Nghiên cứu khoa học để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh

.

Trăn trở trước tình trạng nước thải ra môi trường của các nhà máy thủy sản, Nguyễn Quốc Vương - sinh viên (SV) năm 4, ngành Công nghệ dầu khí, Khoa Hóa, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Đà Nẵng và các cộng sự đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu xử lý nước thải thủy sản bằng công nghệ nuôi trồng vi tảo”. Đây không chỉ là đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) mà còn nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa ý tưởng vào đời sống.

Nguyễn Quốc Vương (thứ 2 từ trái qua) và các cộng sự vinh dự đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới tại Việt Nam”.Ảnh: P.V.Y
Nguyễn Quốc Vương (thứ 2 từ trái qua) và các cộng sự vinh dự đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới tại Việt Nam”.Ảnh: P.V.Y

Chia sẻ về đề tài, Nguyễn Quốc Vương cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề mang tính chất toàn cầu như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên..., đòi hỏi chúng ta phải hành động. Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu sử dụng vi tảo để tiến hành xử lý nước thải tại các nhà máy thủy hải sản.

"Đây là đề tài được nhiều sinh viên tham gia từ năm 2015 để có được kết quả như hôm nay. Giải thưởng lần này khởi đầu cho việc hiện thực hóa đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Giải thưởng là nguồn động viên cho nỗ lực của thầy và trò Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, đồng thời cũng là áp lực để nhóm cố gắng hoàn thiện hơn nghiên cứu. Giải thưởng cũng minh chứng cho sự kết hợp của nhiều nhóm sinh viên ở các ngành khác nhau trong bối cảnh và môi trường đa ngành, đa văn hóa”

TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nói về đề tài của sinh viên Nguyễn Quốc Vương và các cộng sự.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau thời gian nuôi trồng vi tảo trong nước thải thủy sản, nguồn nước được làm sạch, trong và theo cảm quan, chất lượng nước này đạt tiêu chí để thải ra môi trường, không bị ô nhiễm. Điểm cộng của đề tài là không đơn thuần tìm kiếm giải pháp xử lý nước thải thủy sản mà sau quá trình xử lý nước thải của tảo, bản thân tảo sẽ được sử dụng để tạo ra nhiều lợi ích khác như: biodiesel, thức ăn chăn nuôi, chất đốt... và nhiều thứ khác tùy theo mục đích sử dụng. “Cơ chế sinh trưởng của tảo tương tự một cây xanh lấy CO2 và thải ra O2 dưới ánh sáng.

Sau khi trải qua giai đoạn sinh trưởng khoảng 10-14 ngày, lúc đó sinh khối tảo đạt mức lớn nhất. Tảo được thu bằng các cách như ly tâm, điện phân keo tụ tuyển nổi. Đến giai đoạn này, có 2 hướng để sử dụng sinh khối. Đó là nếu sinh khối thu được có hàm lượng lipid cao sẽ được sử dụng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Nếu lượng sinh khối ít lipid thì sẽ được nén thành dạng viên (tương đương như viên năng lượng) sử dụng cho thức ăn chăn nuôi hoặc nhiên liệu đốt”, Vương cho biết.

Theo đó, kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cứ trên 1m3 nước thải sẽ thu được 1kg sinh khối. “Trong thời điểm hiện nay và tương lai, khi các nhà máy thủy sản được xây dựng nhiều, quy mô lớn, việc nuôi trồng vi tảo để xử lý nước thải là cần thiết và mang lại hiệu quả kép là vừa xử lý môi trường ô nhiễm, vừa đem lại thu nhập từ sản phẩm tảo”, Vương nói.

Điều đáng ghi nhận ở thành công của đề tài không chỉ về mặt NCKH mà còn là sự kết hợp giữa những sinh viên cùng đam mê bên ngoài khuôn khổ môi trường học thuật. Vương cho biết: “Vốn thích NCKH, từ khi vừa bước chân vào ĐH, em may mắn nhận được sự gợi ý ý tưởng từ TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, giảng viên Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, em bắt tay vào nghiên cứu và có nhiều bạn sinh viên cùng tham gia công trình này trong nhiều năm qua. Quá trình triển khai đề tài, chúng em nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn từ cô Xuân để hoàn thiện các bước nghiên cứu.

Gần đây, khi đang học văn bằng 2 ở Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, em được các giảng viên giới thiệu thêm cộng sự gồm các bạn Nguyễn Quang Hòa, Ngô Diễm Linh và Phạm Huỳnh Thiên An - cùng sinh viên chương trình liên kết ĐH Coventry và Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Chúng em cùng nhau tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề tài”.

Với tính ứng dụng thực tiễn cao, đề tài thuyết phục Ban giám khảo và nhận giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới tại Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam và Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức với giải thưởng lên đến 160 triệu đồng. Trở về sau cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, Vương cho biết, NCKH chỉ thực sự thành công khi áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, nhóm dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thực tiễn”.

Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới” của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam và Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, nhằm khuyến khích sinh viên và giới trẻ đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới, không những đòi hỏi có tính sáng tạo mà còn đóng góp, hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

PHAN VĨNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích