Thu ở phố phường thu không lạnh (*)

.

Cho dù tiết trời đã qua thu rồi, nhưng chả hiểu thế nào chẳng tìm đâu ra ngọn heo may lay phay man mác giữa một ngày mà bầu không khí có vẻ hầm hập oi bức một cách khác thường. Không một chút heo may nào của mùa màng gió thổi mây bay, thôi thì gần mấy mươi con người sương gieo đầy tóc chúng tôi ngồi quành lại trên những chiếc bàn này, tự mỗi người là một ngọn heo may của tâm tình, của niềm hoài cảm, mà thả giấc mơ bay về ngôi trường làng thuở xưa, của đâu những hơn nửa thế kỷ trước.

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Từ vài ba năm nay, những bạn làng của chúng tôi bỗng ngẫu hứng cách gì sáng kiến ra cái cuộc hội hè rất chi là trẻ thơ: Gặp mặt “cựu học sinh”… trường làng.

Chao ôi, người ta tổ chức gặp mặt nhau thường là khóa nọ trường kia tiếng tăm tưng bừng, chứ ai đời cái trường làng bé xíu - cái trường làng quê mùa nhỏ nhoi ở một miền quê nghèo khó gieo neo cách trở sông nước. Mà đã hơn những năm mươi năm rồi thì… gặp mặt, họp mặt cái nỗi gì kia chứ. Ấy vậy mà chúng tôi tổ chức họp mặt! Tất cả chúng tôi hầu như đã cận kề lớp “thất thập”, nghĩa là lớp tuổi nghiêng về phía hoàng hôn chứ chả còn vụng dại nào mà í ới nông nổi gọi nhau.

Hóa ra những ngọn heo may mong manh trong ký ức là vậy mà thời gian vật đổi sao dời khó bề tước đoạt nổi. Có thể trong chúng tôi kẻ nhớ người quên, ngay cả những gương mặt từng người bây giờ còn có khi không nhận ra nhau nếu không kể lể ngọn nguồn gốc gác. Nhưng có một thứ mà hầu như bất cứ ai cũng khó mà quên được. Nó có thể văn vẻ như một tiếng ngân xa của thời “Tôi đi học” mà nhà thơ Thanh Tịnh tuồng như gieo ngập đầy hồi quang trong thiên đường ký ức tuổi thơ tôi: Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm miên man của buổi tựu trường…

Nhưng cũng có thể chỉ là những câu vần vè ngu ngơ trần trụi của bọn học trò chúng tôi thường chọc ghẹo nhau trên đường tới lớp, hoặc là những lúc tan trường: Tau đi đường ni có bông có hoa. Mi đi đường nớ có ma dẫn đường… Vậy đấy, từ mù khơi trí nhớ, mọi cung bậc cảm xúc cứ trên cái nền “quê quán tôi xưa” bật lên bát ngát những âm thanh chan chứa hồn nhiên. Chừng như mỗi lúc véo von lên như thế, tất cả chúng tôi bỗng nguyên vẹn là những thằng bé con tung tăng sách vở đến trường. Hả hê nói cười trò chuyện, hả hê hát ca, trong veo những thanh âm như suối khe róc rách buổi đầu nguồn.

Quả thật, chẳng ai có thể tắm hai lần trên một dòng nước, nhưng những giấc mơ thì có thể dẫn dắt ta trở về tắm gội nhiều lần. Thế nên, ai nỡ đang tâm giết chết những giấc mơ. Ví như bây giờ đây, không như mọi năm chúng tôi rủ nhau chạy về làng họp mặt, mà ngẫu hứng tổ chức ngay ở thành phố. Với lý do: Anh em bây giờ sinh sống ở phố xá khá đông, thôi thì cứ chia phiên ra năm ở làng, năm ở phố cho nó đề huề.

Ấy vậy mà, mới lần đầu quây quần lại với nhau ở một nhà hàng bên cạnh mấy lầu đài cao chót vót, mới vừa dăm ba ly bia ngồi râm ran chuyện làng xưa, hổng biết cái không gian hiện đại ồn ã vây quanh có làm tổn thương những ngọn heo may tâm cảm lao xao mây gió trong tâm hồn hay không, mà những “cô cậu học trò” sương gieo đầy trên tóc bỗng lắc đầu quầy quậy, rồi rập ràng tuyên bố: Năm sau có gặp nhau, dứt khoát về gặp nhau ở làng, không ra phố nữa! Ừ, thì thôi không ra phố nữa. Thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nói từ… khuya rồi mà: Thu ở phố phường thu không lạnh. Heo may ngọn gió trốn nơi nào. Lá me rụng xuống đường đi học. Lòng anh bất chợt cũng xôn xao. Thế bạn làng nhé, mùa tới ta lại rủ nhau về làng!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

(*) Thơ Đỗ Trung Quân
 
;
;
.
.
.
.
.