Thưởng thức nghệ thuật thời Covid-19

.

Trong lúc tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các phòng triển lãm bị đóng cửa, một nhóm nghệ sĩ ở Anh đã trưng bày tác phẩm từ cửa sổ hay trước hiên nhà ở của họ để người dân vẫn có cơ hội thưởng thức nghệ thuật.

Khi “làn sóng thứ hai” của Covid-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới đã tái áp đặt phong tỏa, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Hồi đầu tháng 11, Thủ tướng Anh Borish Johnson tái áp đặt phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở nước này vượt mốc 1 triệu và nguy cơ hệ thống y tế vỡ trận. Giới nghệ thuật, từ bảo tàng quốc gia cho đến nhóm nghệ sĩ đường phố lại “thất nghiệp” bởi lệnh phong tỏa.

Tác phẩm của họa sĩ Sarah Barker Brown ở cửa sổ nhà của cô.  Ảnh: Nikkei Asia Revew
Tác phẩm của họa sĩ Sarah Barker Brown ở cửa sổ nhà của cô. Ảnh: Nikkei Asia Revew

Theo báo The Guardian, họa sĩ Rosha Nutt và nhà tư vấn tiếp thị nghệ thuật Holly Collier muốn đưa nghệ thuật đến với cộng đồng địa phương trong lúc này. Cả hai đã lập nhóm Artists Walk. Nhóm nghệ sĩ này được cộng đồng doanh nghiệp địa phương hỗ trợ để mang đến cơ hội thưởng thức nghệ thuật miễn phí và dễ dàng trong các khu vực trên toàn thành phố London. Theo đó, trong giai đoạn phong tỏa, những nghệ sĩ thay vì trưng bày tác phẩm trong các phòng tranh hoặc không gian cộng đồng thì giờ đây có thể đặt tác phẩm ở cửa sổ hoặc xung quanh nhà của họ để người qua đường chiêm ngưỡng.

Holly Collier nói: “Các cuộc triển lãm và sự kiện bị hủy bỏ. Thật buồn khi nghệ sĩ không thể trưng bày tác phẩm. Chúng tôi muốn có một hành động tích cực, một cách để kết nối với cộng đồng và “phong tỏa” chính là chất xúc tác…”. Tại nhà của họa sĩ Sarah Barker Brown, cửa sổ lớn trưng bày những bức tranh sơn dầu về hai vận động viên bơi lội; một bức chân dung đen trắng về một phụ nữ… Sara Barker Brown hoạt động ở ranh giới giữa điêu khắc và hội họa. Kể từ khi bắt đầu triển lãm tác phẩm vào năm 2004, cô đã phát triển ngôn ngữ hình ảnh qua các vật liệu như sơn, thép, nhôm, đồng và thủy tinh, với cách làm việc mang tính thiền định, tập trung vào trí nhớ, nhận thức cá nhân, làm mờ đường nét và màu sắc.

Trong lúc đó, tại Đức, cuộc triển lãm đặc biệt trên nền các ban công và cửa sổ tại quận Prenzlauer Berg diễn ra từ làn sóng thứ nhất của dịch, có tên gọi “Die Balkone: Cuộc sống, nghệ thuật, đại dịch và sự gần gũi”. Sự kiện được Đại học Nghệ thuật Berlin tổ chức với tiêu chí phù hợp với quy định giãn cách xã hội của chính phủ: không tốn kém, không khách mời và không đám đông.

Ở các nước khác, nhiều sự kiện mang tính động viên tinh thần người dân trong mùa dịch cũng diễn ra với hình thức đa dạng. Tại khắp các thành phố của Ý, nhiều người cùng nhau hát những giai điệu quen thuộc trên ban công nhà, biến ban công thành nơi đặc biệt. Ở các thành phố lớn như London (Anh), New York (Mỹ) và Madrid (Tây Ban Nha), nhiều nhạc công biểu diễn tại gia, trên mái nhà hoặc trực tuyến, trong khi nhiều người khác tham gia các buổi hò reo tập thể để cổ vũ tinh thần cho các nhân viên y tế cộng đồng.

HOÀNG ĐẶNG (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.