Hồn phố

.

Với Hội An, đèn lồng chính là linh hồn của phố. Nếu một ngày phố cổ vắng bóng những chiếc đèn lồng đủ đầy sắc màu ấy, có lẽ Hội An sẽ không còn là Hội An chăng?

Đèn lồng xuất hiện mọi nơi trong phố cổ Hội An. Ảnh: XUÂN SƠN
Đèn lồng xuất hiện mọi nơi trong phố cổ Hội An. Ảnh: XUÂN SƠN

Đến Hội An, thả bộ trên những con phố được vẽ lên như màu tranh, như những bức bích họa tuyệt vời được kết tạo nên từ bàn tay, khối óc con người và thiên nhiên. Nhà cổ, phố cổ và những con người Hội An hiền lành, chất phác đã luyến lưu du khách. Cảm nhận đủ đầy nhịp sống của người dân phố Hội, mới hiểu vì sao nhiều người mê đắm Hội An.

Đèn lồng - hình ảnh nhận diện đầu tiên về Hội An

Muốn tìm hiểu về gốc gác những chiếc đèn lồng, bạn có thể tìm gặp Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Ba sống ở sau vườn Khổng Miếu trên đường Trần Hưng Đạo. Ông Ba kể, đèn lồng xuất hiện ở Hội An vào khoảng cuối thế kỷ 16 khi các thương nhân người Trung Quốc, Nhật Bản đầu tiên đến đây buôn bán và định cư. Hàng trăm năm qua, chiếc đèn lồng được sử dụng phổ biến ở khắp các ngôi nhà, cửa tiệm và hội quán của cả người Hoa, người Nhật và người Việt. Chiếc lồng đèn trở thành biểu tượng khó quên của khu đô thị đa văn hóa này.

Sau nhiều thập niên bị lãng quên trong chiến tranh, đèn lồng Hội An đã hồi sinh nhờ công trước hết của Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Ba. Từ việc phục chế đèn lồng, dán đèn lồng bằng giấy dó, đến năm 1990, ông Ba là người đầu tiên phục chế và tạo dáng chiếc đèn lồng trong khung tre bọc vải có thể xếp gọn được. Từ đó, đèn lồng Hội An được phát triển với hình dáng và chất liệu đa dạng với hơn 12 loại như ngày hôm nay.

Ở phố cổ hiện có 32 gia đình làm và kinh doanh lồng đèn, trong đó cơ sở sản xuất đèn lồng Hội Ba của ông Huỳnh Văn Ba là một trong hai cơ sở lớn nhất. Tại đây, người dân, du khách có thể trải nghiệm tất cả các công đoạn làm đèn và tự tay làm những chiếc đèn lồng đặc trưng của Hội An. Với người dân Hội An, đêm đến, khi nhà và phố đều thắp sáng đèn lồng, vẻ đẹp của phố cổ thêm nhiều luyến lưu bước chân du khách.

Những chiếc đèn lồng được đan từ tre, mây, được dán lụa và trang trí nhiều hoa văn… là hơi thở, là nhịp tim của người dân phố cổ. Hàng trăm năm qua, đèn lồng là hình ảnh nhận diện đầu tiên khi tìm hiểu về Hội An, điểm tô cho sắc màu của phố và cho vẻ đẹp vĩnh cửu của những ngôi nhà cổ. Lặng ngắm Hội An về đêm, khi hàng trăm chiếc lồng đèn đã thắp lên đủ màu sắc trước những ngôi nhà, từng con phố, thoảng nghe trong gió sông Hoài một lời hát bài chòi ngân nhịp reo vui, bạn sẽ cảm nhận nhịp sống ở phố Hội này êm đềm như thế nào.

Bạn có thể tìm mua những chiếc lồng đèn trên phố cổ để làm quà lưu niệm cho người thân và bạn bè. Những chiếc đèn lồng đủ sắc màu, được gấp gọn nên bạn có thể mang đi tiện lợi trong hành trình khám phá vẻ đẹp của mảnh đất, con người nơi đây.

Xích-lô gắn với đời sống thường nhật của người dân

Đến Hội An, nên ít nhất một lần trải nghiệm xích lô. Đặc biệt, những tài xế của Nghiệp đoàn xích-lô Hội An là những hướng dẫn viên du lịch không chuyên nhiệt tình, hiếu khách và cởi mở. Hiện nay, Nghiệp đoàn có hơn 100 người chạy xích-lô, chia thành 4 tổ, thường xuyên có mặt ở 4 bến du lịch để phục vụ du khách tham quan. Ẩn sâu trong công việc hằng ngày, họ là những người góp phần giữ hồn văn hóa cho phố cổ và cũng đồng hành, làm cầu nối cho du khách khi đến Hội An và quay trở lại.

Từ khi Hội An thực hiện chủ trương phố cổ không có tiếng động cơ xe máy vào những thời gian nhất định, xích-lô trở thành phương tiện chủ yếu để đón đưa du khách tham quan. Về Hội An, đi trên những con phố bình yên thấy hình ảnh những chiếc xích-lô đỗ ngăn nắp ở các bến du lịch, hay những tấm lưng đẫm mồ hôi của những người lái xích-lô mà họ vẫn luôn vui cười, đó là nét đẹp rất riêng và khó quên.

Theo lời kể của những người lái xích-lô ở phố cổ, xích-lô gắn với đời sống thường nhật của người dân, là phương tiện mưu sinh chủ yếu của rất nhiều gia đình. Nghề xích-lô du lịch ở Hội An bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1999, khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Từ đó, đời sống của người dân dần ổn định. Xe xích-lô được gắn biển số để thuận tiện trong việc quản lý làm việc theo phiên, vừa tạo điều kiện cho du khách khi đi theo tour.

động của các người lái được chia thành 4 tổ, đỗ xe ở 4 bến, từ 6-17 giờ và buổi tối thường đến 22 giờ. Mỗi tổ cử một người trực tiếp quản lý, điều hành các thành viên trong tổ, với các quy chế hoạt động rõ ràng, trách nhiệm cụ thể như người lái phải mặc đồng phục khi hành nghề, làm việc theo phiên, theo chuyến, không tranh giành, chèo kéo khách, không được sử dụng các chất kích thích như rượu, bia khi hành nghề... Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Họ trở thành những hướng dẫn viên du lịch tận tình, am hiểu các di tích ở Hội An để có thể hướng dẫn du khách và hầu hết người lái xích-lô đều sử dụng thông thạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản là tiếng Anh, Pháp.

Đèn lồng hay xích lô Hội An là những nét mang đậm chất văn hóa, con người nơi đây. Có nhiều thứ bạn có thể quên, nhưng dấu ấn Hội An với đèn lồng, xích-lô thì có thể không.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

;
;
.
.
.
.
.