Thương được cứ thương đi

.

Thương được cứ thương đi (NXB Hà Nội, tái bản năm 2020) là tuyển tập những câu chuyện nhỏ, những bài học nhỏ chứa đựng những giá trị to lớn về lòng tốt, tình yêu thương như nó vốn dĩ có ở cuộc sống này.

Ảnh: ÁNH HƯỜNG
Ảnh: ÁNH HƯỜNG

Hơn 3 năm trước, trong buổi ra mắt Thương được cứ thương đi của tác giả Hồng Hải, sự háo hức của độc giả khiến tôi tò mò về cuốn sách này. Tác giả không phải là cây bút đã định hình tên tuổi trong làng văn, sao lại có nhiều độc giả đến với tinh thần hào hứng như vậy (họ đến trước 1-2 giờ đồng hồ chỉ để chọn chỗ ngồi tốt; có những người đến từ nhiều tỉnh, thành xa xôi như Bạc Liêu, Gia Lai…).

Tôi đã đọc cuốn sách trong đêm, sau đó đọc lại thêm nhiều lần nữa. Mỗi lần đọc lại mang một cảm xúc khác, một ngỡ ngàng khác, để rồi khi gấp cuốn sách lại, tôi đã tìm ra câu trả lời cho mình về sức hút mà cuốn sách xứng đáng có được.

Đến hôm nay, khi tôi cầm trên  tay cuốn Thương được cứ thương đi của tác giả Hồng Hải vừa được tái bản với một phần nội dung hoàn toàn mới, thì đã có hơn 20.000 đầu sách được bán ra, đó là con số đáng ngưỡng mộ, nhưng không gây ngạc nhiên bởi những gì người đọc “nhận lại” sau khi đọc cuốn sách này.

Tôi tin rằng, chỉ khi nào cầm trên tay và chậm rãi đọc từng mẩu chuyện ngăn ngắn, với lối hành văn súc tích, đời thường; trong đó không ít câu chuyện cảm động rơi nước mắt, không ít bài học về tình người…, tất cả mang hơi thở cuộc sống mà chính tác giả là người trong cuộc, thì người đọc sẽ đồng cảm với tôi. 

Một trong số người thân mà tôi tặng sách, sau khi đọc đã nói vui rằng: “Tác giả là người… nhiều chuyện phải biết!”. Tôi bật cười và thầm ước mình cũng có thể học theo cái cách “nhiều chuyện” của tác giả, để lăn xả vào đời sống với một tinh thần tích cực, để theo đến tận cùng từng câu chuyện, từng mảnh đời, từng ngóc ngách mà ta gặp trên đường đi, thay vì chỉ hờ hững lướt qua. Chính nhờ những khoảnh khắc dừng lại, lắng nghe và dang tay ra ấy, tác giả đã góp được cho mình vô số những yêu thương, hạnh phúc.

Không phải cuộc gặp gỡ nào cũng mang sắc thái tích cực. Không phải những cậu nhóc, chị đẹp… nào đó đều lung linh sắc màu nhân ái. Cũng không phải lòng tốt, tấm chân tình nào cũng được đáp đền, như có lần tác giả đưa một bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào bệnh viện, trong nhiều cái lắc đầu chối vì sợ liên lụy của những người chung quanh.

Nhưng làm việc thiện để tích phước cũng như đi gửi tiết kiệm vậy. Đó là một món tài sản vô cùng quý giá và đặc biệt, tuy cho đi mà lại không hề mất đi. Cái mà ta nhận được là niềm vui, phước đức, sự ấm áp và bến đỗ an yên cho tâm hồn. Những giá trị tinh thần to lớn ấy không có thứ vật chất nào so sánh được.

Một người viết mà trải lòng được như tác giả Hồng Hải là điều rất hạnh phúc. Bên cạnh những câu chuyện mà anh tình cờ gặp, còn có những chia sẻ về từng người thân chung quanh, mà nhiều nhất là “anh Hồng” - cách mà tác giả hay dùng để gọi người cha mà anh thương yêu, kính trọng. Người đọc như hòa vào từng câu chuyện về người thân của tác giả để thấy tấm gương hy sinh của một ông bố và sự hiếu thảo, tinh tế, hài hước trong ngôn từ mà Hồng Hải dành cho cha mình.

Và hơn hết, những chia sẻ của tác giả Hồng Hải như một ngọn nến ấm áp thắp sáng lên niềm tin về lòng tốt, tình yêu thương như nó vốn dĩ có ở cuộc sống này.

"Thay vì bỏ thời gian quý báu lên mạng xã hội để sáng bức xúc điều này, trưa sân giận chuyện khác, tối hoang mang nỗi kia, hãy dành nhiều thời gian cho những người mình thương yêu. Nếu tự bôi đen tâm hồn bằng những hằn học, chúng ta sẽ chẳng thể nào thấy được cái hay, cái đẹp của cuộc đời. Và khi đó, hẳn nhiên, cũng chẳng có khả năng mang đến được cho ai bất kỳ điều gì tốt đẹp. Hãy tử tế với cuộc đời, nếu muốn nó cũng làm điều đó với mình”

Tác giả: Hồng Hải

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

 
;
;
.
.
.
.
.