MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG LÀ MỘT NGÀY VUI

Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh

.

Mục tiêu của giáo dục là giúp học sinh (HS) phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo… Nhà trường cần trang bị cho HS những tri thức phổ thông nền tảng, cốt lõi; đồng thời có nhiệm vụ giúp mỗi HS phát triển tối đa tiềm năng cá nhân của mình.

Một giờ học tăng cường cho các học sinh của cô Vũ Thị Huế, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà). Ảnh: Q.T
Một giờ học tăng cường cho các học sinh của cô Vũ Thị Huế, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà). Ảnh: Q.T

Kích thích sự nỗ lực của học sinh

Sau 6 năm ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thực hiện đánh giá học sinh (HS) tiểu học bằng nhận xét thay vì điểm số (theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học), kết quả cho thấy giảm áp lực từ cả phụ huynh lẫn HS. Chị Mai Vũ Thị Trâm (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) có con đang học lớp 2, Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa cho biết: “Từ khi bỏ chấm điểm, việc hướng dẫn con học bài ở nhà nhẹ nhàng hơn vì phụ huynh và con gỡ bỏ tâm lý áp lực về điểm số. Con rất háo hức đọc lời nhận xét của cô. Sự ghi chú cẩn thận của giáo viên (GV) giúp phụ huynh biết con mình mạnh/yếu ở những điểm nào”.  

Chị Trâm đưa ra ví dụ, với môn Tiếng Việt, GV thường nhận xét kỹ, dài hơn môn Toán. Nếu HS viết chữ đẹp, ít tẩy xóa, đúng chính tả, cô sẽ phê: “Con làm tốt lắm. Bài viết sạch sẽ, đẹp, cô khen”. Nếu HS không sai chính tả nhưng chữ viết xấu, tẩy xóa nhiều, GV sẽ phê: “Con hoàn thành tốt nhưng lần sau cần cẩn thận hơn nhé”. “Hầu như tất cả các bài viết trên lớp, GV đều ghi cụ thể nhận xét. Điều này giúp phụ huynh theo dõi từng bước tiến bộ của con mình”, chị Trâm nói.

Chị Quỳnh Phương (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), có con đang học lớp 1, Trường tiểu học Ngô Gia Tự cho hay: “Thay vì chấm điểm, GV của con tôi rất sáng tạo, khuyến khích bằng nhiều hình thức khen thưởng khác nhau như: tặng quà, sticker (nhãn dán) tích lời khen… Mỗi ngày đi học về nhận được sticker của cô, con vui lắm. Ngoài ra, GV cũng khuyến khích phụ huynh trao đổi, bày tỏ quan điểm về những nhận xét, đánh giá của mình; từ đó có hướng phối hợp, hỗ trợ GV trong động viên, giúp đỡ các con học tập”.

Cô Nguyễn Thị Duy Hòa (GV chủ nhiệm lớp 5/3, điểm trường Tà Lang, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cho hay, đánh giá, nhận xét HS bằng lời hoặc bằng chữ viết là một hoạt động hằng ngày của GV. Từ những nhận xét này, GV sẽ có kế hoạch cho những bài giảng tiếp theo. Khi nhận xét về học trò, GV đừng bao giờ nói “không” mà hãy nói “chưa”.

Ví dụ, khi HS viết bài nguệch ngoạc, GV có thể nói: “Bài này con viết chưa tốt lắm. Hôm sau, con cẩn thận hơn chút xíu nữa thì những con chữ sẽ đẹp hơn”. Hoặc khi HS phát biểu không đúng, GV không nên nhận xét “Em trả lời sai rồi/không đúng rồi”, mà có những hình thức diễn đạt mềm mỏng như “Bạn A trả lời gần đúng rồi. Có bạn nào bổ sung thêm không nào?”. “Cách nói/nhận xét của GV khi khen/chê ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý HS. Nếu được biểu dương, động viên kịp thời, các em sẽ rất vui, háo hức bày tỏ ý kiến. Trong khi đó, dù HS trả lời chưa đúng nhưng bằng sự nhẹ nhàng, GV sẽ giúp các em không bị mặc cảm mà vẫn nhận ra những lỗ hổng kiến thức của mình”, cô Hòa nói.

Cô Đỗ Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà) cho rằng, triết lý giáo dục của Thông tư 22 là “Đánh giá vì sự tiến bộ của HS”. Để HS có học lực trung bình, yếu có cơ hội thể hiện mặt mạnh của mình ở các lĩnh vực khác như viết chữ đẹp, môn học năng khiếu, phong trào…, đòi hỏi GV có quá trình theo sát học trò, đưa ra lời khuyên - khen đúng lúc, phù hợp.

Theo đó, GV có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói; dùng sự mềm mỏng để chỉ ra cho HS chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa. “Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT, có nhiều điểm mới trong đánh giá HS. Đổi mới từ việc đánh giá thường xuyên cho đến đánh giá định kỳ, tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục, đưa ra kết luận. Ngay cả việc tặng giấy khen cũng đổi mới. Ngoài việc hiệu trưởng tặng giấy khen cho HS, cán bộ quản lý và GV có thể gửi thư khen những HS có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Đây là đổi mới rất ý nghĩa và nhân văn, góp phần kích thích sự nỗ lực, phấn đấu của HS trong suốt quá trình học tập”, cô Vân nói.

Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp các em yêu thích việc đến trường và phát huy được  năng lực cá nhân. (Ảnh chụp tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự, quận Sơn Trà) Ảnh: Q.T
Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp các em yêu thích việc đến trường và phát huy được năng lực cá nhân. (Ảnh chụp tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự, quận Sơn Trà). Ảnh: Q.T

Dạy học theo hướng phân hóa

Lớp 5/3 tại điểm trường Tà Lang có 15 HS, trong đó có 14 em người Cơ tu và 1 em người Kinh. Theo cô Nguyễn Thị Duy Hòa, với các em người đồng bào, việc học môn Tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai nên các em tiếp thu khá chậm. Việc dạy học ở bậc tiểu học hiện nay là dạy theo cá thể. Do vậy, trong quá trình dạy học, GV chủ nhiệm phải quan sát, theo sát từng em để có cách ra bài tập phù hợp. Với những em tiếp thu chậm, cô dành nhiều thời gian hơn để dìu dắt, uốn nắn; với những em lanh lợi hơn, cô cho những bài tập ở mức độ cao hơn để các em không thấy nhàm chán, làm sao mỗi tháng học các em đều phải đạt những mức độ tiến bộ nhất định.

Trường tiểu học Hòa Bắc có 5 điểm trường nằm rải rác ở các thôn, có khu vực cách điểm trường hơn 10 km, đa số GV là người ở địa phương khác đến nên có nhiều khó khăn trong việc dự giờ, thăm lớp cũng như tổ chức các hoạt động chung. Số lượng HS dân tộc thiểu số, HS khó khăn, HS khuyết tật… chiếm 1/3 so với HS toàn trường.

Cô Lê Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc cho biết, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã chỉ đạo cho GV dạy HS dân tộc Cơ tu phải xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, tập trung tăng cường dạy tốt môn Tiếng Việt và Toán, tập cho các em kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống trong các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp thông qua hình thức tổ chức các trò chơi “Học mà chơi, chơi mà học”.

Nhà trường cũng tổ chức CLB “Em yêu Tiếng Việt”, các chuyên đề khuyết tật và yêu cầu GV nghiên cứu kỹ năng lực của từng HS để tìm ra các biện pháp áp dụng sao cho phù hợp, hiệu quả. “Nhà trường tự xây dựng hồ sơ theo dõi những HS “gặp khó khăn về học” với ý nghĩa theo dõi sự phát triển của các em để hỗ trợ, điều chỉnh cần thiết trong quá trình dạy học. Các lần kiểm tra định kỳ đều có bộ đề dành riêng cho các em, bảo đảm tính vừa sức, đồng thời bảo đảm về chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học trong chương trình”, cô Xuân nói.

Trường tiểu học Trần Quốc Toản trong năm học 2019-2010 có 12 HS có “hồ sơ hỗ trợ đặc biệt”. Nhà trường tự xây dựng hồ sơ theo dõi những HS “gặp khó khăn về học” với ý nghĩa theo dõi sự phát triển của HS để có những hỗ trợ, điều chỉnh cần thiết trong quá trình dạy học của GV như giảm yêu cầu ở mức phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS. Theo cô Vũ Thị Huế (GV chủ nhiệm lớp 5/3 Trường tiểu học Trần Quốc Toản), nhiều năm nay, nhà trường đã áp dụng phương pháp dạy học phân hóa, chia HS trong cùng một lớp ra làm nhiều đối tượng theo mức độ 1, 2, 3, 4. Với mức độ trung bình thì yêu cầu cả lớp phải đạt được.

Trong mỗi tiết học, những em có năng lực hạn chế hơn sẽ được tự lựa chọn bài học theo khả năng tiếp nhận của mình. Với những em học lực khá hơn, GV sẽ ra nhiều bài tập hơn và độ khó tăng dần. “Phương pháp này khiến GV đứng lớp rất vất vả trong điều hành lớp ở mỗi tiết học nhưng hiệu quả đạt được rất cao. Để mỗi bài học hiệu quả, GV chuẩn bị giáo án kỹ càng và phải thay đổi thường xuyên. Có những bạn trong tuần này rất yếu phần học này nhưng tuần sau tiến bộ đáng kể. Vì vậy, GV phải quan sát từng em và có sổ theo dõi ghi chép sự tiến bộ của HS”, cô Huế nói.

Dạy học phân hóa là xu hướng giáo dục tiến bộ và cũng là cách để các trường học thực hiện nội dung phụ đạo cho HS khó khăn về học, HS khuyết tật học hòa nhập và công tác bồi dưỡng HS năng khiếu. Phương pháp này cho phép GV được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích