Đi trong hương chè

.

Thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) nằm giữa vùng trung du dưới chân Núi Chúa với Khu du lịch Bà Nà nổi tiếng, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 13km. Nơi đây nổi danh với đặc sản chè Phú Thượng đã đi vào dân gian: “Nước mắm Nam Ô, cá rô Bàu Nghè, chè Phú Thượng”.

No ấm từ cây chè

Nhìn ông Nguyễn Công Minh (SN 1953) tỉ mẩn tuốt từng lá chè xanh thẫm ra khỏi cành, rửa sạch, rồi vò nát chúng trong lòng bàn tay, tiếp đó ông rót nước từ chiếc bình vừa đun sôi vào ấm chè mới thấy sự cẩn trọng pha lẫn đam mê của người làm vườn. “Người ta thường bỏ đi nước chè đầu, chỉ uống nước thứ hai. Cây chè Phú Thượng là cây trồng truyền thống của xứ này, nổi danh bốn phương bởi vị đậm, chát rất riêng so với chè những nơi khác. Thứ cây này đặc biệt lắm, đất trời càng cằn cỗi, chất lá chè càng đậm đà, càng xanh, càng thơm ngon. Ngày xưa, người dân Phú Thượng hay ướp chè xanh với hoa lài, hoa ngâu trong vườn nhà. Buổi sáng thức dậy, hãm một ấm chè thật đặc, uống lúc chè còn nóng, thấy cuộc đời thật thanh bạch và thú vị”, ông Minh thủng thẳng nói.

Ông Nguyễn Công Minh bên búp chè 1 tôm 2 tép. Ảnh: Q.T
Ông Nguyễn Công Minh bên búp chè 1 tôm 2 tép. Ảnh: Q.T

Ông Minh là người gốc xã Hòa Sơn. Năm 1976 gia đình vợ ông đã sở hữu đồi chè gần 1ha. Cha mẹ vợ của ông là một trong những người đầu tiên đặt chân lên vùng Phú Thượng, khẩn hoang đất núi, đất rừng để gieo vào vùng đất này những hạt giống chè xanh. Bàn tay họ ươm mầm chè xanh tới đâu thì nơi đó dào lên sức sống mới. 

"Cây chè Phú Thượng là cây trồng truyền thống của xứ này, nổi danh bốn phương bởi vị đậm, chát rất riêng so với chè những nơi khác. Thứ cây này đặc biệt lắm, đất trời càng cằn cỗi, chất lá chè càng đậm đà, càng xanh, càng thơm ngon”

Ông Nguyễn Công Minh, thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang

Ông Minh nhẩm tính, gia đình ông đã 3 đời sống nhờ cả vào đồi chè. Chè là cây công nghiệp dài ngày, trồng trọt một lần cho thu hoạch nhiều năm, từ 30-50 năm. “Công đoạn cực nhất là làm đất, gieo giống trong 5 năm đầu tiên; sau đó, ngày nào chè cũng cho thu hoạch mà không cần bỏ nhiều công chăm sóc. Bởi đặc tính dễ chịu như vậy mà hàng chục năm qua, người dân Phú Thượng sinh sống bằng nghề trồng và chế biến chè. Câu nói “Nước mắm Nam Ô, cá rô Bàu Nghè, chè Phú Thượng” ra đời cũng là vì thế. Mặc dù sau đó, giống chè Phú Thượng được phát triển nhiều nơi ở vùng tây bắc huyện Hòa Vang nhưng vẫn giữ tên thương hiệu “chè xanh Phú Thượng”, ông Minh cho hay.
Nói rồi, ông dẫn chúng tôi đến đồi chè của ông Ngô Nho giới thiệu: “Tôi muốn cô chú chiêm ngưỡng đồi chè lớn nhất, đẹp nhất vùng Phú Thượng này”. Chúng tôi đi dưới đồi chè thoai thoải, giữa những gốc cây tưởng chừng cằn cỗi, trồng thành hàng, thâm thấp, cách nhau bởi một lối đi. Có lẽ, vừa trải qua đợt mưa kéo dài mà đồi chè xanh tốt bời bời. Chủ của đồi chè, ông Ngô Nho năm nay đã ngoài 80 tuổi. Hơn 50 năm trồng chè, thời gian vợ chồng ông gắn bó với đồi chè nhiều hơn ở nhà. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Nho vẫn mạnh khỏe và tinh tường lắm. Ông kể: “Tôi cưới vợ năm 1959. Đến năm 1963, hai vợ chồng khai hoang đồi trọc để trồng chè. Đồi chè của tôi được gieo từ hạt giống. Giống chè hạt ưa đất, ưa khí hậu lạnh của núi mà xanh. Hạt được ngâm vào nước, loại bỏ hạt nổi, chỉ lấy hạt chìm, sau đó ủ cho hạt nảy mầm. Những năm đó, hầu hết những bầu chè ươm được xếp dưới bóng cây râm mát mà nhờ sức vươn xanh, đủ độ là nhân ra khắp đồi. Từ đồi chè này, tôi nuôi 8 đứa con ăn học. Cha mẹ làm nông, cả đời chỉ biết cắm mặt vào đất chớ con đứa mô cũng học hết lớp 9”.

