Trận tập kích ở Nam Chơn qua một bài vè

.

Một bài vè lưu truyền trong dân gian tại làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) thường được các vị cao niên trong làng hát trong những đêm tế âm linh chiến sĩ vào Rằm tháng Giêng hằng năm những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, kể lại khá rõ nét trận tập kích của nghĩa binh Nghĩa hội Quảng Nam vào 2 đồn lưu trú của Pháp ở nhà trạm Nam Chơn lúc nửa đêm 28-2-1886.

Vịnh Sứng dưới chân đèo Hải Vân, nơi nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam tập kích 2 đồn lưu trú của Pháp ở nhà trạm Nam Chơn năm 1886. Ảnh: V.T.L
Vịnh Sứng dưới chân đèo Hải Vân, nơi nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam tập kích 2 đồn lưu trú của Pháp ở nhà trạm Nam Chơn năm 1886. Ảnh: V.T.L

Trận tập kích đã tiêu diệt toàn bộ quân đồn trú ở đây gồm Đại úy Besson chỉ huy và 6 hạ sĩ quan, binh sĩ tùy tùng người Pháp khác. Qua bài vè Thống Hay - Cai Cải chặt đầu Tây, tác giả dân gian thời ấy (có lẽ là người trong cuộc) đã thuật lại khá chi tiết về chiến công này.

Vè rằng: “Ngồi buồn xé giấy xếp chơi/ Bính Tuất xuân thời chẳng kể hàm hô/ Năm rồi thất thủ kinh đô/ Rần rần hội nghĩa phất cờ đánh Tây/ Tổng trên xã dưới theo đầy/ Vạn mành Hóa Ổ cũng “bình Tây sát tà”/ Mài dao chờ dịp xông pha/ Phen ni chẳng góp sức mà chung tay/ Cùng ông Cai Cải Thống Hay/ Chèo ghe ra Sứng chặt đầu Tây đem về/ Kể ra đã trọn câu thề/ Giết Tây, Tây khiếp, Tây ghê dân mình”.

“Bính Tuất xuân thời” là mùa xuân năm 1886, năm xảy ra trận tập kích ở nhà trạm Nam Chơn. “Năm rồi” là năm trước, ngày 5-7-1885 thất thủ kinh đô, từ đó Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập, cũng từ năm ấy ứng nghĩa Cần Vương phất cờ đánh Tây với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả”. Hóa Ổ là làng biển Nam Ô ngày nay.

Bài vè nổi lên hai nhân vật kiêu hùng Thống Hay và Cai Cải.

Thống Hay người làng Thanh Vinh (các nhà nghiên cứu về phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thường gọi là “Chiến tướng Hồ Học”), làm chức Lãnh binh của Nghĩa hội, được phân công phụ trách chỉ huy nghĩa quân của Nghĩa hội trong vùng Tây Bắc Hòa Vang, một vệt dài địa hình qua các làng An Ngãi, Thanh Vinh, Vân Dương, Trung Sơn, Quan Nam, Trường Định, Xuân Thiều, Thủy Tú, Nam Ô. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh tạo được nhiều chiến công vang dội, được nhân dân trong vùng gọi là Thống Hay với tình cảm tôn kính.

Cai Cải họ Bùi người làng Nam Ô, có võ nghệ cao cường, can đảm, gan dạ, là người cộng sự rất tâm phúc của ông Thống Hay. Hai ông đã lập được nhiều chiến công làm các quan Nam triều khiếp sợ và quan Pháp kiêng dè.

Bài vè kể khá chi tiết hoạt động của nghĩa quân: “Bữa rằm vạn tế âm linh/ Cúng cho chiến sĩ làng mình thác oan/ Mới chiều đã thấy rộn ràng/ Xóm Đình, xóm Quán, xóm Lăng đông người/ Quan Nam, Trường Định về chơi/ Trung Sơn, Thủy Tú khắp nơi xúm về/ Chờ coi hát bội, coi hề/ Chờ coi lễ tế bốn bề rưng rưng”.

