Nổi chìm chợ Thu Bồn

.

Đến bây giờ vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định tên làng Thu Bồn và sông Thu Bồn, cái nào có trước. Song theo truyền thuyết, làng Thu Bồn từ lâu đã có tục Lệ Bà, tức Lễ hội bà Thu Bồn nhằm tôn vinh vị nữ tướng tài ba, đức độ, cứu giúp dân làng thoát khỏi dịch bệnh. Lễ hội đặc sắc này vừa được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với làng Thu Bồn, chợ Thu Bồn cũng bao phen lênh đênh, chìm nổi qua các cuộc dâu bể…

Chợ Thu Bồn vừa được xây mới. Ảnh: THÁI MỸ
Chợ Thu Bồn vừa được xây mới. Ảnh: THÁI MỸ

Quán vải bên đường

Làng Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là mảnh đất ven sông đang thờ cúng bà Thu Bồn. Cách Lăng bà Thu Bồn chưa tới cây số về phía đông là một chợ cũng mang tên Thu Bồn. Nhà cha mẹ tôi cách chợ chỉ vài trăm mét. Từ lúc còn chăn trâu, cắt cỏ, khi quê hương còn bom đạn chiến tranh, tôi đã nghe các cụ cao niên, trong đó có ông Trịnh Huệ - em của bà nội tôi - kể một số câu chuyện liên quan đến chợ này.

Giữa năm 2020, chợ Thu Bồn được đưa vào sử dụng sau một thời gian xây dựng mới hoàn toàn. Tôi chợt nhớ tới những câu chuyện cũ mà mình được nghe kể về bao nổi chìm của chợ.

Chuyện kể rằng, vào thế kỷ 18, làng Thu Bồn có ông Phạm Tự Điện làm nghề buôn bán vải. Tờ mờ sáng hằng ngày, ông Điện gánh vải đi rao bán khắp nơi đến tối mịt mới về nhà. Thuở xưa, đường sá chật hẹp, cây cối hai bên đường rậm rạp, người qua lại thưa thớt nên có hôm ông về muộn, bị bọn đạo tặc chặn đường đe dọa, cướp bóc hết tiền bạc bán buôn. Nhiều lần gặp bọn bất lương như thế, ông Điện hoảng sợ, định bỏ nghề để cuốc cày sinh sống. Không tấc đất cắm dùi, ông Điện tấu trình lý trưởng làng Thu Bồn xin mở quán nhỏ bán vải ngay bên đường cái cuối làng. Mới đầu, quán vải của ông Điện ế ẩm bởi dân các nơi thường chờ đợi tiếng rao của ông để mua khi có nhu cầu, không ít người thấy quá lâu không còn được nghe cái âm giọng quen thuộc ấy nữa cứ tưởng ông lìa trần. Dần dà chuyện ông Điện mở quán bán vải bên đường được đồn đại, lan rộng, xa dần, người tìm tới mua vải của ông nhiều hơn.

Thăng trầm đời chợ

Thấy có người các nơi lui tới ngày càng đông đúc, một số phụ nữ trong làng mang buồng cau, nải chuối, con gà… ngồi gần quán vải ông Điện để bán lấy tiền mua mắm cái ăn dần. Người bán, kẻ mua đông thêm, trở thành cái chợ không mái che. Những ngày mưa gió, chợ không thể tụ họp, thấy bất tiện nên lý trưởng cho những người thường bán hàng dựng các chòi tranh tại đám đất trống gần đó.

Chợ mỗi ngày thêm đông nên làng cử một người cai quản chợ. Người đầu tiên nắm giữ chức này mang họ Đặng và kế tục đời thứ 5 là ông Đặng Cư, cũng là đời cai quản chợ cuối cùng khi thực dân Pháp đánh chiếm làng Thu Bồn. Giặc chiếm làng, các chòi chợ bị đốt phá. Nhiều trận lụt lớn làm sạt lở gần hết vị trí nền chợ cũ nên bá hộ Bùi Khái, người giàu có nhất làng Thu Bồn tự bỏ tiền mua đất của địa chủ để làm lại chợ mới.

