VÌ TÌNH YÊU ĐÀ NẴNG

Lăng kính của người nghệ sĩ

.

Những ai từng đến hoặc sống ở Đà Nẵng có lẽ đều có những cảm nhận riêng về thành phố. Với người nghệ sĩ, họ rung động trước những vẻ đẹp rất “đời”, những điều tưởng giản đơn nhưng lại trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Hòa Bắc trữ tình qua ống kính nhiếp ảnh gia

Mới đây, vẻ đẹp núi rừng hoang sơ của xã Hòa Bắc trong bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền gây “sốt” cộng đồng mạng. Hòa Bắc với những thác ghềnh hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng, đặc biệt là vẻ đẹp văn hóa của đồng bào Cơ tu, vẻ đẹp của hai thôn Tà Lang và Giàn Bí mang lại sự thích thú cho những người ưa khám phá. Nói về cơ duyên thực hiện bộ ảnh này, nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền chia sẻ: “Trong một lần tình cờ ghé Hòa Bắc tác nghiệp, tôi choáng ngợp với vẻ đẹp nơi đây. Đồi núi trập trùng, mây bảng lảng ôm núi, kế đó là con đường mới kéo dài từ dưới xuôi lên tận chân đèo. Phong cảnh hữu tình chẳng khác một Tây Bắc thu nhỏ. Thoảng trong khí trời trong trẻo là hương lúa, hương mía của buổi sớm mai như đưa mình đến với một làng quê xa xưa nào đó. Bộ ảnh ra đời đẹp một cách tự nhiên như chính nó”, anh Truyền nói.

Một trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền.
Một trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền.

Khu du lịch Hòa Bắc được phát triển dựa trên dự án du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, bao gồm mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học và góp phần tạo ra sinh kế giúp đồng bào người dân tộc thiểu số Cơ tu. Hai thôn Giàn Bí và Tà Lang có đặc trưng về địa hình và khí hậu, tài nguyên phong phú, đa dạng với việc phát triển du lịch. Đây là phần đệm giữa Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, hình thành nên từ các dãy núi có độ cao trung bình khoảng 200m so với mực nước biển cùng những con sông, suối tạo ra cảnh quan ghềnh thác tuyệt đẹp và đa dạng những khu rừng nguyên sinh. Khung cảnh núi rừng hoang vu, vách đá cheo leo khiến việc thực hiện bộ ảnh gặp nhiều khó khăn.

Anh Truyền chia sẻ: “Tôi ghi chú lại cẩn thận các điểm sẽ chụp, bắt đầu là đồng lúa Nam Yên, đến Suối Mơ, Vườn hoa thuộc Khu Công nghệ cao, cảnh nghề truyền thống dệt thổ cẩm và tạc tượng gỗ của người đồng bào Cơ tu, khu du lịch sinh thái Homestay Lệ Như, cảnh khu du lịch sinh thái Vũng Bột… Mỗi bối cảnh là một câu chuyện dài. Chúng tôi chọn đến điểm khó nhất trước - đó là Suối Mơ. Những vách đá dựng đứng và chưa được khai thác làm du lịch cũng như mở đường nên chúng tôi chỉ có thể men theo lối mòn và lội suối hơn 30 phút mới đến được. Khi đến nơi, tôi bấm máy liên tục vì đập vào tầm mắt là một thác nước hùng vĩ chảy giữa hai vách núi thẳng đứng. Trên những cành cây đại thụ, những vách đá còn điểm thêm những cành lan rừng thật thơ mộng”.

Trong bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền, ngoài thiên nhiên đa dạng, phong phú, núi rừng trùng trùng điệp điệp, còn là hình ảnh khuôn nhà sàn cùng những bộ đồ thổ cẩm rực rỡ đầy sắc màu của cộng đồng người dân tộc tại đây. Anh đã ghi lại khoảnh khắc những người già, thanh niên, phụ nữ trong làng đang điêu khắc tượng gỗ; những đứa trẻ nô đùa bên các nghệ nhân ở sân nhà Gươl.

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền (giữa) tác nghiệp tại Suối mơ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền (giữa) tác nghiệp tại Suối mơ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).

Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho hay, bộ ảnh về Hòa Bắc của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền đẹp và giàu cảm xúc. Những bức ảnh này được đăng tải trên fanpage của xã đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen của bạn bè khắp nơi. Chính những người dân sống tại Hòa Bắc xem ảnh cũng ngỡ ngàng với vẻ đẹp của quê hương mình. “Hòa Bắc sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên như có những con suối rộng và nông, cảnh quan đẹp vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ, chưa bị khai thác và thương mại hóa… Bên cạnh đó, có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn như ẩm thực dân tộc Cơ tu, nghề truyền thống, nhà Gươl, các lễ hội văn hóa, các tiết mục múa cồng chiêng, múa tung tung dza dzá (điệu dân vũ của người Cơ tu) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cơ tu..., dễ dàng tạo sức hút du khách. Bộ ảnh về vẻ đẹp Hòa Bắc của nhiếp ảnh gia Huỳnh Văn Truyền sẽ giúp quảng bá du lịch địa phương”, bà Hà nói.

