Lãng tử hoa hồng

.

Không biết từ bao giờ, cái rìa đất ven thượng nguồn sông Hương nở đầy hoa hồng. Một vài buổi chiều, tôi vô tình dạo qua đó, không thấy người đâu, chỉ thấy hoa, đủ màu sắc, nở bạt ngàn bất chấp sự len lỏi xâm chiếm của đám cỏ voi. Cùng với những triền xanh ngũ cốc trải dài, vạt đất trồng hoa hồng của ai kia - bên dòng sông Hương thơ mộng tạo thành một bối cảnh dễ gây say và gây nghiện cho những ai vốn phải lòng thứ hương thủy canh đồng đất miền nhiệt đới.

Thế rồi cũng có lần tôi “bắt” được ông. Thực ra, tôi hoàn toàn không có nhu cầu cần biết chủ nhân của vườn hồng này là ai. Thật thế, bởi tôi nghĩ một vài câu chuyện trong cuộc sống này vốn dĩ đã được an bài trong sự tưởng tượng mơ hồ nào đó.

Đó là một người đàn ông gầy nhỏng, đôi mắt và mái tóc ngả màu muối tiêu bồng bềnh lãng tử, miệng ngậm điếu thuốc, tay thoăn thoắt đưa cuốc rẫy cỏ. Ông bảo thuê đất này trồng hoa lâu rồi, trồng cho vui thôi chứ lời lãi không nhiều, hoa nở ai muốn cắt về chơi thì cứ tự nhiên không cần phải hỏi. Đôi bàn tay chai sần, đen đúa nâng niu từng bông hoa, cắt tỉa cành lá và bón phân tưới nước, không nghĩ nhiều về lợi nhuận dù công việc khá mất thời gian và sức lực.

Hỏi vợ con đâu sao không ra phụ làm, ông lại cười xuề xòa: “Vì tui bị ám ảnh bởi sự mê hoa của mạ tôi nên tui trồng để thi thoảng dâng bàn thờ cho mạ tui vui, chơ bà vợ còn lo chạy chợ, thằng con hắn không ham mấy việc ni”. Chiều điềm nhiên trôi qua tháng Chín, ánh trăng như là mới nhú sau rặng tre vắt qua sông, nước sông từ hạ nguồn đổ về dâng lên ì oạp.

Cái thú vui thanh bần, trong một thoáng bối rối và lối xử lý của lão nông khi thấy một gốc hoa bị bật rễ, xem ra thật thiện. Mặc cho gai hoa làm xước một vệt máu dài trên làn da đen sẫm, ông nhẹ nhàng bứng cây bọc vô nilon, mang về vườn nhà trồng để cứu sống chứ không chịu vứt khiến người ta động lòng trắc ẩn. Nó phản tỉnh cho mọi tưởng tượng mơ hồ ở trên kia, rằng đã bỏ phí một vài phút giây ý nghĩa của đời sống nếu không tận mắt chứng kiến cách chăm hoa của người làm vườn. Nghề trồng hoa đâu chỉ là đào một cái hố bỏ cây xuống chờ ngày ra hoa, mà hình như, còn là nơi chốn để một đứa trẻ nương náu tuổi thơ với ký ức về người mẹ đã khuất.

Bởi vậy, có ai hỏi giá tiền cả cây về trồng, ông luôn bảo tiền nong không quan trọng, thích thì cứ bứng về trồng, nếu cây sống thì mang tiền lên trả sau cũng được. Cái giống hồng nhiều khi cũng đỏng đảnh, không hợp đất hoặc không biết cách chăm là hắn chết ngay. Ông chỉ lo họ mua cây về trồng bị chết nên đào rễ rất cẩn thận, còn hướng dẫn tỉ mỉ cách pha đất với vỏ đậu vỏ trấu để tăng độ tơi xốp, rễ cây mới dễ lưu thông không khí. Có lẽ chính từ những giao tiếp này, tôi hiểu rõ hơn về “thú điền viên” mà cổ nhân hay nói, khi nét chân thật, cần mẫn từ chối chịu sự định đoạt của hoài nghi và trả giá đồng một đồng hai.

Một tia cảm xúc dứt tôi ra khỏi cơm áo chợ đời đang hiện hữu. Ông như một lãng tử chính hiệu và thời thượng, chẳng cần trưng trổ lòe loẹt cũng khiến người nghe thích thú bởi sự thô mộc, vụng về và điềm đạm, với lộn xộn liềm cuốc phân bón hóa học, và đặc biệt với nụ cười rất hiền.

Và tôi không hề là một kẻ si lụy hoa hồng, nhưng tôi bị thu hút bởi câu chuyện trồng hoa của ông. Nó trong sáng và vô tiền khoáng hậu. Nó có khả năng trấn an những lo toan xuôi ngược của con người, rằng nếu buồn quá thì hãy cứ trồng một cái cây. Ông xứng đáng là một người truyền cảm hứng chứ, tại sao không? Bởi ai mà biết được, mỗi ngày trôi qua, sự tất bật và nhiều lo toan có thể cuốn mình lướt qua những bình thường, giản dị, quý giá thế này...

NGUYỄN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích