Mưa mùa

.

Hầu như cứ sau Trung thu là miền Trung lại bắt đầu mùa bão, lụt. Có năm nặng, năm nhẹ nhưng chẳng năm nào người dân nơi đây không có người chết và cảnh ngập mái nhà trôi, ruộng đồng phờ phạc. Năm nay, mưa mới mấy ngày mà có tới hơn chục người chết và mất tích vì lũ lụt, nhiều nơi bị chia cắt vì mưa. Không biết bao giờ câu hát “trời hành cơn lụt mỗi năm” mới thôi day dứt.

Vừa qua, trong những ngày dịch bệnh xuất và lây lan trên địa bàn thành phố, chính quyền vất vả lo toan trăm đường, người dân khó khăn vì cuộc sống đảo lộn và nỗi sợ cách ly. Dịch vừa cơ bản được kiểm soát.

Tình trạng bình thường mới còn chưa thật sự bình thường, thì như để cho cân cái sự nhọc nhằn, tới lượt nông thôn bị chia cách bởi lũ lụt và mưa gió tơi bời. Nếu dịch làm cho nền kinh tế bị đứt gãy thì thiên tai làm cho của cải vốn ít ỏi bị vợi đi.

Dự báo, rồi sẽ còn nhiều trận mưa liên tiếp, mưa đặc biệt to, chuyện lớn tôi không dám nghĩ, chỉ rượi lên bao trắc ẩn khi mưa như nhúng lòng mình trong im lặng của nỗi hoài mong.Mưa thường gắn với tâm trạng, thường là không mấy vui. Có lẽ hình ảnh mưa chẳng thể nào là sự thăng hoa, thôi thúc. Vô số thi ca nhạc họa nói về mưa.

Có lần tôi đọc trên mục “Tìm bạn bốn phương”, có mẫu tự nói về sở thích bản thân của một cô gái “thích đi trong mưa”. Giật mình, hóa ra cũng có người có niềm vui một mình lang thang trên phố trong mưa. Có thể đó chỉ là tâm trạng của người mới lớn, nhưng giữ được chút hồn nhiên của niềm vui vô hại, được nghe đất trời giao nhau trong mưa cũng là điều không phải lúc nào cũng có thể. Sau này, mỗi lần được một mình ngắm mưa, lòng lại bâng khuâng “đếm mấy triệu hạt rồi”. Từng hạt mong manh rơi rơi, dồn lại đất trời thành lụt, thành sông.

Lũ lớn gây ngập sâu ở xã  Hòa Khương, huyện Hòa Vang.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lũ lớn gây ngập sâu ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Mỗi miền mưa theo cách riêng. Miền Bắc, mưa rào được phân biệt rất rõ với mưa phùn. “Mưa phùn ướt áo tứ thân”. Miền Nam, những cơn mưa chiều như xé trời đổ nước. Ào đến sấm chớp rung trời nhưng rồi quang tạnh cũng rất nhanh, mùa nước nổi đã như tín hiệu của sự giàu có. Cá linh làm nên bát canh mát ruột, con cá con tôm cũng hào phóng như người theo mùa nước nổi.

Còn miền Trung, do sông ngắn, núi dài, hứng cả bao lơn gió Biển Đông, nên mỗi mùa mưa thường kèm bão tố, lụt lội. “Bão ngoài kia hay bão ở trong lòng” là tâm trạng của một nhà thơ “Quảng kiều” ở Sài Gòn mỗi khi nghe tin gió mùa đông bắc trong lòng day dứt nỗi nhớ khúc ruột miền Trung.

Dĩ nhiên, lụt không chỉ là thiên tai. Mùa nước nổi càng ngày càng thành thứ hiếm. Ngày trước hầu như năm nào cũng lũ về, mang sung mãn cho châu thổ. Miền Trung cứ đến mùa mưa người dân bắt cá, bắt dế khi lụt trắng đồng, nay cũng thành cảnh lạ. Chuyện ăn trong ngày mưa cũng đáng để nhớ. Mắm thính cá chuồn, cá liệt chưng với hạt tiêu bên chén cơm tháng mười giờ trở thành hoài niệm, còn cảnh xay bột, lấy trùng đúc bánh xèo, hoặc bắp rang rưới mắm cái, những món ăn ngon giờ nghe da diết xa xôi.

Mưa rất quen mà cũng rất lạ. Cũng là mưa nhưng có khi phải “lạy trời mưa xuống/lấy nước tôi uống/lấy ruộng tôi cày/lấy bát cơm đầy/lấy khúc cá to…”, và như mấy hôm nay, lụt băng qua đường 1, những lục bình theo nước mấp mé bờ sông, cái màu tím như nhắc đó đây mỗi bước chân biết dò chừng nông sâu nhiều khi chết chóc. Dự báo sẽ có vài trận mưa lớn áp thấp nữa, nhìn trời mà ước mưa thuận gió hòa, mà mong người dân quê tôi chân cứng đá mềm.

11-10-2020
TRẦN THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.