Đoạn trường vinh hoa: Vẻ đẹp nghệ thuật và con người

.

Bộ phim Đoạn trường vinh hoa dài 50 phút, có hình thức thể hiện hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, là câu chuyện xoay quanh nhịp sống với hai mảng màu của một gánh cải lương tuồng cổ Nam Bộ.

Đoạn trường vinh hoa thu hút khán giả bằng chất liệu nghệ thuật dân tộc và giữ khán giả ở lại bằng câu chuyện cảm xúc của những phận người nơi gánh cải lương tuồng cổ.

Chuyện đời gánh hát cải lương tuồng cổ

8 suất công chiếu tại 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) và không khán phòng nào còn chỗ trống. Nhiều nước mắt đã rơi trong suốt 50 phút phim lột tả chân thực chuyện đời của những “ông hoàng, bà chúa”, như những câu thơ của soạn giả cải lương Viễn Châu viết trong Kiếp cầm ca: “Khi bức màn buông danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Đoạn trường vinh hoa thu hút khán giả bằng chất liệu nghệ thuật dân tộc và giữ khán giả ở lại bằng câu chuyện cảm xúc. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Đoạn trường vinh hoa thu hút khán giả bằng chất liệu nghệ thuật dân tộc và giữ khán giả ở lại bằng câu chuyện cảm xúc. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Chia sẻ về lý do lựa chọn đề tài này, đạo diễn Lê Mỹ Cường cho hay, anh tình cờ thấy tấm ảnh một người nghệ sĩ với khuôn mặt được hóa trang lộng lẫy, mặc chiết áo phông rách đôi chỗ trên báo. Hình ảnh tương phản ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đạo diễn sinh năm 1989, khiến anh quyết định tiếp xúc, tìm hiểu. Qua đó, anh biết, trong 6 tháng đầu năm, nhiều đình ở Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng tổ chức lễ Kỳ Yên. Diễn hát bội (và cải lương tuồng cổ), gọi chung là hát chầu, đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu tại mỗi kỳ đáo lệ.

“Từ sự tò mò ban đầu về nét văn hóa lạ lẫm với những người sống ở miền Bắc, tôi muốn khám phá sâu hơn. Bản thân tôi luôn đau đáu về những thân phận mong manh mà sự hiện diện của họ trong xã hội khá khiêm tốn nên lựa chọn chuyển tải lát cắt cuộc sống của những con người nhỏ bé. Và gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại trong hành trình rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây là một trong số ấy”, đạo diễn Lê Mỹ Cường tâm sự.

Hơn 100 giờ quay, 18 tháng, anh và người bạn Thanh Nguyễn - đồng tác giả dự án - đã đồng hành với nhân vật trên sân khấu và cả trong những mảnh ghép cuộc đời. Những “ông hoàng, bà chúa” lộng lẫy trên sân khấu nhưng đời thường  là những người lao động bình dị, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống.

Góc nhìn chân thực và mới mẻ

Theo những người làm phim, mặc dù không khó thuyết phục đoàn cho ghi hình, nhưng để họ không “diễn” trước ống kính mà thoải mái trải lòng thì không phải chuyện ngày một ngày hai. Sau gần 4 tháng theo chân gánh hát, ăn cơm đình, ngủ chiếu võng, nằm sân gạch, chị Hai (nghệ sĩ Phương Anh, nhân vật trong phim) mới cho phép hai người trẻ quay những thức hình đầu tiên. Bản thân những người cầm máy vẫn còn rất ngại ngùng nhưng họ tin rằng, đây là một bước tiến lớn trong việc tạo lòng tin với nhân vật của mình.

“Ngày chia tay, cô Ba (nghệ sĩ Phương Ánh, mẹ của nghệ sĩ Phương Anh, nhân vật trong phim) mới tâm sự rằng, cô từng nghĩ sẽ từ chối chúng tôi quay phim về gánh hát. Cô không muốn trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại về đam mê hay cuộc đời của những nghệ sĩ nghèo. Có lẽ, bởi vì chúng tôi không hỏi gì nên chúng tôi đã may mắn được bước vào cuộc đời họ một cách tự nhiên. Chị Hai bảo chị Hai quý chúng tôi vì tự nhiên thấy tòi đâu ra mấy đứa cứ lẽo đẽo đi theo gánh hát hết ngày này đến ngày nọ, riết rồi cũng quen, chị biết chúng tôi thật lòng…”, đạo diễn Lê Mỹ Cường xúc động.

Anh Thanh Nguyễn, đồng tác giả dự án, tâm sự: “Đối với những người theo đuổi và thực hiện dự án, cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể bước vào đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ sang một bên những định kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà chúng đã được sống”.

Và quả ngọt của sự chân thành cùng niềm tin của những người trẻ là những thước phim gần gũi, sâu sắc, giàu tính nhân văn về cải lương tuồng cổ được thể hiện dưới một góc nhìn đầy mới mẻ và độc đáo.

Bộ phim tài liệu phi lợi nhuận Đoạn trường vinh hoa trong khuôn khổ Dự án VTV Đặc biệt (một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam), được Quỹ FAMLAB tài trợ sản xuất, nằm trong Hợp phần 2 của Dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh. Đoạn trường vinh hoa được công chiếu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ trong tháng 10 và 11. Sau đó, phim được phát sóng trên VTV.

DUY AN

;
;
.
.
.
.
.