Mỗi năm ông Nho thu hoạch lá chè xanh 3 đợt, mỗi đợt 70kg lá, với giá bán ra thị trường dao động khoảng 10.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, mỗi năm ông thu về 50-60 triệu đồng. Cứ bán một lứa chè thì ông xuống chợ chở nào bánh trái, dầu, gạo về ăn quanh năm. Tuy không dư dả nhưng không lo đói.
Bà Lê Thị Đáo (80 tuổi), vợ ông Nho, được người dân Phú Thượng đặt biệt danh là người “chuyên hái đọt chè”. Bà hái trăm búp như một, để lại phía sau luống chè bằng tăm tắp như vừa dùng kéo xén tỉa. Gắn bó với cây chè từ hồi con gái, bà am hiểu từng giai đoạn sinh trưởng của cây chè. Thậm chí, chỉ cần ngửi bát nước chè, bà có thể phân biệt được cây chè ấy được thu hái từ vùng đất nào. “Thời gian hái lá chè tốt nhất vào buổi sớm, khi lá còn ngậm sương bởi khi nắng lên, chè sẽ lên nhựa làm giảm chất lượng. Người ta thường hái 1 tôm 2 tép (đọt chè có 1 lá lớn-tôm, và 2 lá nhỏ-tép), còn khi làm loại đặc biệt thì chỉ hái búp tôm để làm chè đinh. Nói thiệt, chẳng có cây chi mà “sướng” bằng cây chè. Cứ gieo hạt xuống là tự nó sinh sôi nảy nở, chẳng tốn phân bón, nước nôi chi hết. Mùa mưa bão, cây chè vẫn vững vàng. Ở nơi khí hậu khắc nghiệt như xứ này, không trồng cây chi sướng bằng cây chè”, bà Đáo nói.

Có còn những đồi chè xanh thắm?

Thôn Phú Thượng nằm gọn giữa vùng trung du dưới chân Núi Chúa. Giai đoạn trước những năm 2000, cuộc sống người dân Phú Thượng phần lớn dựa vào cây chè. Càng về sau, giá trị của cây chè càng thấp, người dân trồng xen canh cây keo và chè. Cứ qua mỗi mùa keo, người ta lại đốt gốc. Cây chè vốn sợ nóng nên chết dần, diện tích chè vì thế cũng thu hẹp. Đến nay, trên địa bàn xã Hòa Sơn chỉ còn khoảng 25 hộ trồng chè, tập trung nhiều nhất ở thôn Phú Thượng với diện tích chưa đến 5ha.
Xã Hòa Sơn hiện có hơn 40% diện tích là đồi núi, có đặc điểm về điều kiện tự nhiên thích hợp với cây chè nên trong những thập niên qua, cây chè được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, phương thức sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, thủ công, dựa vào kinh nghiệm là chính, sản xuất không bón phân và cơ cấu giống còn nghèo nàn, chủ yếu là giống chè bằng hạt nên năng suất và sản lượng còn thấp. Bên cạnh đó, chè Phú Thượng những năm trước đây bị cạnh tranh bởi những thương hiệu chè của những nơi khác nên giá cả bị sụt giảm, người dân chuyển sang trồng các loại cây lấy gỗ nên diện tích chè trên địa bàn xã Hòa Sơn càng ngày bị thu hẹp.