Vẽ bằng tình thương mến

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hiện lưu giữ 31 tác phẩm được sáng tác bằng nhiều chất liệu khác nhau về vẻ đẹp của thành phố. Các tác phẩm là những cung bậc cảm xúc của các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Đà Nẵng và nhiều vùng miền của cả nước như: Vũ Dương, Duy Ninh, Hoàng Đặng, Nguyễn Trọng Dũng, Hồ Đình Nam Kha, Thân Trọng Dũng, Ca Lê Thắng, Lê Thanh Tùng, Hứa Thanh Bình, Hồ Minh Quân... Họ bị cuốn hút không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên với núi sông đồng biển, mà còn bởi chiều sâu về lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng và hơn nữa là vẻ đẹp tâm hồn, sự chân thành, thuần hậu, mến khách của con người nơi đây.

Họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha cho hay, vẻ đẹp Đà Nẵng tạo nhiều xúc cảm cho nghệ sĩ. Ngay nội thành là những công trình kiến trúc đầu thế kỷ XX, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, làng đá Non Nước; xa xa hơn là bán đảo Sơn Trà, Bà Nà, sông Túy Loan, sông Cu Đê… Chỉ cái mù sương của thắng cảnh Bà Nà lúc tím, lúc vàng, lúc xám lạnh, khi lại ửng hồng ấm áp cũng đã khiến biết bao họa sĩ say đắm thể hiện. “Vài năm trở lại đây, mỹ thuật Đà Nẵng khởi sắc. Sự ra đời của các câu lạc bộ, nhóm mỹ thuật hay hoạt động của Hội Mỹ thuật thành phố và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã cổ vũ tinh thần họa sĩ, thôi thúc họ sáng tạo để có tác phẩm chất lượng. Trong những năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tạo ra một không gian, một địa chỉ kết nối, nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác của giới nghệ sĩ mỹ thuật Đà Nẵng, trong nước và quốc tế. Chỉ hơn 3 năm, Bảo tàng đã tổ chức thành công gần 40 cuộc triển lãm chuyên đề và nhiều hoạt động mỹ thuật khác”, ông Kha nói.

Từ năm 2016 đến nay, hầm đi bộ và khu vực chung quanh cầu Rồng trở nên bắt mắt sau khi được các họa sĩ và sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng trang trí bằng những bức tranh đầy màu sắc. Ngay khu vực hầm chui bờ tây cầu Rồng là hai tác phẩm Biển gọi và Tài nguyên vô giá, thể hiện hình ảnh môi trường trong lành, thiên nhiên tươi đẹp và gửi gắm lời nhắn nhủ: “Hãy giữ lấy những gì của mình để sau này không phải hối tiếc vì đã đánh mất những gì quan trọng nhất”.

Năm 2017, đề án trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật đoạn ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp bằng nguồn kinh phí xã hội hóa được triển khai. Theo đó, đoạn bờ kè với tường đá nhếch nhác nay đã được thay bằng 18 bức tranh gốm (mỗi bức có chiều cao 2m, dài 5m) thể hiện hình ảnh sinh động về làng chài vùng biển. Đề án mang giá trị nhân văn khi truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa đến người dân cũng như du khách về tình yêu, ý thức xây dựng thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp. Họa sĩ Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng cho hay, các tác phẩm được thể hiện trên các bức tường chủ yếu liên quan đến môi trường, phong cảnh thành phố. Ví như, các họa sĩ chọn chủ đề “Sơn Trà một tình yêu” vẽ về thiên nhiên và cảnh quan bán đảo Sơn Trà, hình tượng chủ yếu là những sinh vật biển, san hô… muôn màu, muôn sắc. Với gam màu chủ đạo xanh dương (có ánh sáng đèn), các tác phẩm tạo thành một Sơn Trà thu nhỏ giữa lòng thành phố. “Tác phẩm mang thông điệp về Sơn Trà xinh đẹp với núi non, biển cả phong phú và đa dạng về những loài sinh vật biển. Chúng tôi muốn khơi dậy ý thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường cảnh quan và khai thác hợp lý khu du lịch bán đảo Sơn Trà. Hy vọng hoạt động này của chúng tôi sẽ góp một tiếng nói, một hành động để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp”, họa sĩ Phan Thanh Hải cho biết.

Bên cạnh chủ đề phong cảnh, nhóm họa sĩ còn sáng tạo các bức tranh với chủ đề “Đà Nẵng xưa và nay”. Trở về quá khứ là những hình ảnh xưa và hiện tại là những hình ảnh gắn liền với các công trình, cảnh quan tiêu biểu ngày nay. Với cách sắp xếp, trình bày uyển chuyển, có nhịp điệu, kết hợp sự thay đổi về màu sắc và cường độ ánh sáng, tác phẩm và người xem như hòa quyện vào nhau...

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
.
.
.