Yên nghỉ nhé, Diego!

.

Sút phạt lá vàng rơi, ghi bàn kiểu ngả bàn đèn…, tất cả những gì ngoạn mục trên sân cỏ đều không là độc quyền riêng ai trong làng bóng tròn. Nhưng nhắc đến “Bàn tay của Chúa”, không chỉ tín đồ bóng đá mà hầu như tất cả mọi người đều nhớ đến huyền thoại, nay đã thành cố danh thủ Diego Maradona. Thiên thần trên sân cỏ và nhiều lần là tội phạm trong cuộc đời, hoặc được yêu hết mình, hoặc bị chỉ trích kịch liệt chứ chẳng thể nào khiến xã hội thờ ơ. Chẳng một cầu thủ nào tự cổ chí kim có thể so sánh với “cậu bé vàng” Maradona về đủ loại cung bậc hỷ nộ ái ố mà ông đã mang đến cho những người cùng thời suốt 60 năm nhảy điệu tango với quả bóng.

Maradona vẫn luôn được gọi là “Cậu bé vàng”. Ảnh: Getty Images
Maradona vẫn luôn được gọi là “Cậu bé vàng”. Ảnh: Getty Images

Nói đến sức hút của Maradona, giới cầm bút vẫn kể đi kể lại không biết chán câu chuyện (không ai kiểm chứng được), rằng: Có một lần tại tiền sảnh trụ sở FIFA ở Thụy Sĩ, đám đông phóng viên xúm quanh Pele đóng bộ veste chỉn chu phỏng vấn ông tới tấp về dự tính ra ứng cử Tổng thống Brazil. Thình lình, tất cả bỗng quay lưng đổ xô chạy đến cửa chính, bỏ lại Pele lẻ loi cùng một nhà báo trẻ mới vào nghề đang lâng lâng vì có dịp diện kiến huyền thoại. Khi chàng phóng viên mặt búng ra sữa ngơ ngác hỏi: “Cái gì vậy?”, Pele thở dài trả lời: “Maradona đến”!

Câu chuyện trên không rõ thực hư ra sao, nhưng thực tế không ai có thể phủ định: Maradona đã tạo sức hút khổng lồ, trước tiên đến từ những gì ông thể hiện trên sân cỏ. Thật kỳ lạ khi một cầu thủ với thể hình không quá ấn tượng (ông chỉ cao 1,65m - điều này giải thích vì sao hầu như ông không ghi bàn bằng đánh đầu - trừ lần nhảy lên ghi bàn vào lưới đội Anh, nhưng đó lại là ghi bàn bằng…“Bàn tay của Chúa”!), chạy không nhanh, sút không mạnh (Maradona hầu như không sút xa), chỉ thuận chân trái, nhưng tất cả khiếm khuyết trên đều biến mất khi nhìn cách Maradona đi bóng, chuyền bóng và ghi bàn bằng chân trái - chiếc chân đã được mệnh danh là ma thuật.

Xem Maradona chơi bóng, người hâm mộ như nhìn vào chiếc kính vạn hoa, trong đó hiện lên lung linh mảnh ghép của nét lắt léo Messi, kỹ thuật khống chế phạm vi nhỏ Zidane và tầm quan sát, óc tổ chức cùng những đường chuyền xé toang mọi hàng phòng thủ của bộ đôi Xavi - Iniesta.

Sức hút này càng trở nên mạnh mẽ bởi phẩm chất thủ lĩnh và những đóng góp không tưởng mà Maradona đã mang đến cho bất kỳ tập thể nào mà ông khoác áo. Bóng đá là môn thể thao đồng đội, một siêu sao dù tỏa sáng đến đâu cũng không thể thay thế 10 cầu thủ còn lại, nhưng Maradona lại chính là dạng huyền thoại một mình giải quyết cả trận đấu, thậm chí cả giải đấu. Và điều đó càng kỳ vĩ hơn vì ông đã làm không phải một lần.

Ai có thể quên World Cup 1986 khi Maradona đóng vai cả thiên thần với bàn solo tuyệt hảo - đã được FIFA công nhận là bàn thắng vào thế kỷ - suốt chiều dài 60m cùng bàn thắng gian lận bằng tay vào lưới Anh ở tứ kết? Rồi đến bán kết cũng một mình Maradona giải quyết Bỉ, và cả chung kết với đường chuyền quyết định phút cuối trận giúp Argentina thắng Đức 3-2 nghẹt thở để đoạt cúp vàng. 4 năm sau, cũng một Maradona chưa lành chấn thương, với chiếc chân trái què quặt vẫn đóng vai trò chủ lực đưa Argentina vào chung kết và chỉ thua Đức bằng một quả phạt đền đầy tranh cãi.

Xen giữa 2 kỳ World Cup “gánh team” này là đội bóng Napoli miền Nam Ý, nhờ Maradona mà lật đổ đế chế Juventus - Milan Bắc Ý để đoạt ngôi VĐQG cùng chiếc Cup UEFA. Maradona như một anh hùng đã tạo thời thế, để rồi cùng thời thế đã trở thành huyền thoại trong những câu chuyện khó lòng lặp lại trong thế giới bóng đá ngày càng chặt chẽ, đồng đội, toan tính, khoa học và giảm dần ảnh hưởng cá nhân.

Công bằng nhìn nhận, vĩ đại trên sân cỏ là thế (đương nhiên trừ bàn thắng gian lận bằng tay!), nhưng trong đời thường, Maradona lại không là hình mẫu để các cầu thủ trẻ thần tượng mù quáng. Đã có nhiều nghi vấn rằng các quyết định treo giò Maradona ở CLB Seville 1992 và World Cup 1994 là do FIFA trả thù Maradona chỉ trích họ, song ngay cả khi bỏ qua các hình phạt đó thì chuyện Maradona nghiện ma túy và phải đi cai nghiện hay xách súng bắn phóng viên vẫn khó lòng chấp nhận. Dẫu sao, chính những góc khuất trong cuộc đời Maradona cùng những hào quang trên sân cỏ càng tạo cho ông sức hút vô biên với công chúng.

Một nhà báo nước ngoài từng ví von Pele như cô gái nhà lành, đoan trang, ăn mặc kín đáo, trước khi đi chơi luôn hỏi ý kiến phụ huynh và về nhà đúng giờ; còn Maradona như cô nàng vẫn thường hàng xóm bị gọi là gái hư, ăn mặc hở hang, thường xuyên về khuya leo hàng rào vào nhà, sẵn lòng tụ tập đầu đường xó chợ ăn nói bỗ bã. Rất cần phải tránh xa, nhưng lại vô cùng hấp dẫn với nhiều chàng trai khác!

Những so sánh, phân tích đó giờ đây có ý nghĩa gì khi “cậu bé vàng” đã được triệu tập về với Chúa; còn cả thế giới hâm mộ bóng đá chỉ còn luyến tiếc xem lại những thời điểm đã mãi đi vào lịch sử như 2 pha cân cả đội Anh, Bỉ ở World Cup 1986, hay cú chuyền bóng cho “đứa con của gió Caniggia” ghi bàn làm chết lặng cả đất nước Brazil tại Italia 1990. Yên nghỉ nhé, Diego! Chúng tôi chắc chắn một điều, thế giới bóng tròn sẽ không bao giờ quên ông, bởi vì hằng trăm năm tới, rồi sẽ xuất hiện rất nhiều ngôi sao nhưng chẳng ai có thể lặp lại những điều mà Maradona đã làm với bóng đá thế giới.     

LAN NHI

;
;
.
.
.
.
.