Đồi chè 1ha của ông Ngô Nho là đồi chè lớn và đẹp nhất thôn Phú Thượng hiện nay. Ảnh: Q.T
Đồi chè 1ha của ông Ngô Nho là đồi chè lớn và đẹp nhất thôn Phú Thượng hiện nay. Ảnh: Q.T

Trước những thực tế đó, năm 2013, Đảng ủy, UBND xã Hòa Sơn đưa ra chủ trương khôi phục và phát triển làng chè trên địa bàn xã Hòa Sơn nhằm khôi phục lại thương hiệu chè Phú Thượng đã có từ trước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người nông dân, góp phần vào việc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Theo kế hoạch của đề án, địa phương sẽ khôi phục 13ha diện tích trồng chè, trước mắt trồng mới 5ha, khôi phục 3ha tại thôn Xuân Phú với 30 hộ dân tham gia. Nhà nước hỗ trợ chi phí mua cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, người dân chuẩn bị đất trồng, phân bón, công chăm sóc... Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai, đề án khôi phục và phát triển cây chè trên địa bàn xã Hòa Sơn không hiệu quả. Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho hay, việc khôi phục đồi chè trên địa bàn xã vướng nhiều khó khăn. Hầu như đất trên địa bàn xã đều nằm trong diện quy hoạch và giải tỏa, phục vụ các dự án. Bên cạnh đó, chè là cây công nghiệp dài ngày, trồng trọt thời gian rất dài (từ hơn 10 năm) mới cho thu hoạch nên người dân ngại đầu tư.

Mới đây, thành phố có chủ trương thu hồi đồi chè hơn 1ha của ông Ngô Nho để mở rộng trại tạm giam Hòa Sơn. Vậy là, thêm một đồi chè không còn xanh thẳm. Cây chè sống “thuận” với đất, không làm đất bị xói mòn, bạc màu, khô cứng. Chè trồng một lần, có thể thu hoạch 30-40 năm hoặc lâu hơn nữa. Thiết nghĩ, để đề án quy hoạch và phát triển tổng thể làng chè hiệu quả thiết thực hơn, địa phương nên có một hội thảo để đánh giá đúng giá trị của cây chè, bởi đây không chỉ là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương mà cách trồng, chế bến chè còn là một nét văn hóa lâu đời của người Việt từ xưa tới nay.

Đứng thật lâu trước đồi chè đẹp nhất, lớn nhất Phú Thượng, tôi thầm nghĩ, đồi chè không còn, mai này, liệu ai còn nhớ ông Nho, ông Minh chè…

Chè là cây công nghiệp dài ngày, được trồng khá phổ biến trên thế giới, tiêu biểu là các quốc gia thuộc khu vực châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Nước chè là thức uống tốt, rẻ tiền hơn so với cà phê, ca cao; có tác dụng giải khát, chống lạnh, khắc phục sự mệt mỏi của cơ thể, kích thích hoạt động của hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và chữa một số bệnh đường ruột. Chính vì những đặc tính ưu việt đó, chè trở thành một đồ uống phổ thông. Đây là lợi thế tạo điều kiện cho việc sản xuất chè ngày càng phát triển. Việt Nam là một trong những nước có điều kiện tự nhiên thích hợp với cây chè. Lịch sử trồng chè của nước ta có từ lâu, cây chè cho năng suất và sản lượng tương đối ổn định và có giá trị kinh tế, tạo việc làm cũng như tăng thu nhập hằng năm cho người lao động.

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
.
.
.