Nuôi dưỡng nguồn cảm xúc tích cực

.

Thế giới ngày càng biến động với muôn vàn thách thức khó lường, những thông tin tiêu cực từ biến đổi khí hậu đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội và nặng nề nhất là sự tấn công của đại dịch Covid-19 liên tục lan truyền dưới thời 4.0. Thế hệ trẻ ngày nay đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức của thế giới họ đang sống, vậy làm cách nào để cân bằng nội tâm giữa những xáo trộn của thời đại?

Gia tăng kết nối với gia đình là cách để nuôi dưỡng cảm xúc và nguồn năng lượng tích cực. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Gia tăng kết nối với gia đình là cách để nuôi dưỡng cảm xúc và nguồn năng lượng tích cực. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Giữ góc nhìn mạch lạc

Trong đại dịch, người ta thường nói nhiều đến cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng vấn đề khủng hoảng tinh thần cũng rất đáng được quan tâm, nhất là đối với người trẻ. Việc học hành, thi cử bị trì hoãn, mất việc làm, khởi nghiệp thất bại…, những áp lực dồn dập dễ khiến bất cứ ai gục ngã nếu không có tâm thế và bản lĩnh vững vàng. Để kiểm soát sức khỏe tinh thần, giữ vững niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn và rèn luyện kỹ năng phục hồi, người trẻ cần nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề và bình tĩnh tìm phương cách giải quyết. Theo lời khuyên của các nhà tâm lý học, trong tình huống khó khăn kéo dài như hiện nay, chúng ta nên phân loại vấn đề thành hai nhóm: “những điều tôi có thể thay đổi (1)” và “những điều tôi không thể thay đổi (2)”, sau đó cố gắng tập trung vào nhóm 1 và “lờ” nhóm 2 đi. Đừng cố kiểm soát những tác động khách quan, bởi đơn giản đó là việc không thể, thay vào đó hãy cố gắng kiểm soát phản ứng của bản thân trước những sự việc ấy.

Cách duy nhất để bạn thoát khỏi cảm xúc bế tắc là dũng cảm đối mặt với nó. Chia sẻ trên các kênh truyền thông, Châu Bùi - một fashionista, influencer (người định hướng thời trang, người có sức ảnh hưởng) nổi tiếng của Việt Nam nhìn nhận từ chính kinh nghiệm của bản thân: “Cuộc sống luôn có những biến cố và khó khăn mà mình không lường trước được, cũng như những mục tiêu đặt ra đôi khi không đúng với kế hoạch ban đầu. Đó là chuyện hết sức bình thường, cái quan trọng bạn phải biết được vấn đề nằm ở đâu và qua mỗi lần như vậy thì bản thân rút ra được bài học gì, khi còn trẻ, bạn có rất nhiều cơ hội để thử sức và trải nghiệm…”.

Cùng suy nghĩ đó, Top “30 Under 30” châu Á năm 2020 do Tạp chí Forbes bình chọn, Zean Võ - người đồng sáng lập và điều hành Browzzin - một công ty công nghệ thời trang đặt trụ sở tại London (Anh) và Singapore, đồng thời là co-founder (người đồng sáng lập) các dự án phát triển cộng đồng của TheFace Magazine Vietnam cho rằng: “Khó khăn lớn nhất chính là đối diện và quản lý năng lượng, cảm xúc của mình” và nhắn nhủ những người trẻ: “Hãy nói “yes” với thử thách và cứ nhảy vào chúng. Hãy luôn để ý đến nguồn năng lượng trong bạn và tìm cách tái tạo nguồn năng lượng tích cực. Nếu bạn không tích cực, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều và bạn khó mà tạo niềm hứng khởi để tìm ra giải pháp”.

“Đường về nhà là vào tim ta”

Gần đây, tôi thường xuyên nhìn thấy những chia sẻ đầy tâm trạng của các bạn trẻ trên facebook, họ nói rằng đại dịch khiến họ nhận ra nhiều điều, nhất là lòng người. Thực chất vấn đề trước giờ vẫn vậy, chỉ là những phù phiếm, hào nhoáng của đời sống dễ khiến người trẻ bỏ quên những giá trị đời thường. Nói cách khác, khó khăn, hoạn nạn là lúc để họ có cơ hội nhìn nhận mọi điều. Nhưng hãy nhìn theo hướng tích cực, việc che giấu những cảm xúc chán chường hay thất bại không phải là điều nên làm. Marketa Wills và Carlin Barnes - 2 bác sĩ tâm thần học người Mỹ và là đồng tác giả cuốn sách Understanding Mental Illness - Hiểu về sức khỏe tinh thần khuyên cho người trẻ: Có những cách giúp giúp ta vượt qua nỗi đau nhanh chóng nhất đó là gia tăng thay vì ngắt kết nối. Tâm sự với người thân trong gia đình và bạn bè về những vấn đề mà bản thân đang trải qua chính là một trong những cách cải thiện cảm xúc hữu hiệu nhất.

Ra mắt vào cuối năm 2020, ca từ tươi sáng, mộc mạc, chân thành trong bài hát Đi về nhà của nhạc sĩ, ca sĩ Đen Vâu và Justatee nói hộ nỗi lòng của rất nhiều người trẻ xa xứ hướng về gia đình, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn như hiện tại: Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta, Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà. Khi người trẻ ngân nga những giai điệu này, họ thấy tâm hồn nhẹ nhàng, ấm áp hơn, mọi thứ thu bé lại bằng đúng con đường trở về nhà, trở về với những điều chân chất, tự nhiên, gần gụi nhất, nơi có khả năng chữa lành mọi vết thương tinh thần.

Điều này cũng lý giải vì sao xu hướng du lịch gia đình, du lịch nhiều thế hệ “lên ngôi” thời gian gần đây. Không cần đi đâu xa, chẳng phải “chạy đua” quá nhiều giữa các điểm đến, cũng không cần “sống ảo” theo trào lưu, người trẻ ngày càng theo đuổi xu hướng du lịch chậm rãi và sâu sắc hơn, cũng là cách để họ hòa hợp hơn với ông bà, cha mẹ, người thân của mình và cùng tìm niềm vui chung. Dịch bệnh khiến họ thêm trân quý những hạnh phúc giản đơn, giúp họ định hình, cân bằng lại các mối quan hệ. Đó là tiền đề quan trọng để họ nuôi dưỡng nguồn cảm xúc tích cực, “đương đầu” với mọi đổi thay, biến động của cuộc đời.

AN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.