Tiếng đàn vẫn ngân vang

.

Vẫn biết cuộc đời có sinh có tử, vẫn biết năm nay nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã ở tuổi 104, nhưng việc ông về với tổ nghiệp (ngày 7-1-2021) tại Đồng Tháp để lại nhiều thương tiếc. Gắn bó trọn đời với âm nhạc dân tộc, nhạc sư Vĩnh Bảo được ví là “đệ nhất danh cầm”, “báu vật của đờn ca tài tử”.

Nhạc sư  Nguyễn Vĩnh Bảo (bìa trái) cùng NSƯT Văn Hai, NSƯT-TS. Hải Phượng trong buổi Đờn ca tài tử tại tư gia đường của nhạc sư trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2017. Ảnh: THU ANH
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (bìa trái) cùng NSƯT Văn Hai, NSƯT-TS. Hải Phượng trong buổi Đờn ca tài tử tại tư gia đường của nhạc sư trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2017. Ảnh: THU ANH

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19-8-1918 tại Mỹ Trà, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nho học. Cụ thân sinh tên Nguyễn Hàm Ninh mê hát bội và là dân chơi cổ nhạc sành điệu. Sinh ra trong cái nôi ấy, từ thời thơ bé, Bảo được tiếp xúc với đơn ca tài tử. Lên 5 tuổi, Bảo bắt đầu học đàn. Năm 12 tuổi, Bảo có thể chơi đàn Kìm, Tranh, Cò, Gáo và Độc huyền. Năm 20 tuổi, cái tên Vĩnh Bảo đã đứng cùng các nhạc sĩ cổ nhạc trứ danh lúc bấy giờ.

Tiếng đàn “độc nhứt vô nhị”

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo thuộc thế hệ sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Trong thời gian giảng dạy tại nhạc viện, ông sáng tạo lối ký âm riêng cho cổ nhạc Nam Bộ để tránh quá lệ thuộc vào cách ký âm của phương Tây. Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc dân tộc, ông trở thành nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc và cũng là người trình tấu, nghệ nhân đóng đàn. Ông có công lớn trong việc cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Ông và GS.TS Trần Văn Khê được xem là đôi bạn tri kỷ, cùng yêu quý và nâng niu tiếng đàn dân tộc.

Năm 1971, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sang Mỹ dạy âm nhạc Việt Nam tại Đại học Southern Illinois cùng GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1972, ông sang Pháp, cùng GS.TS Trần Văn Khê đờn thu cổ nhạc Nam Bộ cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Đài phát thanh Pháp (Radio France). Khi ấy, nhạc sư được mời đến gặp gỡ và trao đổi về âm nhạc, kỹ thuật đóng đàn với nhạc sư trứ danh của Pháp - GS. âm thanh nhạc học Emile Leipp. Năm 2002, Radio France cử người sang Thành phố Hồ Chí Minh mời nhạc sư đờn thu âm cổ nhạc Nam Bộ trong bộ đĩa Vinh Bao et Ensemble.

Từ năm 1970-1972, Nguyễn Vĩnh Bảo là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ). Năm 2005, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GS.TS Trần Văn Khê được trao giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam trong số 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới được vinh danh tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới (Ethnomusicology) tại thành phố Honolulu (Mỹ). Đến năm 2008, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier.

Tiếng đàn của nhạc sư vẫn được người đời tụng ca là độc nhất vô nhị, diễn tả tiếng đàn lẫn cốt cách của một tài năng: tinh tường, tinh tế. Thậm chí, hơn 20 năm trước, GS.TS Trần Văn Khê đã thốt lên: “Chưa từng nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo: phong phú, bay bướm, sâu sắc. Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi, thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhứt vô nhị…”.

Mãi nhớ một bậc danh cầm tài tử

Trước sự ra đi của nhạc sư Vĩnh Bảo, nhiều người bày tỏ những tiếc thương. Những kỷ niệm về “đệ nhất danh cầm” cũng được nhắc nhớ. NSND Kim Cương nhớ lại, nhạc sư Vĩnh Bảo có đóng góp lớn trong hồ sơ Đờn ca tài tử Nam bộ trình UNESCO để được ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: Nhạc sư là một danh cầm tài tử, một người say đắm với cây đàn tranh và luôn khát khao cải biến nó sao cho có thể truyền tải được tốt nhất âm thanh hồn cốt của dân tộc Việt. Nhạc sư có ngón đàn tranh tuyệt vời. “Khi internet mới vào Việt Nam, nhạc sư nhanh chóng tiếp thu với mục đích giao lưu và lan tỏa nhạc truyền thống Việt Nam.

Những năm 2000-2010, tôi vô cùng ngạc nhiên chứng kiến một nhạc sư già dạy nhạc tài tử cho học sinh ở châu Âu, ở Mỹ và khắp nơi thông qua internet. Thậm chí, thầy trò mỗi người một châu lục nhưng cùng nhau hòa đàn tài tử rất thú vị”, ông Long nhớ lại, đồng thời bày tỏ: “Thật may mắn cho tôi đã kịp lưu giữ tiếng đàn của các bậc kỳ tài đờn ca tài tử. Năm 2010, khi còn công tác ở NXB Âm nhạc, lúc ấy chúng tôi thực hiện một DVD đờn ca tài tử Nam bộ. Tôi chủ động mời nhiều danh cầm lừng danh tham dự như: cụ Bảy Bá (tức soạn giả - NSND Viễn Châu), cụ Ba Tu, ông Văn Giỏi, ông Thanh Hải, ông Út Tỵ...

Giờ đây, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã ra đi, nhưng tiếng đàn của ông còn ngân vang, cũng như những lời của chính nhạc sư nói ngày nào vẫn còn đây: “Âm nhạc là sản phẩm của một xã hội, tiếng nói của một dân tộc. Dân tộc nào đã phát sanh ra nó, cảm thấy thấm thía khi nghe nó”.

Sinh thời, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tâm niệm, âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, liên hệ trực tiếp với trái tim, bộ não và cuộc sống nội tâm sâu kín. Mỗi khi đàn, ông như thực hiện một cuộc thiền định để chìm vào trạng thái tĩnh lặng, tìm về nội tâm, hiểu bản thân mình, đồng thời tự thanh lọc, tự giải thoát khỏi những nguồn gốc của giận dữ, thù hận, sợ hãi…

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.