Sự tử tế giữa đời thường

.

1. Trưa 11-10, thời tiết Đà Nẵng se lạnh, mưa to, gió lớn giật liên hồi, nhưng lòng người âm thầm nhen lên những ngọn lửa yêu thương. Niềm ấm áp này được truyền đi từ các clip trên mạng xã hội Facebook với hình ảnh nhiều tài xế ô-tô điều khiển xe trên cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý đi chậm cùng nhịp với phương tiện xe máy để chắn gió lớn, giúp người đi xe máy đỡ vất vả và qua cầu an toàn.

Hình ảnh tương trợ này không lạ, thậm chí trở nên quen thuộc trong mỗi mùa mưa bão nhưng lần nào xuất hiện cũng nhận được sự phản hồi tích cực và lan tỏa mạnh mẽ...

Có thể nói, tinh thần tương thân tương ái luôn sẵn có trong mỗi người dân Đà Nẵng, từ những điều nhỏ bé và bình dị như thế. Đó là bà Trần Thị Lưu (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) san sẻ với những phận đời éo le, từ chai nước chè, ổ bánh mì đều đặn mỗi sáng, tiếp thêm nghị lực cho bệnh nhân và người nhà chống chọi bệnh tật; cho đến số tiền lớn có được nhờ tất bật vận động, quyên góp.

Đó là người hàng xóm tốt bụng Châu Thị Phương Loan (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) tận tình chăm sóc người thanh niên bị bại não từ lúc lọt lòng, đang điều trị lao chẳng may gặp phải cú sốc mẹ qua đời vì tai nạn giao thông.

Cùng sự chia sẻ của chồng, người phụ nữ một nách hai con không chỉ chu đáo tắm rửa, bón từng thìa cơm, lo từng cốc nước uống mà còn ngược xuôi bệnh viện dõi theo tình hình sức khỏe của chàng trai cạnh nhà nhiều trắc trở. Đó là y sĩ Văn Thị Kim Tuyến (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) tình nguyện lặn lội cõng thuốc đến với làng Vân lúc còn biệt lập, địa hình cách trở, y tế, điện nước thiếu thốn trăm bề, cùng bà con vật lộn với căn bệnh phong…

2. Các câu chuyện được đề cập ở trên là điển hình cho những đóa hoa lặng lẽ tô thắm cho đời. Dẫu cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng họ chưa bao giờ ngừng trao yêu thương. Với họ, chuyện tử tế cũng là chuyện bình thường, là việc họ nên làm, cần làm mà chẳng cần phải nghĩ suy hay đắn đo.

Tấm lòng son này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, gắn bó cùng sự phát triển, thăng trầm của thành phố. Càng gian khó, tình người lại càng ấm nồng, rộng khắp. Đơn cử, trong những ngày Đà Nẵng đương đầu với Covid-19, những công nhân, lao động mất việc không chỉ lo riêng nỗi lo của bản thân mà còn lo chung nỗi lo của những người khó khăn hơn.

Cái tình gặp cái tình, họ kết nối, cùng nhau thành lập “Team Rau”, theo các chuyến xe tỏa đi dọc các tuyến đường, hẻm phố gửi tặng rau củ để cải thiện bữa ăn cho nhiều trường hợp… 

Cứ như thế, mỗi người góp một niềm yêu để nhận về ngàn niềm tin bằng những việc làm thiết thực, giản dị.

3. Tôi từng đọc đâu đó rằng: “Chúng ta sẽ nhận lại những gì chúng ta cho đi”. Nhưng dường như với nhiều người, hạnh phúc là cho mà không cần nhớ đến và biết nhận mà không hề quên. Vì lẽ đó, tình người cứ lặng lẽ lan tỏa muôn nơi, từ người này sang người khác, từ ngày này sang ngày khác.

Như cái cách mà anh Mai Anh Đức (SN 1982, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), bệnh nhân 687 Covid-19, thực hiện món quà tri ân gửi đến đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng phòng chống dịch đã điều trị và hỗ trợ gia đình mình. Dự án 687 trao tặng bình xịt sát khuẩn cho các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa, chợ… của anh đã ra đời từ quả ngọt cho và nhận ấy.

Thực tế cho thấy, sự tử tế không chỉ mang đến niềm vui cho người khác mà còn tạo ra nguồn năng lực tích cực bên trong mỗi người. Trong cuốn sách Giá trị của sự tử tế (SaiGonBooks và NXB Hồng Đức), tác giả - nhà trị liệu tâm lý người Ý Piero Ferrucci bày tỏ quan niệm: Tử tế là việc “không cần nhiều nỗ lực” vì nó giải phóng chúng ta ra khỏi thái độ và cảm xúc tiêu cực.

Thiết nghĩ, sự ấm áp luôn nằm sẵn trong tim mỗi người. Và chúng ta có thể bắt đầu sự tử tế từ những việc bình dị, thường ngày, bằng cách quan tâm người khác một cách chân thành, trở thành người biết lắng nghe, không phán xét…

NAM BÌNH

;
;
.
.
.
.
.