Chúng ta trong những bức ảnh…

.

Trong lúc mình lướt những thư mục trong laptop để tìm tư liệu cho một công việc, vô tình mở một bức ảnh. Bức ảnh của mình, của một ngày xa xưa nào đó, khoảng 10-11 tuổi, đứng bên một bụi tre nhỏ và mắt nhìn thẳng vào ống kính máy chụp hình…

Trong một cố gắng hết mức có thể, ký ức đưa tay ra kéo mình về với thời điểm ấy, nhưng chịu, chẳng cách nào nhớ ra… Một bức ảnh, giúp mình thấy lại mình của vài chục năm trước, song chẳng thể lưu trữ được gì hơn ngoài một dung mạo mà theo thời gian đã không còn gì quen thuộc…

Máy ảnh được phát minh ra là để giúp con người lưu giữ những khoảnh khắc trong cuộc sống mà không cần mất công phải nhớ. Thế nhưng, có những bức ảnh, nhìn hoài nghĩ hoài, vẫn cảm giác không thể chạm tới hoặc chẳng thể truy xuất ra được gì hơn…

Trong khi trí nhớ con người lại thật kỳ lạ, có những thứ mình không nhìn bằng mắt và khoảng cách của hiện tại với thứ mình ghi dấu trong đầu đã cách nhau rất nhiều năm, vậy mà vẫn cứ rõ mồn một. Như thể gương mặt ấy vừa chỉ lướt qua một vài giây, khung cảnh ấy mình chỉ mới xê dịch vài bước chân lúc ngoảnh nhìn qua hướng khác…

Còn hơn cả một chiếc máy ảnh - chỉ để lại những bức ảnh, trí nhớ có khi phác họa lại được cả một hơi ấm, một biểu cảm, một thanh âm nào đó… về thứ mà chúng từng lưu trữ. Đó là lời giải thích cho lý do, đôi khi mắt chúng ta thoáng qua một hình dáng, mũi chúng ta vô tình hít khẽ một mùi hương… và rồi chúng ta có cảm giác, một người đã bặt tin nhiều năm, giờ hiện diện ngay trong trí não của mình rất rõ. Và cảm giác người đó rất đỗi thân thuộc, rất đỗi yêu thương...

Thế giới hiện đại, gần như ai cũng có ít nhất một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) trên tay. Cần gì thì chụp lại, không thì quay phim luôn, thậm chí ghi âm. Lưu trữ trong máy không đủ thì có thể tải lên trên Google Drive hoặc iCloud và giữ mọi thứ ở đó mãi mãi, chẳng sợ mất đi… Nếu cần tìm hiểu thông tin gì đó chỉ cần vào Google là tra ra thông tin trong vài giây ngắn ngủi. 

Chúng ta bớt phải nhớ. Bộ não ít làm việc hơn…

Song, “cái ít làm việc” đó của trí nhớ không hề làm chúng ta bớt khổ. Trong khi lẽ ra nếu như là trí nhớ ngắn hạn, nếu như không phải nhớ nhiều đến mức mệt đầu… thì có phải chúng ta sống thanh thản hơn!

Hóa ra, hoàn toàn ngược lại, khi chúng ta bớt nhớ điều này điều kia thì chúng ta lại dành những năng lượng ấy cho việc so sánh...

Chúng ta thấy mình thua thiệt so với người này, kém cỏi hơn người kia, thất bại hơn người nọ… Chúng ta dành thời gian nhiều hơn cho những năng lượng tiêu cực, thậm chí là nhiều nhất có thể, vì cảm giác những thứ khác đã có công nghệ lưu trữ lo giúp.

Trí nhớ của chúng ta, đến một ngày, dường như đánh mất hẳn những gì tươi đẹp đã từng có…

Trong chúng ta, chắc không ai không từng đau khổ vì thương nhớ một tình yêu chân thành, một người thân thiết, một cảnh vật nhiều dấu yêu… Nhưng, tất cả đều đã thuộc về quá khứ, còn hiện tại thì đã không còn gì nữa. Tuy nhiên, chính những mất mát, đau đớn kia lại là một động lực, một trải nghiệm… giúp chúng ta biết trân trọng những gì mà chúng ta đang có, học cách gìn giữ tốt hơn một loại cảm xúc mà chúng ta tin là hạnh phúc… Chúng ta cần tất cả những kinh nghiệm đó để hiểu được năng lực của bản thân và giá trị mà chúng ta có thể tạo ra cho mình, cũng như cho cuộc đời này.

Chúng ta cần nhớ đến cái đẹp, ngay cả khi, một ngày nào đó chúng sẽ mất đi. Về phương diện nào đó, chúng mất đi, nhưng trong trí nhớ hay trong ngăn ký ức sẽ còn mãi, bởi đó là những gì mà chúng ta nâng niu, trân trọng, gìn giữ. Và đôi khi, chỉ cần nghĩ về những điều đẹp đẽ đó, lòng ta lâng lâng niềm vui, nao nao hạnh phúc...

NGUYỄN PHONG VIỆT

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích