Nhớ thầy Lê Trí Viễn

.

Thầy Lê Trí Viễn, người con ưu tú của đất Quảng, một gương mặt đẹp trong nghiên cứu và giảng dạy văn chương Việt Nam của thế kỷ XX. Thầy để lại cho đời nhiều dấu ấn, nhất là trong giảng dạy, trong biên soạn giáo trình, trong công tác đào tạo giáo viên, trong dịch thuật.

Thầy sinh ngày 10-3-1919, mất ngày 3-2-2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 95 tuổi. Tôi, người học trò cũ của thầy, đọc sách của thầy, đến nay vẫn nhớ những lời thầy dạy, thầy khuyên đối với việc tự học, tự rèn luyện trong lĩnh vực dạy - học văn.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn. (Ảnh tư liệu)
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn. (Ảnh tư liệu)

Thầy Viễn giảng Kiều, viết sách về Kiều

Tôi học Đại học Sư phạm Huế, khóa đầu, sau năm 1975. Cuối năm 1976, thầy Viễn được mời thỉnh giảng cho các lớp sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế. Một buổi sáng, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hạnh đưa thầy Viễn đến lớp chúng tôi và giới thiệu: “Đây là thầy cũ dạy tại trường Trung học Phan Châu Trinh - Cẩm Khê, Tam Kỳ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là thủ trưởng, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội I của tôi”. Suốt 4 năm học, chỉ lần duy nhất này thầy Hạnh đưa một giảng viên đến tận lớp và trân trọng giới thiệu.

Hôm đó, thầy Viễn giảng đoạn Thúy Kiều thương mình, chỉ 12 câu, từ câu 1.229 - 1.240.

Lần đầu tiên tôi nghe thầy giảng đoạn Kiều bi thảm này. Trước hết, thầy giảng kỹ các điển tích, nói nghĩa đen, nghĩa bóng của từ. Theo thầy, đây là đoạn Kiều hay nhất, nói rõ nhất về tâm trạng tủi thân, phũ phàng, đau xót của Kiều. Một cái chết về thể xác chưa nặng bằng cái chết của tâm hồn. Nhiều chỗ, thầy nhập thân vào nhân vật, rồi khóc với thân thế nàng Kiều. Giảng 4 câu: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường, thầy lặng người trước mấy chữ “mình” đầy nỗi dày vò, thương cảm, thống thiết.

Hơn 40 năm trôi qua, 12 câu Kiều thuở ấy vẫn trong trí nhớ tôi, cả khung cảnh lớp học và bài giảng của thầy. Từ đây, khi đọc chương VI, chương viết về Nguyễn Du mà thầy đã viết trong Lịch sử Văn học Việt Nam, tập III (NXB Giáo dục tái bản năm 1976), mới thấy tấm lòng và tình yêu của thầy đối với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Có thể nói không ngoa rằng, chương viết về Nguyễn Du của thầy Lê Trí Viễn là chương hay nhất, tài hoa nhất, lãng mạn nhất trong bộ sách viết về văn học trung đại. Một giọng văn tha thiết, trữ tình, lắm chỗ bay bổng, có đoạn xót xa, dằn vặt, có lúc lạc vào một từ Quảng Nam (té ra) khi nói về đêm trăng tình yêu của Kim - Kiều.

Những quyển sách của thầy

30 năm qua, chương trình ngữ văn có nhiều thay đổi, từ nội dung bài học đến phương pháp giảng dạy. Cũng ngần ấy năm, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, thầy Viễn nhập cuộc tích cực vào đổi mới dạy và học ngữ văn.

Những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, cải cách giáo dục các bộ môn bước vào chương trình THCS, thầy Lê Trí Viễn chủ biên cuốn Dạy và học thơ ca dân gian (Sở Giáo dục Nghĩa Bình, 1986), phục vụ cho giáo viên các lớp 6, 7 và 8. Trong đó, thầy viết bài khái quát về Văn chương dân gian ở nhà trường phổ thông nêu rõ tầm quan trọng của văn học dân gian, đặc trưng và cách giảng từng thể loại. Phần cuối, thầy viết: “Tóm lại, văn chương dân gian có một vị trí quan trọng trong chương trình trường cơ sở và trường trung học. Dạy văn theo tinh thần cải cách giáo dục đã khó, dạy giảng văn càng khó hơn. Đi vào văn chương dân gian vốn có đặc thù lại có nhiều điều phải hiểu biết, dù ở mức tối thiểu…, để từ đó tự mình nghiên cứu, thâm nhập, chiếm lĩnh bài văn một cách có căn cứ, sau đó mới sư phạm hóa các điều thu nhận được để có bài dạy thích hợp, đạt kết quả”.

Năm 1988, thầy chủ biên Những bài giảng văn chọn lọc, tập I và II (NXB Long An) phục vụ chương trình cải cách giáo dục. Bộ sách giúp giáo viên THCS có tài liệu tham khảo soạn giảng những bài mới đưa vào chương trình. 

Năm 1995, theo chu kỳ, việc thay sách lên đến cấp THPT, một lần nữa, thầy Viễn tham gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên. Thầy cùng GS. Phan Trọng Luận, GS. Phùng Văn Tửu viết Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THPT, môn Văn và Tiếng Việt, 2 tập, do Vụ Giáo viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành (1995). Trong tài liệu đó, đáng chú ý là bài Quá trình chuẩn bị một bài giảng văn (32 trang). Đây là tài liệu quan trọng, dùng nhiều năm, phục vụ thay sách bộ môn ngữ văn. Một bài viết công phu, tâm huyết, đúc kết kinh nghiệm dạy văn một đời của thầy.

Năm 2004, 2005, bộ sách trên 500 trang có tên Đến với thơ hay, 2 tập, do NXB Giáo dục in và phát hành, số lượng đến 5.000 bản (tập II), bổ sung những tác giả mới đưa vào sách giáo khoa môn Văn như: Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ), Thương vợ (Trần Tế Xương), Tương tư (Nguyễn Bính), Các vị La Hán chùa Tây Phương (Huy Cận), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)... Thích nhất là bài Đôi nét về bình thơ, một bài viết công phu, kiến giải khoa học, tình cảm về công việc bình thơ. Thầy luôn nhắn gửi thầy cô giáo dạy văn về những bài giảng, những kinh nghiệm dạy văn, bình văn, thầy khuyên: Dạy văn lấy cảm làm đầu/ Một đời tôi chỉ một câu dặn mình/ Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta...

Có thể nói, thầy để lại các thế hệ nghiên cứu văn chương, dạy văn chương nhiều chuyên luận, nhiều trang viết, khó có ai thay thế. Những quyển sách Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1987), sau này được bổ sung, in lại với tên Quy luật phát triển Lịch sử văn học Việt Nam (NXB Giáo dục, 1999), đến Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1996)... vẫn là những quyển sách vô cùng quý giá, cần thiết cho những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Thầy Lê Trí Viễn còn tham gia dịch các tác phẩm nổi tiếng của thế giới như Những người khốn khổ của Victor Hugo, Thần khúc của Dante.

Thầy Viễn, huyện Tiên Phước và “Chuyện 22 ông già”

Vào những năm 1941-1943, thầy Viễn dạy bậc tiểu học ở huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam). Năm 1943, thầy quyết định rời trường sau 3 năm gắn bó, khăn gói ra Huế tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Đất và người Tiên Phước đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc đời dạy học của thầy. Theo PGS.TS Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III), thầy giáo Võ Kim Tương ở Tiên Mỹ, nhớ lại buổi chia tay ấy, thầy Lê Trí Viễn đọc một bài thơ chữ Hán: Lưỡng tam giáo chức tựu đình tiền/ Tạm biệt nhân tình thiết tửu diên/ Tâm sự thủy chung bằng nguyệt hạ/ Ly trung mạt hận biệt miên miên (Dịch nghĩa: Đôi ba ông giáo quây quần trước sân/ Chia tay nhau bằng tiệc rượu/ Tâm tình với nhau có ánh trăng chứng giám/ Trong sự chia ly chớ xem là xa nhau mãi mãi).

Hơn 50 năm sau, trở về chốn cũ, thầy trò ngày xưa đã trên 80 tuổi, gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Bao đổi thay của thời cuộc. Bao biến thiên của lịch sử. Bao buồn vui của mỗi số phận. Mọi cái đều thay đổi, chỉ một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình thầy trò, nghĩa sư đệ. Phút giây xúc động đó, thầy Viễn ứng tác bài thơ, tặng trò cũ, có tên Chuyện 22 ông già: Cuộc họp chi mà kỳ lạ!/ Hai mươi hai ông già/ Ôm một ông già khác/ Khóc/ Có họ hàng thân thiết chi đâu/ Chỉ là thầy trò, năm mươi năm xa cách/ Nay/ Mới gặp nhau, mừng bằng nước mắt.

Bài thơ chỉ 41 từ, ít hơn số năm xa cách. Hai tuyến nhân vật, một ông già - thầy cũ và 22 ông già - học trò cũ, giữa họ là khoảng thời gian vời vợi, gần 20.000 ngày của hơn 50 năm. Niềm vui của ngày gặp gỡ, chỉ và chỉ: nước mắt. Nước mắt, giọt lệ của tuổi già, nói như Nguyễn Khuyến, hạt lệ như sương, đã rơi xuống gò - má - thời - gian, những giọt lệ mừng, dù “có họ hàng thân thiết chi đâu”.

HOÀNG QUẾ NAM

;
;
.
.
.
.
.