Chợ được dựng hai hàng lều bằng tranh tre hai bên, phần giữa để làm chỗ ở cho những người bán hàng, phía sau chợ có cái miếu Bà. Rằm, mồng một, các chủ tiệm đều ra miếu thắp hương cầu mong Bà phù hộ cho việc buôn bán phát đạt. Nhiều người còn nhớ chợ lúc bấy giờ có hai quán mì rất ngon, trong đó quán mì cá tràu ông Hòe.

Nhà ông Hòe cũng có chỗ cho những người đi mua bán lỡ chuyến trọ lại. Trong chợ có tiệm thuốc bắc của ông thầy Khách Phước, một người Hoa khá uy tín. Người gốc Quảng vốn ghiền bát chè xanh để giải cơn khát nên không ít người tới đây mua bán ghé tới quán nước chè của ông Ba Dịch. Bên cạnh việc mưu sinh từ mấy bát nước chè, ông Ba Dịch còn gánh nước thuê cho các tiểu thương trong chợ để kiếm thêm thu nhập.

Trước chợ là bến sông thường xuyên có từ 30-40 chiếc ghe dân vạn chài mang cá lên chợ bán. Do có bến sông, rất thuận lợi trong việc giao thông đường thủy nên chợ Thu Bồn ngày càng đông vui, nhộn nhịp. Các ghe buôn từ Hội An, Bàn Thạch, Gia Cốc… giong buồm lên, trên Tý, Sé, Dùi Chiêng, Trung Phước xuống chợ Thu Bồn. Trên đường cái thỉnh thoảng cũng có các chuyến xe đầy ắp hàng từ phố Hội, Nam Phước lên nên chợ Thu Bồn bỗng nhiên trở thành một chợ “đầu mối” trung chuyển nhiều hàng hóa thiết yếu trong đời sống của bà con nông thôn, nhất là vùng thượng nguồn sông Thu.

Năm 1930, quân Pháp bắt được ông Trần Diện - cán bộ cách mạng của huyện Quế Sơn, dẫn giải về chợ Thu Bồn. Lý trưởng Thu Bồn bắt dân làng canh gác cẩn thận ông Trần Diện, Tri huyện Duy Xuyên yêu cầu bà Kiểm, một người giàu có trong làng gói bánh tét cho những người canh giữ ông Trần Diện ăn tại chỗ. Có lần, để đón vua Bảo Đại về thăm chợ Thu Bồn, các quan tỉnh, huyện của Nam triều thúc giục dân làng trống chiêng, cờ xí rầm rộ chật cả bến sông. Vua Bảo Đại đi bằng thuyền theo sông Thu lên nên bến sông vào chợ Thu Bồn còn được gọi bến Giá Ngự.

Rồi giặc giã, chiến tranh nên phải dời chợ vào gò kiệt ông trùm Quỳ. Lúc này, đa số các tiểu thương đều là những người mới vào nghề bán hàng xén, chỉ tụ họp đông vào ban đêm. Đêm đến, những sạp hàng le lói ánh đèn dầu, người đi chợ cũng xách đèn ly hoặc đèn gió để soi đường vào những đêm không trăng. Chợ tồn tại đến năm 1964 thì giải tán do chiến tranh.

Tuy chợ không còn hoạt động nhưng người dân làng Thu Bồn hằng ngày vẫn thường xuyên về canh tác ruộng vườn, móc nối, nuôi dưỡng cán bộ, an ninh, du kích địa phương, cung cấp các thông tin của địch để có phương án đối phó. Sau ngày thống nhất đất nước, chợ Thu Bồn được tái lập sát bên con đường cái của ngày trước. Bến sông xưa vẫn còn đó, con đò ngang vẫn lặng lẽ, tròng trành qua lại đôi bờ Thu Bồn - Phú Thuận, nhưng chợ này không còn quan trọng đối với bà con quanh vùng nữa bởi phía bờ bắc từ lâu đã có chợ Phú Thuận phong phú về hàng hóa hơn. Tiếng gọi đò cũng thưa thớt bởi đa số những người ra Đà Nẵng trước đây đều bước lên con đò này thì nay đã có cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn…  

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.