Đà Nẵng cuối tuần

Chuyện người "làm việc dễ"

09:20, 27/12/2020 (GMT+7)

Ở thành phố Đà Nẵng, từ năm 2000, có một con đường mang tên một thành viên nòng cốt của tổ chức Duy Tân Hội đầu thế kỷ trước. Ông nổi tiếng với câu nói để đời trước lúc hy sinh: “Tôi làm cái dễ, còn anh em gắng gánh lấy sự khó”.

“Mật hữu” của chí sĩ Phan Bội Châu

Trong cuốn Phan Bội Châu niên biểu (in trong Phan Bội Châu - Toàn tập, tập 6, NXB Thuận Hóa, 2000), chí sĩ Phan Bội Châu cho hay: “Vào thượng tuần tháng Chạp, tôi cặp với ông Ngư Hải, ông Tử Kính tới nhà ông Tiểu La, nhóm mật hữu ba bốn người,  ông Trình Ô Gia, Tôn Thất Toại, ông Chu Thư Đồng, thương định những kế hoạch chia đường làm việc”.

Đấy là Phan Bội Châu nói đến cuộc họp lịch sử vào tháng 1-1905 nhằm phân công công việc giữa các hội viên trọng yếu của Duy Tân Hội trước khi cụ Phan cùng các chí sĩ Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính “xuất dương cầu viện”.

Những cuốn sách chép lại chuyện người “làm việc dễ” Châu Thượng Văn. (Ảnh tư liệu)
Những cuốn sách chép lại chuyện người “làm việc dễ” Châu Thượng Văn. (Ảnh tư liệu)

Một nhân vật được nhắc tên trong cuộc họp quan trọng này là Châu Thượng Văn, hiệu Thơ Đồng. Ông sinh năm 1856, là con của một gia đình buôn bán giàu có của làng Minh Hương (Hội An). Tổ tiên ba đời của ông là người Trung Hoa, trung thành với nhà Minh, không chịu sống dưới chính quyền Mãn Thanh, đã vượt biển sang Việt Nam, được chúa Nguyễn cho cư ngụ ở Hội An. Lớn lên trong cảnh thực dân Pháp đang cai trị đất nước ta, khác với những chí sĩ yêu nước đương thời, Châu Thượng Văn chọn hướng đi phù hợp với bản thân là ra sức buôn bán, đóng góp kinh phí cho Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887).

Thời gian sau đó, Châu Thượng Văn ngầm liên lạc với người bạn thân thiết là Tiểu La Nguyễn Thành, nguyên là Tán tương quân vụ của Nghĩa hội. Đầu thế kỷ XX, qua Tiểu La, Phan Bội Châu tìm gặp Châu Thượng Văn và hỏi ý kiến ông này về việc nước. Châu Thượng Văn trả lời khiêm tốn nhưng rất khí khái, theo Việt Nam nghĩa liệt sử của Đặng Đoàn Bằng (NXB Văn học, 1972): “Tôi già rồi, không làm gì được nữa, và xưa nay tôi cũng không làm gì. Việc các ông làm là đúng. Khi nào cần tiền thì tôi tuy gia nghiệp đã nghèo cũng xin đem giúp các ông hết”.

Nói là làm, khi Phan Bội Châu cần kinh phí lớn để đi Nhật Bản tìm đường cứu nước, Châu Thượng Văn đã không ngại cầm cố hết nhà vườn được 350 đồng ủng hộ Duy Tân Hội. Ngôi nhà của ông ở giữa Phố Hội trở thành nơi hội họp, đón tiếp chí sĩ Đông Du, Duy Tân mỗi khi ghé đến. Đồng thời, đây còn là “hộp thư bí mật” liên lạc với bên ngoài của Duy Tân Hội. Thư từ của Phan Bội Châu và các đồng chí ở nước ngoài gửi về cho Tiểu La đều qua tay ông chuyển đạt.

“Cao hơn Thánh Cam Địa một bậc!”

Khi phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam bùng nổ vào năm Mậu Thân 1908, Châu Thượng Văn bị thực dân Pháp và Nam triều bắt giam, kết án chung thân đày Lao Bảo (Quảng Trị). Không chịu khai báo các thành viên của Duy Tân Hội, ông đã khẳng khái trả lời: “Người nước (Nam) sang Nhật Bản và hạt dân xin thuế, chính tôi là người chủ trương, không ai dám dự vào cả”. Trong nhà lao, ông thể hiện khí tiết kiên trung bằng hành động tuyệt thực. Trên 20 ngày, không hề ăn cơm, mỗi ngày ông chỉ uống vài chén nước trà loãng do người con đem vào nhà giam nhưng miệng luôn chửi mắng thực dân Pháp.

