Người già chơi "phây"

.

Một ngày, mấy chị em ngỡ ngàng khi có tài khoản mạng xã hội facebook kết bạn với nick “Bà của các cháu”. Không cần kiểm tra gì nhiều, nhìn sơ qua tấm ảnh đại diện, thấy đầy đủ mặt quen là biết của ai. Đó là tấm ảnh gia đình chụp vào dịp Tết vừa rồi, mẹ dùng làm ảnh avatar (ảnh đại diện).

Đứa em gái tôi giãy nảy: “Chị nói mẹ đi, lên “phây” (facebook) làm gì, nơi đó phức tạp ghê lắm, mẹ già rồi…”. Tôi cũng thấy mạng xã hội phức tạp thật, có nhiều ngôn từ mà người lớn tuổi khó tiếp nhận. Một lần, tôi nghe một nhà thơ ở độ tuổi 70 phàn nàn về câu cú trong phần comment (bình luận) không hẳn của những em tuổi teen, mà độ tuổi U40. Tôi hỏi cụ thể, nhà thơ tận tình kể, anh ấy sốc khi thấy comment của cô gái, đại loại như “chơi tới bến luôn; tới luôn đi, tuổi này rồi còn sợ gì…”. Những câu nói mà trong tình cảnh của status (dòng trạng thái), có thể thấy bình thường, chỉ là để bạn bè tếu táo với nhau, hẳn nhiên tôi cũng sẽ không dùng những ngôn từ như vậy. Nhưng tôi nhận ra một sự thất vọng không ít trong ánh mắt nhà thơ.

Một trường hợp khác, bác tôi ở nước ngoài đến tuổi già cũng tạo tài khoản trên “phây” để kết nối với con cháu ở quê hương. Một lần, bác bình luận ở hội, nhóm đồng hương về một tấm gương sáng đáng biểu dương. Ngôn từ của bác từ lâu vẫn nhã nhặn, chừng mực: “Thật mừng khi quê hương có người con như cháu, một người con mà ai cũng mong muốn có được…”. Liền khi ấy, một nick khác trả lời bác: “Ăn ở có đức đi rồi gì cũng được”. Cả tôi và em gái đều tham gia hội, nhóm nên thấy comment ấy. Từ dạo đó, không còn thấy bác trong hội, nhóm. Tôi hiểu bác cũng sốc với những lời bình luận thiếu thiện chí.

Tôi gọi điện, nhẹ nhàng nói với mẹ về những gì tôi và em lo lắng khi mẹ chơi “phây”. Mẹ chỉ nói mẹ già rồi, quanh quẩn vườn tược cũng chán nên nhờ người lập tài khoản kết bạn với con cháu cho đỡ buồn. Ngày ngày vô xem hình ảnh của con cháu cũng bớt nhớ mong phần nào, ngày cũng đỡ dài hơn... Tôi thôi không nói nữa vì thấy mẹ nói cũng có lý. Con cái ở xa, cả cuộc gọi cũng thưa dần với những tất bật của cuộc sống. Tôi từng nghĩ và lo sợ đến tuổi già của mình không biết sẽ ra sao. Mỗi ngày đi làm, tôi đi qua con hẻm toàn người già. Những cụ già ngồi trong căn nhà ống có cửa sát lề đường, dựa lưng nhìn ra ngoài, da nhăn nheo và ánh mắt nhíu lại mỗi lần tập trung nhìn gì đó cho rõ hơn.

Lần khác, tôi đi làm về đến cửa chung cư, một cụ già ngày nào cũng ngồi ở bãi xe giữ tay tôi lại và hỏi: “Đi làm vậy có đủ tiền nuôi con không?”. Tôi thấy chạnh lòng, hình như người già họ không còn bất cứ sợi dây nào kết nối với bên ngoài để thấy dòng chảy ngồn ngộn ngoài kia ra sao nữa.

Anh trai tôi bảo, từ ngày mẹ chơi “phây”, anh yên tâm hẳn. Hỏi yên tâm sao thì anh nói anh thường dõi theo mẹ qua messenger (tin nhắn), khi thấy tín hiệu sáng đèn là biết mẹ ở trên ấy. Một lần, anh phát hiện cả ngày không thấy mẹ online, anh gọi về thì đứa em họ ở nhà kế bên bắt máy, nó nói bác bị cảm, chắc chuyển mùa nên cảm cúm thông thường thôi, bác dặn không được báo với các anh chị ở xa kẻo các anh chị lo…

Anh nói mẹ còn like, comment, thả tim… là mừng lắm, vì chỉ khi sức khỏe tốt thì mẹ mới lên “phây”. Hóa ra, “phây” còn có tác dụng khác như vậy. Mạng xã hội facebook không chỉ là nơi ồn ào, phức tạp, ở một góc nào đó, còn là nơi kết nối, thông tin, thể hiện sự quan tâm của những miền yêu thương. “phây” vì vậy, không chỉ là nơi dành cho những người trẻ.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.