Nghiên cứu khoa học, ươm tạo khởi nghiệp

.

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng tại Đà Nẵng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong giới sinh viên (SV), thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), sáng tạo qua hàng trăm đề tài có tính ứng dụng cao, hữu ích cho cuộc sống. Với 10 CLB khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ra đời, các trường hình thành nên những “bà đỡ” mát tay giúp SV vươn xa hơn. 

Sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham gia Techshow 2021 ngày 17-1-2021. (Ảnh do Trường ĐH Bách khoa cung cấp)
Sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham gia Techshow 2021 ngày 17-1-2021. (Ảnh do Trường ĐH Bách khoa cung cấp)

Những sáng chế hữu ích

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết ở một số tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là thói quen không buông màn khi ngủ. Theo thống kê, hiện có gần 21 triệu người mắc huyết áp cao nhưng số người biết mình bị tăng huyết áp và tuân thủ điều trị chỉ chiếm 1/3. Việc chăm sóc giấc ngủ của nhiều người cũng khá hời hợt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hay hội chứng ngừng thở khi ngủ...

Quan tâm hiện trạng trên, dự án giường ngủ thông minh của nhóm SV Lê Thị Thu Ngân, Phan Trung Hiếu, Lê Nguyễn Văn Dương, Phan Văn Thịnh, Nguyễn Trương Nhật Tân (Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng) ban đầu cung cấp hệ thống buông màn tự động, hạn chế tình trạng bị muỗi đốt khi ngủ, thông qua đó giảm số ca sốt xuất huyết. Sau đó, các bạn nghiên cứu thêm nhiều chức năng, bộ cảm biến của giường kết nối công nghệ, ID người dùng, biến chiếc giường ngủ cá nhân của người dùng thành giường ngủ thông minh.

Giường ngủ thông minh hiện tích hợp khá đầy đủ các tính năng được lựa chọn như buông/ xếp màn tự động theo trạng thái ngủ/ thức của người dùng; đo đạc, đánh giá, lưu trữ, báo cáo các thông số sức khỏe (nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt, tần suất cử động). Giường ngủ thông minh đánh giá chất lượng giấc ngủ, đưa ra một số lời khuyên, cảnh báo các chỉ số bất thường kéo dài, cảnh báo khi phát hiện nguy cơ đột tử hoặc chứng ngừng thở khi ngủ của người dùng. Những thông tin này lưu trữ và gửi cho người dùng qua app, để họ đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe kịp thời.

Mới đây, nhóm nghiên cứu phát triển thêm 2 tính năng: phát cảnh báo tự động và vật lý (báo cho người thân và có nút nhấn ở đầu giường nếu muốn giúp đỡ). Phan Văn Thịnh (SV năm cuối khoa Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Duy Tân), đại diện nhóm dự án cho biết, hiện sản phẩm hoàn thiện ở bước 3, 4. “So với các sản phẩm giường ngủ thông minh trên thị trường hiện nay, lợi thế sản phẩm là kết hợp cả yếu tố chăm sóc sức khỏe lẫn tiện nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, thói quen và mức sống của người Việt; có thể phân tích và cảnh báo các chỉ số bất thường, đặc biệt là nguy cơ đột tử; tạo ra sản phẩm thông minh ngay trên chiếc giường ngủ cá nhân của người dùng”, Thịnh cho biết.

Năm 2019 và 2020, sản phẩm giường ngủ thông minh đoạt nhiều giải thưởng của thành phố và Trung ương. “Nhóm chúng em muốn sản phẩm tham gia một cuộc thi khởi nghiệp mang tầm quốc tế để ý tưởng có sự công nhận của thế giới, từ đó có thể kết nối với nhà đầu tư hoặc bán ý tưởng cho nhà sản xuất”, Thịnh bày tỏ. Hiện nay, giá thành để làm nên giường ngủ thông minh khoảng 25 triệu đồng, trong tương lai sẽ giảm còn khoảng 9 triệu đồng. Các bạn cũng đặt ra mục tiêu nếu đưa vào sản xuất thì từ năm thứ nhất sẽ sản xuất 1.400 sản phẩm.

Tại Hội nghị Học sinh - Sinh viên nghiên cứu khoa học và triển lãm công nghệ 2021 của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) được tổ chức cuối tuần trước, có 61 sản phẩm công nghệ và 57 poster đăng ký tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm của các đề tài SV NCKH. Nhiều đề tài của SV được doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư, phần mềm nghiên cứu. Có thể kể đến các đề tài tiêu biểu như: Máy rửa xe tự động, Robot gắp thức ăn sử dụng tay gắp mềm và xử lý ảnh, Sản phẩm Chè lá An Bằng...

