Kinh tế tuần hoàn - mô hình phát triển bền vững cho doanh nghiệp Đà Nẵng

.

Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị xác định, đến năm 2030, quy mô dân số Đà Nẵng phải đạt khoảng 1,5 triệu dân, GRDP đạt hơn 2% trong tổng GDP quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã xác định lại tỷ lệ cơ cấu kinh tế thành phố. Theo đó gia tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giữ ổn định cơ cấu dịch vụ-du lịch, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Từ đó đặt ra cho Đà Nẵng yêu cầu bức thiết, manh tính thời sự đó là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, mà trước hết là cơ cấu lại hàng hóa xuất khẩu trên cơ sở khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP… mang lại. Trong đó, kinh tế tuần hoàn- mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng.

Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng.  Ảnh: KIM LIÊN
Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: KIM LIÊN

Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Trong đó, duy trì và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát các tài sản hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo với các mức độ là phục hồi, chuyển hóa, trao đổi; tối ưu hóa năng suất tài nguyên thông qua tuần hoàn các sản phẩm, các linh kiện và vật liệu để sử dụng được ở mức độ cao nhất; thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực.

Kinh tế tuần hoàn có nhiều cách tiếp cận khác nhau, theo cấp độ được chia thành ba cấp: Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Ở cấp độ vừa, kinh tế tuần hoàn bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác. Ở cấp độ cao, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế, giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng, tiến tới không có chất thải.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng, nhất là khi nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta hiện nay đang bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng do hoạt động khai thác một cách bừa bãi, cùng với việc sử dụng tài nguyên lãng phí. Kinh tế tuần hoàn hội tụ 4 lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải ngành này thành nguồn nguyên - vật liệu của ngành kia, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải do con người sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở
Việt Nam.

Ngày 24-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, xác định mục tiêu là thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiểu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm bền vững, thúc đẩy lối sống bền vững, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Để đạt được mục tiêu tổng quát nói trên, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng đã đề xuất các nhóm nội dung ưu tiên để triển khai thực hiện đến năm 2030, trong đó, mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, xuyên suốt trong các nhóm nội dung ưu tiên.

Có thể nói rằng, kinh tế tuần hoàn là “cánh cửa” đưa Việt Nam phát triển bền vững và cũng được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây và là động lực, cơ hội để thúc đây phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm xây dựng phát triển kinh tế bền vững là một xu hướng tất yếu, khách quan, là một đòi hỏi bức thiết, mang tính thời sự trong thời đại kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam nói chung và nhất là tại thành phố Đà Nẵng nói riêng. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm giải pháp thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu và khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và tiêu dùng bền vững hướng đến xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là một tất yếu để thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: Circular economy - CE) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế, nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.

TS. LÊ ĐỨC VIÊN

;
;
.
.
.
.
.