Phong tục đón Tết

.

Phong tục đón Tết, lễ Tết, ăn Tết, mừng năm mới có từ xa xưa và là ngày lễ duy nhất trên thế giới có tính toàn cầu, nhưng được tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau, theo từng nước, từng dân tộc.

Những phong bì mừng tuổi được bày bán trên đường phố dịp trước Tết Nguyên đán.
Những phong bì mừng tuổi được bày bán trên đường phố dịp trước Tết Nguyên đán. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Ngày nay, nhiều nước đón mừng năm mới vào ngày đầu tháng Giêng năm dương lịch. Ở Việt Nam, Tết dương lịch được gọi là Tết Tây (của các nước phương Tây). Và Tết ta, là Tết cổ truyền dân tộc theo âm lịch (lịch ta), là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm.

TẾT NGUYÊN ĐÁN

Tại sao ngày Tết, nhất là ngày đầu năm, gọi là Nguyên đán? Trong tiếng Hán, chữ Nguyên nghĩa là bắt đầu, thứ nhất. Chữ Đán là một ngày, hoặc buổi sáng. Hai chữ này ghép lại, dùng để chỉ ngày đầu tiên, ngày thứ nhất trong một năm.

Trung Quốc có truyền thuyết, một vị hoàng đế trong Tam hoàng Ngũ đế tên là Chuyên Húc, ông lấy tháng Giêng nông lịch là Nguyên và ngày mồng Một là Đán. Nhà Hán lấy ngày mồng Một tháng Giêng là ngày Nguyên đán.

Từ sau cách mạng Tân Hợi, Trung Quốc chuyển sang dùng công lịch, nên ngày Nguyên đán âm lịch gọi là Xuân tiết (Tết Xuân), còn mồng Một tháng Giêng năm dương lịch được gọi là Tân niên (năm mới). Đất nước Việt Nam chúng ta, Tết Nguyên đán là ngày mồng Một, Hai, Ba tháng Giêng âm lịch như xưa nay truyền lại.

Mỗi lần Tết, có một tập tục đẹp được cha ông ta nhắc nhở con cái: “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”. Sáng mồng Một, sau khi làm lễ gia tiên, cả nhà con cháu quây quần chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ chúc lại con cháu, rồi mừng tuổi con cháu những phong bao ít tiền, gọi là “lì xì”. Mồng Hai, cha mẹ đưa con cháu về quê ngoại chúc Tết, cũng diễn ra như ở nhà nội. Đến mồng Ba, các em là học trò lớn, nhỏ gì cũng đến nhà thầy chúc mừng thầy và bày tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy.

Có lẽ chỉ có ở đất nước con Hồng, cháu Lạc chúng ta mới có cái Tết thật sâu xa, ý nghĩa như thế. Cho nên, Tết là ngày vui tràn ngập của cả tinh thần lẫn vật chất, ai cũng mong ước, chờ đợi Tết trong nỗi niềm tiễn năm cũ đi qua, đón năm mới đến với bao điều tốt đẹp miên viễn.

TẾT NGUYÊN TIÊU

Rằm tháng Giêng âm lịch gọi là Nguyên tiêu. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Thượng nguyên. Các hoạt động vui Tết diễn ra buổi tối nên có tên là Nguyên tiêu. Tiêu nghĩa là ban đêm. Vui Tết này chủ yếu là chơi đèn các loại, như đèn hình rồng, con thỏ kéo pháo, đèn kéo quân; rồi có phong tục ăn bánh trôi nước, tổ chức ngâm vịnh thơ ca hết sức náo nhiệt.

Ở Trung Quốc, tục chơi đèn Tết Nguyên tiêu có lịch sử lâu đời. Chuyện kể, đời nhà Đường có vị phu nhân nhờ một nghệ nhân tài ba làm cây đèn “Bách kỹ đăng thụ” (Cây đèn một trăm kỹ thuật), cao hơn 80 thước, đặt trên núi, ở cách xa một trăm dặm cũng trông thấy. Còn đời Tống, nhà thơ nữ Chu Thạc Nhân có bài thơ về Tết: “Năm ngoái đêm Nguyên tiêu/ Phố hoa đèn sáng như ban ngày”.

Ở Việt Nam, Tết Nguyên tiêu không phổ biến. Chỉ vài năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam có sáng kiến chọn ngày Rằm tháng Giêng làm Ngày thơ Nguyên tiêu trên cả nước, lấy bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ làm nội dung chính trong sinh hoạt giới thiệu thơ, ngâm thơ, thả thơ, ứng tác thơ, tôn vinh giá trị sáng tạo của các văn nhân, thi sĩ, và thu hút đông đảo công chúng tham gia.