Làng Nam Ô có tục lễ hội tế xuân vào đêm Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, tế các cô hồn chiến sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến đấu “ngự địch phòng biên” (chống địch, phòng thủ biên giới - ĐNCT) trước đó trong lịch sử. Có hát Bội, các trò chơi dân gian và các chiếu bạc nên dân ham đỏ đen tụ về rất đông. Lợi dụng sự nhộn nhịp của lễ hội, Nghĩa hội trong vùng dưới sự chỉ huy của Thống Hay đã tập kết về đây, qua mắt được những nhà chức trách đương thời.

“Bỗng nhiên trai tráng rùng rùng/ Từ trong đám tế lừng lừng bước ra/ Xếp vào hàng ngũ xông pha/ Ngực trần trai tráng sáng lòa dưới trăng/ Tiếng ông Cai Cải hung hăng/ Quyết vì hội nghĩa mà xen trận này/ Trước quân sừng sững Thống Hay/ Tiếng vang như sấm liền ngay lệnh truyền:/ “Trước sau như nhứt lời nguyền/ Vung dao múa kiếm giết thằng Tây phiên rửa hờn”/ Dạ râng, chia toán lên đường/ Xuống ghe nhổ đõi (phương ngữ, nghĩa là dây buộc thuyền - NV) chèo bươn khỏi bờ/ Loang loáng dưới ánh trăng mờ/ Nhắm Sứng chèo riết kịp giờ tấn công/ Trên dương dưới biển đồng lòng/ Ngậm tăm áp Sứng, Tây không biết gì”.

Cuộc chiến đấu bắt đầu: “Cai Cải lanh lẹ nhứt nhì/ Xông vào vật ngửa ôm ghì thằng Tây…”.

Trận chiến tiếp diễn, nghĩa quân với quân số áp đảo áp sát, vây chặt và phóng hỏa đốt đồn: “Đồn bên Tây bắn rất ghê/ Lửa khói tư bề mù mịt Nam Chơn/ Quân ta một dạ chẳng sờn/ Trên núi dưới biển đồng lòng chặt vây”.

Nghĩa quân dù bị tổn thất nhưng vẫn giữ vững đội hình tấn công: “Quân ta trúng đạn bộn ngay (phương ngữ, nghĩa là khá nhiều - NV)/ Đao kiếm vẫn xáp phanh thây quân thù/ Xông lên đâm chém lu bù/ Súng Tây lẹt đẹt một hồi rồi im…”.

Cuộc tập kích kết thúc thắng lợi, nghĩa quân rút lui an toàn. “Thống Hay thổi ốc thu quân/ Cai Cải lừng lừng xách cái đầu Tây/ Quân ta nghe lệnh truyền ngay/ Khiêng người bị đạn xuống ngay ghe mành/ Nhắm mom Hóa Ổ làng mình/ Canh ba chưa lụn đã nhanh tới bờ/ Âm linh vạn tế còn chờ/ Vừa xong lễ chánh đợi giờ đãi dân”.

“Cái đầu Tây” ở đây phải chăng là “cái đầu của Đại úy Besson được tìm thấy trong trường hợp tỏ ra lạ lùng trong phong tục An Nam” mà Jean Messon ghi trong biên bản điều tra về biến cố này, thời ấy.

Vè tiếp: “Bỗng nghe dưới bãi rần rần/ Trật nhìn đuốc sáng hai hàng dõng dân/ Thống Hay oai vệ nghiêm trang/ Cai Cải bưng tràng có cái đầu Tây/ Bước lên trên bãi sắp bày/ Thống Hay cung kính chắp tay tạ trời/ Âm linh chiêng trống ba hồi/ Như nhận lễ vật đầu loài Tây phiên/ Đã làm dân nước đảo điên/ Bao năm ni đã lòng riêng găm thù/ Thống Hay thổi tiếng ốc tù/ Như gửi lòng thù vút tận trăng thanh”. Và đó cũng là lệnh: “Nghĩa quân theo lệnh thu quân/ Biến vào đêm những con đường trăng soi”.

Bài vè là khúc tráng ca lịch sử, nổi lên hình tượng hùng tráng của chàng dũng sĩ Thống Hay, khi ưỡn ngực tay cầm chiếc tù và được tạo ra từ ốc biển, mặt hướng lên trời thổi vào trăng thanh của đêm rằm tháng Giêng vằng vặc giữa trời cao năm ấy. Hình tượng ấy và chiến tích Nam Chơn khó phai mờ trong lịch sử.

ĐẶNG DÙNG

;
;
.
.
.
.
.