính toán. Vậy mà, thiên tai vẫn cứ cuốn lấy của miền Trung tất cả, từ con gà, đàn heo, đến ngôi nhà xiêu vẹo mượn nợ chưa kịp lợp mái ngói, cả những người thương bên cạnh.

Bão đột ngột, lũ vô chừng, miền Trung khó càng thêm khổ. Nhà dầm trong nước, người dầm trong nước mắt. Qua một mùa bão, lại thêm vài trang sách gấp lại. Qua một mùa lũ, lại thêm nhiều mái nhà tan tác. Qua mùa bão trời, là mùa của những tấm lòng đầy vơi...

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.