Ngày cuối cùng của Châu Thượng Văn trong nhà lao Hội An được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng thuật lại trong cuốn Thi tù tùng thoại (Nhà in Tiếng Dân xuất bản, 1939): “…Bỗng một ngày nọ, 11 giờ, cánh cửa phòng giam tôi bỗng mở toang, có mấy người lính tập dẫn 5, 6 người tù vào, có hai người dân võng một người đau vào, cùng giam vào phòng tôi. Hỏi thì họ nói tù bị đày đi Lao Bảo, gửi giam tạm buổi mai, đợi chiều lên xe lửa.

Sau lính ra, cửa khóa lại, tôi nhìn thấy người bên kia mặt đen như than, tay chưn (chân) như ống quyển, hai mắt nhắm khít, không còn là hình dạng người, hơi thở như sợi tơ, chừng như muốn tắt nghỉ; trong lòng cảm động, lại gần nhìn kỹ một chặp lâu mới nhận ra, thì không phải người nào lạ mà chính Châu Thơ Đồng tiên sanh! Mà ốm o gần chết vì đã tuyệt thực trên 20 ngày nay. Tôi gọi thử: - Châu tiên sanh! Châu tiên sanh! Còn nhìn biết tôi là ai không? Khi ấy, Châu quân mở hai mắt nhìn tôi một chốc lâu rồi nói nho nhỏ trong cổ: - Mính Viên quân, tôi làm cái dễ, còn anh em gắng gánh lấy sự khó.  Nói rồi nhắm mắt lại như cây khô vậy. Hai giờ chiều bữa ấy, Châu quân bị bồng lên võng chở ra hỏa xa cùng đi với bọn tù kia. Đến Huế thì Châu quân chết trong lao Phủ Thừa”.

Sách Việt Nam nghĩa liệt sử của Đặng Đoàn Bằng ca ngợi sự hy sinh vì nghĩa lớn của chí sĩ Châu Thượng Văn bằng bài thơ điếu: Không phải nòi ta huống lại thù,/ Tổ tiên bài Mãn, tớ bài Âu./ Bể Đà sóng vỗ nay còn giận,/ Mắng giặc năm xưa vẳng tiếng tù. Tiếc thương ông, Huỳnh Thúc Kháng có câu đối điếu: Nhân giai úy tử, quân độc bất tham sanh! Bát xích tu mi, tu dữ hà sơn doanh nhất bão;/ Thùy vi kỳ nan, quân nãi vi kỳ dị, nhất phần trách nhiệm, các tương tâm huyết cáo đồng bào. Dịch nghĩa: Cái chết ai không sợ, ông lại không tham cái sống suông; tám thước mày râu, thẹn với non sông dành bữa gạo./ Phần khó dễ ai đương, ông bỗng lãnh ngay cái phần dễ; một phần gánh vác, đều đem tâm huyết cáo bà con.

Bị bắt giam cùng một thời gian với Châu Thượng Văn, chí sĩ Trần Cao Vân chia sẻ niềm đau bằng câu đối chữ Hán, dịch nghĩa: Ta có tiếc sống đâu, ngặt vì Dịch Trung thiên mới mở đầu, Dũ Lý bảy năm chưa kịp diễn;/ Ông hẵng theo nghĩa đấy, khó nhứt kinh muôn đời hay giữ chắc, Thú Dương ngàn thuở vẫn còn nghe.

Cũng xin được nhắc lại rằng, trong lịch sử cận đại thế giới, Châu Thượng Văn có lẽ là người đầu tiên thực hành phương thức đấu tranh bằng tuyệt thực trong nhà tù, trước cả Mahatma Gandhi (tức Thánh Cam Địa). Vị Quốc phụ của Ấn Độ đã tuyệt thực vào những năm 30 của thế kỷ trước để phản đối chính quyền thực dân Anh. Điều này được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ca ngợi trong Thi tù tùng thoại: “Bị giam trong ngục mà nhịn ăn, từ Thánh Cam Địa Ấn Độ về sau, nhiều nơi bắt chước đã thành việc cơm bữa không lạ gì. Nhưng Châu quân (tức Châu Thượng Văn - NV) lại trước Cam Địa và nhất định tuyệt thực đến chết, cao hơn Thánh Cam Địa một bậc!”.

VÂN TRÌNH

.