XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ

Làm giàu trên quê hương

.

Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Cựu chiến binh Phạm Trí Toán bên ao cá trong trang trại kết hợp vườn-ao-chuồng của gia đình ông tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Ảnh: MAI HIỀN
Cựu chiến binh Phạm Trí Toán bên ao cá trong trang trại kết hợp vườn-ao-chuồng của gia đình ông tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Ảnh: MAI HIỀN

Học nghề điêu khắc đá rồi thành ông chủ

Đầu năm 1984, người thanh niên vừa bước sang tuổi 19 Trần Văn Xuất nhập ngũ tại Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, đóng quân tại đảo Trường Sa Đông thuộc Quần đảo Trường Sa. 3 năm sau, ông rời quân ngũ, đi làm ăn khắp nơi rồi trở về quê hương Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) sống bằng nghề đốn củi, đánh lưới. Sau khi lập gia đình, vợ ông bán rong đồ trang sức bằng đá cho khách du lịch, còn ông khai thác đá trên núi Ngũ Hành Sơn.

Năm 1990, thành phố cấm khai thác đá ở quận Ngũ Hành Sơn, ông Xuất học nghề điêu khắc đá. Tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ khi mài dao, đan giỏ ngoài đảo xa đã giúp ông học được cái nghề cần sự kiên nhẫn, sáng tạo này chỉ vỏn vẹn 4 tháng. Ông Xuất nhớ lại: “Thời gian đầu mới ra nghề, tôi gọi vài người bạn cùng nhau tạc tượng đá. Mỗi ngày, mỗi người kiếm được khoảng 80.000 - 90.000 đồng. Có lần, tôi đang tạc một tượng Phật thì có một khách nước ngoài ngỏ lời mua với giá 10 USD. Tôi nhận thấy nghề này rất có tiềm năng, người nước ngoài thích xem quá trình tạc tượng, rồi từ thích mà họ muốn mua tượng nên tôi thuê thêm nhân công cùng làm với mình”.

Đến năm 1995, ông Xuất mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thành lập Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Xuất Ánh với diện tích 200m2, sau vài năm tăng lên gấp đôi. Năm 2000, ông mở thêm cơ sở 2 với diện tích 4.800m2 và cơ sở 3 rộng 7.000m2. Hiện cơ sở 1 được dùng làm nơi trưng bày sản phẩm, cơ sở 2 làm kho kết hợp trưng bày và cơ sở 3 làm xưởng sản xuất. Doanh thu hằng năm đạt từ 10-15 tỷ đồng. “Từ năm 1990 đến cuối năm 1992, tôi dùng lượng đá đã khai thác tại Ngũ Hành Sơn từ trước năm 1990 còn tồn lại để tạc tượng bán. Khi lượng đá dần ít đi, tôi nhập đá từ Thái Nguyên. Từ năm 1996 đến nay, tôi nhập đá từ Nghệ An. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, Úc, Canada, Mỹ”.

Đồ họa: Thanh Huyền
Đồ họa: Thanh Huyền

Mô hình nuôi ếch

Tuổi đời trẻ hơn ông Xuất, CCB Vũ Công Thành (43 tuổi) là một trong những tấm gương điển hình về người CCB làm kinh tế giỏi tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với mô hình nuôi ếch. Năm 1998, ông Thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 574 (nay là Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 574), Quân khu 5, đóng quân tại Hương An (tỉnh Quảng Nam). 3 năm sau ông xuất ngũ, sống bằng nghề lắp đặt ống xử lý nước thải. Năm 2015, nhận thấy con lươn có giá trị kinh tế cao, ông nuôi thử nghiệm nhưng rồi thất bại. Ông Thành tiếp tục vào mạng internet học cách nuôi ếch, đồng thời tìm đến những trại nuôi ếch ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) học hỏi thêm và chuyển sang nuôi ếch từ đó đến nay.

Từ diện tích hồ ban đầu khoảng 100m2, 6 năm trôi qua, diện tích hồ nuôi ếch của ông Thành tăng lên gấp 10 lần. Mỗi năm ông nuôi 2 lứa, tổng doanh thu hằng năm từ 150 - 200 triệu đồng. Ông Thành chia sẻ: “Ban đầu, tôi mua ếch giống ở trại ếch tại xã Hòa Phong, nhưng nuôi đến năm thứ ba, tôi quyết định nghiên cứu, tìm hiểu cách tự phối giống để chủ động về nguồn ếch giống. Sau vài lần thất bại, tôi cũng đã nhân giống thành công”. Song song với nuôi ếch, ông Thành còn kết hợp nuôi cá trê.

Làm trang trại kết hợp chạy xe chuyển vật liệu xây dựng

Ở một câu chuyện khác, năm 1979, CCB Phạm Trí Toán (SN 1961) khi ấy vừa tròn 18 tuổi từ vùng quê Thanh Hóa vào Đà Nẵng nhập ngũ tại Kho K714, Cục Kỹ thuật Hải quân. Trong một lần về xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) làm công tác dân vận, ông Toán nên duyên vợ chồng với cô gái ở Hòa Khương và gắn bó với xã này từ sau khi xuất ngũ vào năm 1982 đến nay.

Nhớ lại những năm tháng khó khăn sau ngày xuất ngũ, ông Toán kể: “Khoảng năm 1984-1985, vợ chồng tôi bỏ ra hơn một chỉ vàng mua một cặp bò về nuôi. Năm 2009, từ một cặp bò ban đầu, vợ chồng tôi có được một đàn bò khoảng hơn 20 con. Sau vợ chồng tôi bán bò, chuyển sang nuôi heo, kết hợp nuôi gà, cá, trồng keo”. Ban đầu, ông Toán nuôi heo thịt thương phẩm, gà công nghiệp rồi chuyển sang nuôi heo rừng, gà ta và nhiều loại cá nước ngọt. Hiện trang trại kết hợp vườn, ao, chuồng của ông Toán có tổng diện tích 7.500m2, hơn một nửa được trồng keo và chăn nuôi. Hằng năm, từ mô hình trang trại kết hợp với việc chạy xe dịch vụ chuyên chở vật liệu xây dựng đem lại cho gia đình ông Toán nguồn thu khoảng 200 triệu đồng.

Cuộc sống sau ngày xuất ngũ khó khăn là vậy, nhưng những người CCB như ông Xuất, ông Thành, ông Toán cũng như nhiều CCB khác đã vượt lên khó khăn, làm kinh tế giỏi, trở thành tấm gương sáng để hội viên CCB học tập và làm theo.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.