Đà Nẵng cuối tuần

Lễ cúng cơm mới của người Ve

09:53, 20/12/2020 (GMT+7)

Lễ cúng mừng cơm mới hay lễ ăn cơm mới của nhóm tộc người Ve (các tộc người thiểu số khác ở vùng miền núi Quảng Nam gọi là cúng cơm mới) là một trong những phong tục, tập quán có từ lâu đời, mang sắc thái tâm linh, thắm đượm nét văn hóa ẩm thực riêng biệt của mỗi tộc người, nhằm biết ơn đấng thiêng liêng đã ban một mùa bội thu.

Người Ve thực hiện nghi lễ ăn mừng lúa mới. Ảnh: P.V.B
Người Ve thực hiện nghi lễ ăn mừng lúa mới. Ảnh: P.V.B

Nhóm người Ve (còn gọi là Giẻ) là một trong hai nhóm người địa phương (gồm Ve và Triêng) của tộc người Giẻ-Triêng ở huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Dân số của hai nhóm người này hiện khoảng trên 4.000 người, sống tập trung chủ yếu ở các xã Đắc Pring và Đắc Pree, giáp với biên giới nước bạn Lào.

Nhóm người Ve khi còn sơ khai vẫn mang tính tự cung, tự cấp; phương thức canh tác dựa vào trồng trọt ở nương rẫy, hình thức là chọt lỗ, tỉa hạt bằng các vật dụng nhọn để chọt. Ngoài ra, họ còn tự chế tác các công cụ sản xuất và dệt thổ cẩm, đan đát và làm đồ gốm…

Theo tư liệu Văn nghệ dân gian Quảng Nam của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam năm 2004, người Ve sống trong cộng đồng làng (Bhut dar), mang tính tự quản. Già làng là người đứng đầu, do cư dân trong làng bầu ra, thay mặt dân để quản lý và có tiếng nói quyết định mọi việc hệ trọng trong làng, giống như xóm, thôn trưởng của người Kinh. Nhà Ưng được xem là nhà làng và được xây dựng như là trung tâm sinh hoạt trong làng, xung quanh là những nhà gia đình nhỏ được xây dựng theo kiểu nhà hai mái, hai chái tròn, hai đầu là cầu thang lên nhà.

Ngoài những lễ hội chung của nhóm người Giẻ-Triêng, tộc người Ve còn có những lễ hội riêng: tục mài răng, căng tai, tục cử “chết xấu”…; các điệu múa như: Đin tuốt, điệu hát Rê rê rất phong phú. Cùng với đó là các loại nhạc cụ như: đàn Abel, đàn môi, sáo… làm tiếng hát thêm bay bổng và êm dịu, nhất là tiếng hát tỏ tình của lứa đôi trai gái khi yêu nhau.

Lễ cúng cơm mới là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa, trong tiềm thức tâm linh của đồng bào miền núi nói riêng, đồng bào làm nông nghiệp ở Quảng Nam nói chung và người Ve không phải là ngoại lệ. Vì vậy, đối với các cộng đồng người Ve, “thần Lúa” là một trong những vị thần được đồng bào Ve coi trọng vì gắn liền với mùa màng, biểu thị cho sự no đủ hoặc đói kém trong từng mùa rẫy. Với họ, quan niệm về “thần Lúa” luôn chi phối trong tâm thức linh thiêng, nên nghi thức cầu mùa của họ diễn ra theo chu kỳ của mỗi mùa. Lễ cúng cơm mới được xem là một trong những nghi lễ quan trọng hằng năm không thể thiếu.

Theo tập tục người Ve, khi lên nương làm rẫy, việc đầu tiên của bà con là chọn một mảnh đất nhỏ trong phần đất rẫy của mình, sát bên cạnh cái chòi để ở tạm chăm sóc vụ rẫy; sau đó thực hiện một số nghi lễ quan trọng liên quan đến đời sống tâm linh trong sản xuất trước khi bắt tay trồng tỉa lúa cho vụ mùa. Bắt đầu “xuống giống”, chủ rẫy cầm một ít lúa giống tỉa xuống một khoảnh đất nhỏ gọi là “làm phép”. Đến vụ mùa thu hoạch, những hạt thóc tại khoảnh đất nhỏ kia chính là “lúa thiêng”; một số ít lúa này dùng vào “lễ ăn cơm mới”, số còn lại được đem cất riêng để mùa vụ sau đem ra gieo lại trên rẫy thiêng đó. Bên cạnh “rẫy thiêng”, chủ rẫy thường trồng những loại cây mà họ xem như là “bạn tình của cây lúa”, người dân gọi là “cây ngãi”.

Lễ cúng cơm mới của người Ve có một vài chi tiết hơi khác so với các tộc người thiểu số khác ở vùng núi Quảng Nam, đó là phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Các già làng người Ve kể rằng, mỗi gia đình cử một phụ nữ lớn tuổi, đóng vai “mẹ lúa” đi hái một ít “lúa thiêng” trên mảnh đất “rẫy thiêng” sắp thu hoạch, đem về để nấu cơm cúng. Điều đặc biệt là ngày đi lấy “lúa thiêng”, “mẹ lúa” phải mang theo huyết của con gà; khi trên đoạn đường đi từ nhà đến rẫy mà phải lội qua suối (khe, sông), “mẹ lúa” phải đem theo sẵn một ít chỉ trắng và một ít những đoạn cây đã được đoạn nhỏ.

Khi đến rẫy thiêng, “mẹ lúa” lấy huyết của gà vẫy vào những “cây ngãi”, sau đó dùng tay để tuốt những hạt “lúa thiêng” bỏ vào gùi. Đến lúc về nhà, khi “mẹ lúa” đi đến dòng suối (khe, sông), liền lấy chỉ buộc vào hai đoạn cây nhỏ mang theo, nối từ bờ suối này sang bờ suối kia, với ý nghĩa là làm cầu nối cho hồn “lúa thiêng” qua sông. Tộc người Ve cho rằng, chiếc cầu nối kia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho “hồn lúa” nhanh chóng về với kho lúa. 

Về tới nhà, “mẹ lúa” liền đem “lúa thiêng” ra làm gạo để nấu cơm cúng Yàng, sau đó mọi người trong nhà cùng ăn. Lễ vật cúng Yàng, ngoài cơm, đồng bào còn chuẩn bị những vật phẩm kiếm được từ rừng đã chuẩn bị trước đó. Các già làng cho biết, điều cấm kỵ đối với tộc người Ve là khi thóc chưa được làm ra để cúng Yàng thì tuyệt đối không được cho người lạ hoặc nấu ra cho người lạ cùng ăn, vì làm như vậy thì “hồn lúa” sẽ giận, trừng phạt. Chính vì tập tục này mà khi trong làng có người ăn cắp lúa sẽ bị dân làng đưa ra nhà làng để già làng bắt tội và bị phạt rất nặng.

Ngoài việc cúng cơm mới được tổ chức trong phạm vi gia đình, hằng năm người Ve còn tổ chức “lễ ăn cơm mới” cùng với lễ đâm trâu tại làng. Phong tục tập quán này phần nào nói lên bản sắc của mỗi tộc người thiểu số ở miền núi Quảng Nam, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa lễ hội của đại gia đình các tộc người thiểu số đang cư trú trên địa bàn Quảng Nam.

PHẠM VĂN BÍNH

.