Hệ lụy từ việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 bất bình đẳng

.

Theo một nghiên cứu lớn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đầu tuần này, nếu các nước nghèo không được tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19, các nước giàu sẽ đối mặt với những tổn thất kinh tế từ đó.

Anh Hernando Valiente, nhân viên tại nhà dưỡng lão Ballesol, được tiêm liều thứ hai vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech vào ngày 25-1-2021 khi đại dịch tiếp tục lây lan ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Anh Hernando Valiente, nhân viên tại nhà dưỡng lão Ballesol, được tiêm liều thứ hai vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech vào ngày 25-1-2021 khi đại dịch tiếp tục lây lan ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Trong khi giữ độc quyền nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19, các nước giàu đang tiệm cận tình huống còn hơn thảm kịch nhân đạo. Tác động tàn phá, hủy diệt về kinh tế của đại dịch Covid-19 đối với các nước giàu cũng nặng nề không kém các nước đang phát triển, bất chấp tình trạng chủng ngừa vắc-xin của các nước giàu có thể ở quy mô lớn hơn nhiều, thậm chí đạt 100%.

Độc quyền vắc-xin

Trong viễn cảnh cực đoan nhất, tới giữa năm nay, các nước giàu có thể hoàn tất việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn dân, nhưng phần lớn các nước nghèo vẫn chưa thể triển khai tiêm chủng. Nghiên cứu nhận định: Lúc đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ gánh chịu tổn thất hơn 9.000 tỷ USD, con số lớn hơn GDP thường niên của Nhật Bản và Đức gộp lại. Đáng chú ý khi gần một nửa mức tổn thất kinh tế ước tính đó rơi vào các nước giàu như Mỹ, Canada và Anh.

Trong một viễn cảnh khác mà giới nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng sẽ diễn ra, đó là tới cuối năm nay, các nước đang phát triển có thể tiêm được vắc-xin cho người dân nước họ. Ở kịch bản này, kinh tế thế giới cũng sẽ vẫn bị tổn thất khoảng từ 1.800 - 3.800 tỷ USD. Và một lần nữa, hơn một nửa mức tổn thất dự kiến ấy vẫn tập trung ở các nước giàu.

Từ đây, nghiên cứu kết luận, việc phân phối bình đẳng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu là lợi ích cho mọi quốc gia, nhất là với những nước có nền kinh tế lệ thuộc chủ yếu vào hoạt động thương mại.

Nghiên cứu bác bỏ quan niệm đang phổ biến cho rằng việc chia sẻ vắc-xin Covid-19 với các nước nghèo chỉ là hoạt động thiện nguyện. “Rõ ràng mọi nền kinh tế đều liên quan nhau”, GS. Selva Demiralp, nhà kinh tế học tại Đại học Koc ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cựu nhân viên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), và cũng là một trong những tác giả của nghiên cứu vừa nêu, bày tỏ quan điểm. “Không có nền kinh tế nào có thể phục hồi hoàn toàn trừ khi các nền kinh tế khác đều có thể hồi phục”, bà Selva Demiralp nói.

GS. Demiralp cũng nhắc đến một sáng kiến thiện nguyện toàn cầu có tên ACT Accelerator nhằm cung cấp các nguồn lực cho các nước đang phát triển trong đại dịch Covid-19. Sáng kiến này tới nay đã nhận được cam kết hỗ trợ gần 11 tỷ USD trong mục tiêu kêu gọi 38 tỷ USD.

Có một quan niệm phổ biến đáng ngạc nhiên cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ lây lan tùy từng nước, tùy từng chủng tộc và giai cấp. Có lẽ một phần nguyên nhân thúc đẩy quan niệm sai lầm này là trên thực tế, số người chết vì Covid-19 và những người bị ảnh hưởng nặng nhất (thất nghiệp, sụt giảm thu nhập) thuộc nhóm lao động thu nhập thấp, đặc biệt là những cộng đồng sắc tộc thiểu số, trong khi giới lao động văn phòng (cổ cồn) vẫn có thể làm việc từ xa an toàn và những người giàu nhất thế giới vẫn tăng thêm tài sản thời gian qua.

Tuy nhiên, mọi nghiên cứu khoa học đến nay đều khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa, không ai tránh khỏi việc bị ảnh hưởng đại dịch. Các chuỗi cung cấp toàn cầu thiết yếu cho các ngành công nghiệp và thương mại sẽ tiếp tục đứt gãy trong thời gian tới nếu không thể kiểm soát đại dịch.

Khoét sâu khoảng cách giàu nghèo

Đứng sau nghiên cứu nói trên là một nhóm các nhà kinh tế học có liên kết với Đại học Koc, Đại học Harvard và Đại học Maryland. Họ đã xem xét dữ liệu thương mại của 35 ngành công nghiệp tại 65 quốc gia để phân tích về hậu quả nền kinh tế thế giới trong tình trạng bất bình đẳng tiếp cận vắc-xin Covid-19. Nếu người dân ở các nước đang phát triển không thể quay trở lại công việc vì các lệnh phong tỏa phòng dịch, họ sẽ không có nhiều tiền để chi tiêu, tất yếu sẽ không thể mua sắm các hàng hóa do các nước ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á xuất đi. Các công ty đa quốc gia tại các nước phát triển cũng sẽ chật vật hơn khi muốn mua các linh kiện, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Vấn đề trung tâm trong câu chuyện này còn là một thực tế phổ biến hiện nay, hầu hết hoạt động thương mại quốc tế không chỉ liên quan tới những hàng hóa đã thành phẩm, mà còn là nhiều bộ phận được vận chuyển từ nước nọ sang nước kia để lắp ráp thành các sản phẩm khác nhau. Cụ thể, trong số tổng giá trị thương mại 18.000 tỷ USD năm ngoái, các hàng hóa trung gian như vừa đề cập chiếm tới 11.000 tỷ USD, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Bởi vậy, nếu đại dịch tiếp diễn ở các nước nghèo, chắc chắn sẽ là viễn cảnh tồi tệ nhất cho các ngành công nghiệp vốn lệ thuộc vào các nhà cung cấp trên toàn thế giới, trong đó có thể liệt kê các nhóm ngành như ô-tô, dệt may, xây dựng và bán lẻ.

Đại dịch cũng sẽ khiến nền kinh tế thế giới trở nên bất bình đẳng hơn bao giờ hết, khoảng cách giàu nghèo lại tiếp tục bị khoét sâu và rộng thêm. Một khảo sát toàn cầu mới của Oxfam với 295 nhà kinh tế học đến từ 79 quốc gia cho thấy, 87% số người được hỏi dự đoán bất bình đẳng thu nhập ở nước họ sẽ “tăng” hoặc “tăng mạnh” do hậu quả của đại dịch. Báo cáo của Oxfam vừa công bố ngày 25-1 cũng chỉ ra rằng, Covid-19 có nguy cơ khiến bất bình đẳng kinh tế đồng loạt gia tăng ở hầu hết các quốc gia - điều chưa từng xảy ra trong hơn một thế kỷ gần đây.

Bất bình đẳng gia tăng đồng nghĩa với việc phải rất lâu để người nghèo trên thế giới có thể trở lại cuộc sống như trước đại dịch, lâu gấp 14 lần so với khoảng thời gian để 1.000 tỷ phú giàu nhất, chủ yếu là nam giới da trắng, khôi phục tài sản của mình.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Reuters, NYT, FT)

;
;
.
.
.
.
.