TẾT THANH MINH

“Thanh Minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” (Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Vào thời Xuân Thu (Trung Quốc), vua Tấn Văn Công trong khi luận bàn xem xét khen thưởng các công thần khai quốc đã để sót một người ân nhân cứu mạng mình là Giới Tử Thôi. Khi ông nhớ lại, Giới Tử Thôi đã đưa mẹ về ở ẩn trong núi Miên Sơn. Có người hiến kế cho nhà vua dùng lửa đốt núi thì ắt Tử Thôi sẽ phải xuất lộ. Không ngờ lửa cháy 3 ngày 3 đêm đã thiêu sống hai mẹ con Tử Thôi. Nhà vua đau buồn, sai lập miếu thờ và tự mình ăn đồ nguội lạnh như để trách phạt mình. Tiết Hàn thực được đặt ra từ đấy.

Chính ngày Hàn thực trùng với tiết Thanh minh nên hằng năm đến ngày này người ta chỉ ăn đồ nguội như bánh trôi, bánh táo, xôi chè và đi tảo mộ (sửa sang mồ mả), làm lễ cúng, để tưởng nhớ bề tôi hiền đức. Lại còn tổ chức đi chơi Xuân, gọi là đạp thanh Xuân du (giẫm lên cỏ xanh, dạo chơi mùa Xuân).

TẾT ĐOAN NGỌ

Tết Đoan Ngọ cũng có gốc gác bên Trung Quốc. Hằng năm, đến mồng 5-5 âm lịch, mọi nhà đều tổ chức ăn Tết. Buổi sáng cúng bánh ú tro, bánh ít, bánh tét, xôi chè, trái cây; buổi trưa cúng mặn; đúng giờ Ngọ đi chặt lá cây đem phơi khô để dành làm thuốc (truyền tụng rằng giờ ấy sâu bọ biến mất). Có nơi còn tổ chức đua thuyền để tưởng niệm Khuất Nguyên, một nhà thơ lỗi lạc, đồng thời là vị quan trung trực.

Khuất Nguyên, người nước Sở, dâng sớ kiến nghị vua Sở Hoài Vương nên họp lực với nước Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Yên để đánh nước Tần đang lăm le thâu tóm các nước yếu. Về sau Khuất Nguyên bị bọn gian thần gièm pha, ly tán, vua Sở nghi ngờ xuống lệnh bãi chức và đày ông đi xa. Trong tâm trạng đau buồn, ẩn uất, Khuất Nguyên đã viết khúc trường ca Ly tao thống thiết, bày tỏ nỗi niềm lo lắng về vận mệnh nước Sở.

Khuất Nguyên đi lang thang khắp thiên hạ. Mồng 5-5 năm 278 trước Công nguyên, Khuất Nguyên tự vẫn ở sông Mịch La, lấy cái chết để giữ tròn nghĩa khí trung trinh với nước, với dân.

TẾT TRUNG THU

Trong dân gian có nhiều truyền thuyết về Tết Trung thu, ngày Rằm tháng 8 hằng năm. Như chuyện Đường Minh Hoàng nằm mơ du Nguyệt điện, gặp Hằng Nga trên cung Quảng trong một đêm trăng huyền hoặc. Còn đời nhà Nguyên thống trị Trung Quốc, bóc lột, đày ải người dân đến cùng cực. Có Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn, lãnh tụ của phong trào nông dân, đã tổ chức cho dân chúng vùng lên chống lại triều đình. Để truyền đạt tin tức, mệnh lệnh nổi dậy một cách kín đáo, bí mật nhất, bèn bày cho dân chúng làm những chiếc bánh hình tròn, trong nhưn nhét mẩu giấy ấn định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng tròn và sáng tỏ, đó là đêm Rằm tháng 8 giữa thu.

Có gì thú vị bằng vào đêm Trung thu, cả nhà ngồi bên nhau, cắt chiếc bánh nướng, bánh dẻo, ăn bánh, uống trà ngắm trăng. Ngày nay, Tết Trung thu là Tết của các em thiếu niên, nhi đồng với đèn ông sao, cá chép, múa lân, ông địa, tiếng trống rộn rã thâu đêm.

*

Mới hay, xung quanh cái Tết, không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu và viết, nhưng vẫn không hết những tình tiết, gốc gác, ý nghĩa của nó. Và mới hay, phong tục tập quán về Tết mà dân tộc ta đã có hàng ngàn năm đã được Việt hóa, biến cải để trở thành bản sắc Việt, phong cách Việt, truyền thống thuần Việt. Đấy là cái chất văn hóa Tết độc đáo trong kho tàng tinh hoa văn hiến Đại Việt.

HOÀNG HƯƠNG VIỆT

;
;
.
.
.
.
.