Tàu dừa chở bao mùa yêu thương

.

Hồi nhỏ, tôi thường theo ba đi dọc bờ tường Huyện đội, hoặc men theo con suối tìm những bóng dừa. Suốt tuổi thơ, con bé con lí lắc chân sáo chạy sau chân ba. Chiều hè, nắng đổ nghiêng nghiêng trên hai chiếc bóng. Những cây dừa nối nhau thành hàng thẳng tắp. Lá dừa xanh ngắt phủ mát rượi.

Mấy buồng dừa sai quả bám chặt vào nhau quanh ngọn. Ba cầm câu liêm gắn cán tre dài, khoèo xuống vài trái, gọt vỏ chặt đôi cho tôi uống nước. Đối với đứa con quê kiểng như tôi, trên đời này chẳng còn thứ nước nào mát lành, ngọt thanh như nước dừa. Dịu cơn khát, lại ngon vô cùng.

***

Những tàu dừa khô treo hờ hững trên thân cây, đầu lá lòa xòa sát đất. Ba dùng sức kéo giật thật mạnh, tàu dừa đứt liền thân, nằm bẹp dưới đất. Áo ba ướt mồ hôi, lòng bàn tay đỏ phồng lên. Nhưng trên gương mặt ba chưa một lần nhăn nhó khó chịu. Năm tháng đó, tôi làm chi biết được, để che mát một quãng đời của tụi tôi, ba đã gánh bao phần nặng nhọc. Cũng giống như những tàu dừa lá xanh, che mát mặt đất một thời, gánh nắng nôi để đến ngày già cỗi khô queo.

Gom từng tàu dừa, ba cầm tàu lá to, tôi ôm tàu lá nhỏ, kéo về nhà. Có đôi khi, tôi ngồi bệt trên bẹ dừa để ba kéo tàu lá sàn sạt suốt chặng đường quê. Hai tay tôi đưa ngang đẩy tới quạt lui như đang rẽ nước. Chiếc tàu dừa khô bỗng dưng biến thành con thuyền mái chèo chở đứa con út mà ba thương nhất nhà. Mỗi lúc đó, ba hay giả vờ mắng:

- Tổ cha mi! Cha già con mọn chơi vơi. Cha làm chết xác con chơi tối ngày.

Tôi làm như không nghe thấy, miệng liến thoắng hát “nhong nhong nhong”. Tiếng cười giòn tan khắp xóm.

***

Tàu lá dừa chất đầy sân, ba cầm rựa lụi cụi ngồi róc lá. Tôi loanh quanh bó lá dừa thành từng bó, siết chặt để khỏi bung, rồi ôm vào bếp chất thành đống cao ngút gần tới mái. Cứ thế, suốt mùa hè, những bó lá dừa được hai cha con tôi gom nhặt để dành. Phần bẹ tàu lá, ba rọc ra chặt khúc kê đầy giàn bếp. Đó là cách mà chúng tôi chuẩn bị củi lửa cho một mùa mưa bão kéo dài của năm.

Lá dừa khô rất nhanh cháy, dùng để mồi là bén lửa ngay. Mùi lá dừa cháy vương nơi làn tóc, thơm lạ lùng. Thứ mùi củi lửa an nhiên ấy mãi lưu lại trong ký ức, có thể làm lòng tôi xao động mỗi khi nhớ về.
Ba cũng thường dành dụm những mảnh gáo dừa khô, hoặc phơi khô vỏ dừa đợi mùa bão tới. Mặc kệ bên ngoài mưa gió, phía trong gian bếp, ba nhen lên hơi ấm bằng màu lửa đỏ rực. Những sợi xơ dừa say mê cháy đẹp như hoa lửa.

Chúng tôi sẽ lùa vào gáo dừa đang cháy vài củ khoai lang, dăm trái bắp nếp mà ba trồng ngày nắng. Đợi mùi khoai bắp chín thơm nức khắp gian bếp, tôi dùng đôi đũa gỗ dừa cơi than lấy củ ra lột vỏ ăn. Còn gì tuyệt bằng hít hà thưởng thức khoai mật, bắp ngọt nóng hổi trong một ngày mưa lạnh.

***

Ngày lớn lên, tôi chẳng còn lẽo đẽo theo bước chân ba, chỉ lo mải miết trên những đoạn đường mưu sinh nơi phố thị. Đôi lúc thèm quay quắt mùi củi lửa khói dừa quê nhà, vẫn hẹn lần khất lượt, mãi chẳng chịu về. Cho tới khi giật mình ngoảnh lại, ba tôi đã không ở đó đợi tôi nữa rồi.

Bây chừ trở lại quê, bóng dừa xưa vẫn che tôi mát rượi. Nhưng người đi kéo tàu dừa về làm củi chụm như ba tôi thì không còn ai nữa. Người người nhà nhà đều dùng bếp ga, bếp điện. Khó lắm mới tìm được vài bếp củi để dành sắc thuốc, đúc bánh xèo hay nấu bánh tét. Những đứa trẻ ngày nay cũng đã bỏ lỡ mất trò kéo xe tàu dừa thú vị của một thời.

Tôi nhìn quanh quất lên những tàu dừa khô mà ba từng chở bao mùa yêu thương chúng tôi, cảnh còn đó, vậy mà người thì đã đi đâu?

NY AN

;
;
.
.
.
.
.