Thuận tự nhiên

.

“Sống thuận theo tự nhiên” là câu nói của người xưa, hàm nghĩa vô cùng sâu sắc. “Thuận tự nhiên”/“giảm hóa chất” trở thành những cụm từ quen thuộc trong sản xuất nông nghiệp và lan sang cả phong cách sống của nhiều người. Có lẽ nó bắt nguồn từ nỗi sợ khi xung quanh, những can thiệp “phi tự nhiên” cứ mỗi lúc một nhiều lên và môi trường sống của con người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ những can thiệp đó. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, không một thứ gì gọi là “phế phẩm” bỏ đi, trái lại, mọi thứ phát sinh từ vòng đời sản phẩm đều được tái sử dụng trong vòng đời sản phẩm tiếp theo, giúp cây trồng hoặc vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh, hỗ trợ thêm độ màu mỡ cho đất và đất sẽ được nghỉ ngơi đủ để tái sinh dinh dưỡng chứ không phải bị khai thác đến mức kiệt quệ như thói quen làm nông nghiệp lâu nay. Quá trình nuôi trồng đó hoàn toàn không cần sử dụng đến phân hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng cũng như các loại thuốc hóa học khác. Đất màu mỡ là nhờ phân hữu cơ gắn với lối canh tác xen canh, luân canh để cho đất nghỉ. Trong đó, chất thải chăn nuôi, cành cây, lá cỏ, rác hữu cơ… được tận dụng trở thành phân bón nuôi dưỡng cây trồng. Những con vật nuôi “thuận tự nhiên” cũng được thoải mái sống theo bản năng, góp phần mình vào vòng chu chuyển tuần hoàn tự nhiên một cách nhẹ nhàng.

Đi dọc các vùng rau an toàn ở Hòa Vang bây giờ, nếu để ý sẽ thấy, tại mỗi vườn rau đều treo tấm bảng mi-ca trắng nho nhỏ, trên đó ghi chú cụ thể đối tượng sâu bệnh gây hại, cách phòng trừ, loại thuốc bảo vệ thực vật được dùng trên cây rau, ngày phun thuốc, ngày cách ly và cắt rau đem bán... Tại các vùng sản xuất rau sạch và an toàn như La Hường (quận Cẩm Lệ); Túy Loan (xã Hòa Phong), xã Hòa Phú, xã Hòa Khương (đều thuộc huyện Hòa Vang)…, bà con nông dân luôn tuân thủ việc không sử dụng các chất bảo vệ thực vật khi gieo trồng, sản xuất để giữ tiêu chuẩn nông sản sạch theo chuẩn VietGAP và sử dụng những loại phân hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng để bảo vệ môi trường đất, hạn chế thải độc hại ra môi trường…

Trong một lần chia sẻ về quá trình trồng rau sạch, bà Hồ Thị Trực (thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong) mở cuốn sổ lận trong túi áo ra đọc, ghi ghi chép chép. Bà bảo đó là sổ theo dõi rau. “Hộ nào ở đây cũng sắm cuốn sổ nhỏ này để tiện theo dõi vị trí phun thuốc, ngày phun thuốc, ngày cách ly,... của rau trên ruộng nhà mình”. Theo bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, ngành nông nghiệp huyện rất tích cực trong việc theo dõi, khuyến khích, hỗ trợ nông dân trong quy trình sản xuất, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho xã hội. Từ vụ mùa năm 2016, huyện Hòa Vang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát rau an toàn từ nguồn. Theo đó, mỗi sáng, cán bộ của các đơn vị chuyên môn (Trạm Bảo vệ thực vật, Hội Khuyến nông,...) đi kiểm tra các vùng rau nhằm phát hiện rau có sâu bệnh để xử lý kịp thời, theo dõi thời gian phun thuốc bảo vệ thực vật và thời gian thu hoạch của mỗi vườn.

Công nghệ cao là đột phá trong sản xuất rau ở Hòa Vang nhiều năm qua. Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan vừa thử nghiệm trồng 100m2 xà lách thủy canh được vài tháng nay. Trong đó, 1m2 trồng xà lách trên đất chỉ cho 2kg rau thương phẩm với giá bán 20.000 đồng/kg, trồng thủy canh đạt đến 3kg với giá rất đáng đầu tư là 30.000 đồng/kg. Sắp tới, Hợp tác xã triển khai đầu tư mở rộng 1.000m2 xà lách thủy canh.

Khi người tiêu dùng chọn “sạch” hơn “rẻ”, các vùng rau Hòa Vang sẽ có tương lai hơn, nếu biết vận dụng công nghệ cao vào sản xuất.

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.