“Bà đỡ” cho sinh viên

Triển lãm Công nghệ của SV Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) - BKĐN Techshow là hoạt động thường niên, là cơ hội tốt để SV trình diễn các sản phẩm nghiên cứu của mình, chia sẻ ý tưởng, kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu. Năm 2020, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã nghiệm thu, đặt hàng nghiên cứu đối với 3 đề tài nghiên cứu tiềm năng do SV thực hiện: đề tài chế tạo máy đúc thấu kính quang học ứng dụng trong chiếu sáng; đề tài chế tạo thiết bị đeo theo dõi và phát hiện nhịp tim bất thường; đề tài chế tạo thiết bị vệ sinh tự hút bụi và lau sạch hành lang.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho hay, phần lớn sản phẩm NCKH của SV đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp. “Tôi đánh giá cao và tự hào về các kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học của các em. Các em đã thể hiện sự thông minh, tính sáng tạo và trách nhiệm xã hội cao, tập trung vào các thiết bị, sản phẩm phục vụ hoạt động khởi nghiệp, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và các hướng nghiên cứu về công nghiệp 4.0”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.

Ngoài nhà trường, qua sự kết nối của trường và giảng viên, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ một phần không nhỏ giúp các đề tài NCKH của SV thực hiện thành công. Anh Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Khởi nghiệp, Trường ĐH Duy Tân cho biết, từ CLB Khởi nghiệp được thành lập năm 2015, đến nay đã nâng lên thành Trung tâm, các hoạt động hỗ trợ SV khởi nghiệp cũng được tổ chức bài bản, quy cũ hơn. Năm 2019, Trường ĐH Duy Tân xem khởi nghiệp là sứ mệnh của nhà trường, là một trong những mục tiêu hình thành trường ĐH khởi nghiệp.

Tại cuộc thi khởi nghiệp thường niên dành cho SV - Hult Prize (một phong trào/ cuộc thi khởi nghiệp dưới sự bảo trợ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, dành cho sinh viên toàn thế giới), được ví như “Nobel khởi nghiệp dành cho sinh viên”, năm 2019, dự án “Worky - phần mềm hỗ trợ kết nối giữa nhà hàng, khách sạn và người trẻ để giải quyết nhu cầu việc làm” của sinh viên nhà trường lọt vào top 7 vòng chung kết khu vực Đông Nam Á mở rộng.

“Sau các cuộc thi, nhiều dự án chưa triển khai được vì SV chưa đạt độ chín để có thể nghiên cứu nhu cầu người dùng, phát triển sản phẩm ra thị trường, cũng như chưa có nguồn quỹ đầu tư. Về phần nhà trường, Phòng Hợp tác doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường nếu có công ty đầu tư hoặc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ”, anh Kiên cho biết thêm.

Trung tâm Khởi nghiệp ĐH Duy Tân đang hỗ trợ 7 sản phẩm khởi nghiệp của SV. “Với sản phẩm mang nhiều tính khả thi, Trung tâm đề xuất với nhà trường hỗ trợ để giúp SV ra được sản phẩm mẫu, trị giá 60-70 triệu đồng/sản phẩm mẫu. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sẵn sàng kết nối với Trung tâm để hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp”, anh Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã đưa vào giảng dạy môn “Khởi sự kinh doanh” từ cách đây gần 10 năm, xóa bỏ quan niệm khởi nghiệp là phong trào, mà coi đây là giải pháp để phát triển, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa thúc đẩy hoạt động nghiên cứu gắn với kết nối doanh nghiệp. Từ năm 2016, Trường ĐH Kinh tế  phối hợp với các trường ĐH trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên và Viện Công nghệ Cork dưới sự tài trợ của Chính phủ Ireland tổ chức các cuộc thi SV với ý tưởng khởi nghiệp.

Năm 2020, nhóm Futuristic Microalgae gồm các SV của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đoạt giải Nhất trị giá 160 triệu đồng tại cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (German Business Association - GBA, thuộc Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức - DAAD) tổ chức với ý tưởng nuôi một loại tảo có thể hút chất bẩn từ việc chế biến thủy sản sau đó tạo ra năng lượng.

PGS.TS Đặng Hữu Mẫn, Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế cho hay, trường từng bước trở thành nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động nhằm truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của SV; tổ chức các cuộc thi nhằm tìm và nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp; hỗ trợ các dự án, ý tưởng ngày càng hoàn thiện hơn, giúp SV có thể khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp.

HIỀN LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích