Caster Semenya kiên cường

.

Sự nghiệp điền kinh của Caster Semenya (Nam Phi) rơi vào khó khăn từ năm 2018 tới nay vì Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) không cho những VĐV nữ có sự khác biệt về phát triển giới tính thi đấu ở những nội dung 400m, 800m và 1.500m. Một nghiên cứu khoa học năm 2017 cho kết quả rằng, những VĐV nữ có lượng testosterone (hormon nam giới) cao hơn bình thường nên tạo ra sức mạnh vượt trội so với các đối thủ ở những cự ly đòi hỏi sự kết hợp giữa tốc độ và sức bền ở những cự ly nói trên. 

Semenya và Niyonsaba dẫn đầu cự ly 800m ở Olympic 2016 diễn ra tại Rio (Brazil). Ảnh: New York Times
Semenya và Niyonsaba dẫn đầu cự ly 800m ở Olympic 2016 diễn ra tại Rio (Brazil). Ảnh: New York Times

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng của cô gái 29 tuổi này liên tục vấp phải những thất bại. Cô thua ở Tòa án trọng tài thể thao và Tòa án tối cao Thụy Sĩ. Luật sư của Semenya cho biết, họ sẽ gõ cửa Tòa án châu Âu với hy vọng thân chủ của mình có thể thi đấu cự ly sở trường 800m ở Olympic Tokyo vào mùa hè năm sau. Semenya vẫn tin vào cơ hội lật ngược tình thế ở Tòa án châu Âu nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn tình huống xấu nhất là không được thi đấu cự ly sở trường 800m từng giúp cô 3 lần vô địch thế giới và 2 lần đoạt HCV Olympic. Cô bắt đầu tập luyện ở cự ly 200m từ năm 2019 với hy vọng có suất dự Olympic Tokyo 2020 vì cự ly này không ràng buộc mức testosterone.

Trong lúc các VĐV khác buồn bã vì ngày hội thể thao thế giới bị hoãn một năm, Semenya lại vui bởi cô có thêm thời gian để nâng cao thành tích thi đấu. Cô thi đấu cự ly 300m ở giải đấu quốc gia Nam Phi hồi tháng 3 với thành tích 36 giây 78. Cô vô địch cự ly 200m sau đó với thành tích 23 giây 49 nhưng từ tháng 3 tới nay không có cơ hội thi đấu vì Covid-19. Cô gái Nam Phi này phải hạ thành tích xuống còn 22 giây 80 mới đủ tiêu chuẩn dự Olympic Tokyo. Semenya tự tin về năng lực của mình: “Tôi không lo lắng bởi tôi tin mình sẽ đạt được mục tiêu này”.

Người về nhì sau Semenya ở cự ly 800m tại Olympic 2016 là Francine Niyonsaba (Burundi) từ chối điều trị để hạ testosterone. Niyonsaba chọn cự ly 5.000m để tranh tài nhằm thoát khỏi những ràng buộc y tế của IAAF. VĐV người Burundi bảo rằng, các quan chức điền kinh thế giới đối xử với những VĐV như cô, Semenya như những người lừa dối.

Mọi người thấy sự kiên trì của Semenya trong vụ kiện dai dẳng đòi lại công bằng thì cảm thông cho sự nghiệp thi đấu chông chênh của cô. Thực ra, Semenya hay Niyonsaba vẫn còn quá may mắn so với những người cùng cảnh ngộ. Annet Negesa (Uganda) buộc phải phẫu thuật vào năm 2012 khiến cô phải chống chọi với những cơn đau đầu, nhức xương khớp và hủy hoại sự nghiệp. Một VĐV viết tên tắt là J.G buộc phải từ bỏ thi đấu nên lâm vào cảnh khó khăn trong nỗ lực mưu sinh…

Một vài tổ chức phi chính phủ cũng đã bắt đầu lên tiếng yêu cầu các quan chức điền kinh thế giới dừng việc kiểm tra giới tính đối với các VĐV nữ, mô tả hoạt động đo lường và yêu cầu hạ mức testosterone bằng thuốc hay phẫu thuật đều có hại. Những tổ chức này cũng đề nghị Ủy ban Olympic quốc tế duy trì Hiến chương Olympic, cụ thể là cấm phân biệt đối xử dưới mọi hình thức và có những hướng dẫn đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức, y tế quốc tế để những VĐV như Semenya, Niyonsaba… có thể phát huy tối đa sở trường.

TỊNH BẢO (theo New York Times)

;
;
.
.
.
.
.