Về miền nhớ để thêm yêu quê hương

.

Ăn để nhớ là tiếng lòng của một người con xứ Quảng đối với quê hương thông qua ký ức tuổi thơ về hũ mắm, con cá, mớ rau, tấm bánh…

Ảnh: K.E
Ảnh: K.E

Với 51 tản văn trong Ăn để nhớ (NXB Trẻ, 2020), tác giả Kim Em dường như gói trọn nỗi nhớ quê hương Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng vào từng câu chữ. Đó là miền nhớ về bát cháo thịt bò của má “vừa ngọt lại thơm nức mùi hạt tiêu và hành củ”; về “món cá mối kho nghệ ăn với cơm nóng thì no tới trưa”; về món mì Quảng được ăn kèm ớt xanh, “nhai ngấu nghiến và khoan khoái nuốt”; về món kẹo ú được bày bán trên những chiếc trẹt đan bằng tre ở chợ quê; về món xu xoa nồng nàn vị biển quê nhà…

Trong ký ức của tác giả còn có cơm rau và mùi khói rơm luôn làm vấn vương nỗi nhớ; hay thứ quà quê thơm thảo ân tình; hay mùi của Tết - mùi của sum họp, của sự mong ngóng, trông chờ và cả mùi của chợ với “bao nhiêu tinh túy của đất mẹ như hội tụ hết trong những thứ rau củ mà người ta bày bán”… Câu chữ trong mỗi tản văn đều chất chứa xúc cảm của một người con sống xa quê hương lúc nào cũng nhớ thương về tuổi thơ nghèo khó nhưng hạnh phúc khi được quẩn quanh gian bếp của mẹ, được sống trong tình yêu thương của gia đình.

Với Kim Em, đó là “những tháng ngày tươi đẹp nhất của cuộc đời” - như chị viết trong lời tựa của cuốn sách. Để rồi giờ đây, khi đi qua những hạnh phúc, đắng cay, ngọt ngào, cả những chống chếnh và những phút lắng đọng, nhìn lại thì nhận ra từ trong sâu thẳm lòng mình là một tình yêu đặc biệt trên đời, đó là một tình yêu - “một trái tim khắc tạc con chữ Hội An xứ Quảng”. Tác giả cũng gọi đó là “nỗi nhớ Hội An”. Mà phải nhớ lắm, yêu lắm, thì mới có thể mô tả một cách chân thực, sống động từng món ăn vốn gắn liền với cư dân Hội An từ bao đời nay như cao lầu, cơm gà, mì gánh, bánh xèo, ram cuốn, tam hữu…

Và cũng phải khắc khoải lắm, chắt chiu lắm về cả một trời yêu thương thì mới có thể “giới thiệu” những món ăn bình dị, chân quê mà người đọc tưởng như đó hẳn là sơn hào hải vị, muốn ăn ngay lập tức cho thỏa cơn thèm. 

Viết về mì Quảng, tác giả bày tỏ: “Tô mì Quảng trong hoài niệm ngon hơn, hấp dẫn hơn và thôi thúc mình trở về quê nhà. Về chỉ để ăn ngấu nghiến một tô mì, để hít hà vị cay của ớt xanh và uống một hơi bát nước chè xanh mẹ nấu trong ấm đất, rồi nằm trên bộ phản gỗ giữa nhà nghe làn gió mát rượi từ sông Thu Bồn thổi qua, nghe tiếng gà gáy trưa xao xác ngoài bờ rào để thấy mình hạnh phúc vì còn một nơi chốn để trở về”. Đọc qua đã cảm nhận ngay một miền quê yên bình, một Hội An hiền hòa…

Về gian bếp cũ, tác giả hồi tưởng: “Mùa mưa gió, không đi chợ xa, chỉ những thứ rau hái quanh vườn nhà như rau sam, rau dền, ngọn bí, ngọn khoai…, chỉ với ít mắm, muối qua tay má biến thành những món kho, món luộc, món canh…, rồi cả nhà ngồi xì xụp bên mâm cơm đầm ấm trong gian bếp nhỏ, mặc cho mưa gió tháng Mười ầm ào ngoài kia”, hay “mùa đông căn bếp nhà ấm sực và thơm ngào ngạt mùi cá kho dưa”.

Dường như đó không chỉ là ký ức của riêng tác giả, mà còn của nhiều người - những ai từng trải qua một thời gian khó ở những miền quê nghèo vẫn nhớ về gian bếp cũ ấm áp như thế.

Đọc Ăn để nhớ, còn để yêu thêm một miền Trung nắng gió, mưa bão triền miên, và để hiểu thêm về “hạt gạo quê chắt chiu từ một nắng hai sương đã làm nên những sợi mì, lá bánh, chén cơm kết tình cái ngon từ đất và bàn tay cần mẫn của người dân quê. Cái ngon chắt lọc ấy đã làm nên nỗi nhớ”.

TÚ PHƯƠNG

"Đến bây giờ, khi đã bước qua bên kia dốc cuộc đời nhìn lại, tôi vẫn thấy mọi thứ như mới ngày hôm qua, hôm kia. Và tôi biết, bạn cũng cảm thấy như vậy khi nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn và hoài niệm về những ngày ấu thơ của mình”

Kim Em

 

;
;
.
.
.
.
.