1. Những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách vì Covid-19, nhiều người bạn của tôi thường xuyên đăng hình ảnh bình yên nơi mình đang sinh sống trên mạng xã hội Facebook hay Instagram. Có khi là ban công vườn nhà xanh mướt, có khi là góc phố thân quen nhìn từ khung cửa sổ trên cao, có khi là ngõ xóm thấp thoáng xa xa…
Thật thú vị khi cùng nhau chia sẻ niềm vui giản đơn từ những điều thân thuộc, cùng nhau kết nối, trải nghiệm khám phá nơi chôn nhau cắt rốn. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU |
Những chia sẻ này bao giờ cũng nhận được hàng loạt bình luận rôm rả, nhiều trong số đó là niềm phấn khích và thắc mắc về địa điểm. Bởi lẽ, không ít người dẫu sinh ra và lớn lên ở thành phố biển xinh đẹp này nhưng vô cùng thú vị khi phát hiện những hình thái khác của quê hương - có chút quen, cũng có chút lạ. Cùng nhau chia sẻ niềm vui giản đơn từ những điều thân thuộc, mọi người kết nối, rủ nhau trải nghiệm khám phá nơi chôn nhau cắt rốn khi cuộc sống trở lại bình thường.
Không thể phủ nhận, trước đây, người ta thường có xu hướng lựa chọn chu du đến những miền đất lạ - không phải thành phố hay đất nước mình đang sinh sống - để tìm kiếm những điều mới mẻ. Điều này làm không ít người “ngơ ngác” ngay tại “sân nhà” khi bỏ quên những điều thân thuộc. Không ít bạn bè của tôi từng thú nhận không biết nhiều về chỗ này, món kia ở quê nhà, hoặc nếu biết cũng không rành những câu chuyện thú vị đằng sau, như gốc tích, điểm đặc biệt, văn hóa…
Vô hình trung, Covid-19 là cơ hội để mọi người sống chậm lại và yêu thương, nâng niu hơn những điều giản dị quanh mình, từ món ăn dân dã gắn bó thuở ấu thơ, đến con đường mỗi ngày ngược xuôi qua lại; từ hàng cây xôn xao trước cổng cơ quan đến trập trùng núi đồi phía ngoại ô…
Có thể nói, đại dịch bùng phát đã tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp không khói khi người ta lo ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh nên hạn chế du lịch. Từ đây, thói quen du lịch cũng thay đổi, trong đó “staycation” nổi lên như là xu hướng mới của giới trẻ. “Staycation” - kết hợp giữa “stay” và “vacation” - được hiểu là kỳ nghỉ tại chính quê hương của mình, không cần xuất ngoại, hoặc có những chuyến du lịch ngắn đến các điểm thú vị tại chính nơi đang sinh sống mà không cần phải di chuyển xa, đặc biệt ưu tiên sự kết nối. Tại Việt Nam, staycation cũng được đón nhận tích cực, bởi lẽ không chỉ phù hợp với nhịp sống hiện đại hối hả mà còn là giải pháp kinh tế hợp lý thời buổi kinh tế khó khăn hậu Covid-19.
2. Thiết nghĩ, việc nắm bắt tâm lý du khách để có giải pháp hiệu quả kích cầu du lịch nên được quan tâm, coi trọng. Ngành du lịch thành phố vừa có video ngắn đầy thú vị với thông điệp “Đi du lịch an toàn vì sức khỏe”, vừa đi du lịch, vừa phòng chống dịch. Ngành du lịch thành phố cũng tích cực đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đầy cảm xúc với các hashtag #Danangmissyou (tạm dịch: Đà Nẵng nhớ bạn), #Danangisback (tạm dịch: Trở lại Đà Nẵng), #SeeyouinDanang (tạm dịch: Hẹn gặp tại Đà Nẵng)… Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tâm lý người dân còn ngại ngần, những hành động này vô cùng thiết thực và đầy tinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh việc sẵn sàng chào đón du khách ở các địa phương khác quay trở lại trải nghiệm, nên chăng cũng cần chú trọng thúc đẩy tìm kiếm “du khách” là người địa phương, nhất là khi xu hướng du lịch staycation đang nở rộ như hiện nay. Điều này không chỉ giúp người dân bản địa có thêm thu nhập, cải thiện doanh thu du lịch, mà còn là cơ hội để mỗi người dân thấu hiểu hơn nơi mình gắn bó, về lâu dài sẽ trở thành “đại sứ du lịch” tích cực. Hơn hết, “du khách bản địa” sẽ có nhiều thời gian tìm hiểu sâu hơn về một nơi chốn, một món ăn…, giúp việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh quê nhà cảm xúc và đa dạng sắc thái, từ đó góp phần kích cầu du lịch mạnh mẽ và rộng rãi.
Vì vậy, ngành du lịch thành phố cần có những chương trình, sản phẩm du lịch khai thác văn hóa bản địa độc đáo, làm sao để người dân nhìn thấy vẻ đẹp của thành phố ở một góc nhìn khác như: trải nghiệm các làng nghề (làm nước mắm Nam Ô, làm chiếu ở Cẩm Nê, làm bánh khô mè ở Cẩm Lệ, làm bánh tráng ở Túy Loan…), thi tay nghề với đặc sản (mắm ruốc, mắm nêm…), thử thách làm ngư dân… Song song đó, phát động phong trào lan tỏa vẻ đẹp quê hương bằng việc chia sẻ hình ảnh, câu chuyện, hay sáng tác thơ, tranh, nhạc… với các hashtag về Đà Nẵng cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu đưa thành phố đến gần hơn với mọi người.
Để người dân tạm dừng lịch trình quen thuộc hằng ngày, trở thành “du khách” ngay tại nơi mình sinh sống không phải là chuyện ngày một ngày hai, điều này cần sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt của ngành du lịch. Tin rằng, chỉ cần mỗi người dân Đà Nẵng là một “đại sứ du lịch” thì du lịch thành phố sẽ sớm phục hồi và phát triển bền vững.
NAM BÌNH