Truyện ngắn

Thưa má, con về

.

Má gọi vô một chiều cuối năm se sắt. Mấy bữa ni gió hay lén thổi về thành phố, ùa vô lòng người chút nhớ cái lạnh quê xa. Sắp tới Tết dương lịch, những cuộc điện thoại của má dày hơn, lâu hơn. Như mong mỏi, như năn nỉ, như đợi chờ. Một lời hứa rằng đám con sẽ về.

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Hoàn liếc nhìn má qua màn hình laptop của chị Hai, dứt khoát biểu nó sẽ đón năm mới ở cực Đông của Tổ quốc. Sau khi chinh phục chặng đường dài, sẽ được đứng trên tảng đá lớn giữa biển xanh để đón những tia sáng mặt trời đầu tiên trên mảnh đất hình chữ S. Chỉ nghĩ tới đó thôi là Hoàn phấn khích vô cùng. Còn trẻ, còn khỏe, chưa ràng buộc thì tranh thủ đi cho biết đó đây.

Má thở dài khe khẽ. Trong suy nghĩ của người đàn bà mấy chục năm trời chỉ biết gán đời mình với trách nhiệm chăm sóc chồng con, má mần răng biết đi “phượt” là chi, “chủ nghĩa xê dịch” là như nào. Má chỉ sợ Tết nhứt xe cộ đông đúc, thằng Hoàn chạy xe máy như rứa có an toàn không.

Hoàn nghe má nói một thôi một hồi, vừa vuốt keo tóc, vừa cười ha hả. Hương liếc em trai bén ngọt, nhỏ giọng dặn má ngủ trước để cô tắt video call còn làm việc. Chưa dứt câu thì cô nghe tiếng đóng cửa cái cạch, không kịp dặn thằng em đi nhậu về sớm. Chung cư vắng lặng yên ắng chỉ còn tiếng đánh máy cạch cạch của Hương.

*

Hương lại nhận cuộc gọi của má một đêm Sài Gòn túi bụi hồ sơ dự án mới. Mấy con heo má nuôi để dành, bữa ni mập ú rồi. Mới ba giờ sáng, thấy chủ thức thì bọn nó cũng loạt soạt đứng lên ụt ịt chào. Bữa mô trời lạnh quá, má dậy trễ là cả bọn kêu eng éc muốn sập chuồng. Má tính để dành Tết Nguyên đán xẻ thịt chia cho hàng xóm, còn lại bỏ mắm với làm ba rọi kho trứng cho tụi Hương ăn. Còn Tết dương mấy đứa về thì má làm vài con gà rang mắm.

Má mới gọi cho thằng Út. Nó biểu tình hình dịch bệnh chưa ổn nên phải ở lại. Đức vẫn đang phong tỏa nhiều thành phố. Đợi có vắc-xin rồi mới tính tiếp được. Bây chừ mà về, đi cách ly 14 ngày là hết luôn cả lịch nghỉ, cũng có được gặp má đâu. Má thương thằng Út vừa học vừa làm. Hương vẫn gửi thêm tiền cho em, như lời má dặn. Nhưng làm răng má yên tâm cho được.

Hương nghiêng đầu ép điện thoại vô vai để nghe má nói chuyện. Tay trái cô dò từng chữ của bản kế hoạch marketing, tay phải thì ký xoẹt xoẹt. Cô hơi khó chịu vì má cứ nói đi nói lại mấy thứ cũ rích. Đang lúc bận tối mặt mũi nữa chớ. Nhưng Hương vẫn ráng nhẹ giọng.

- Ui trời má ơi, tụi con lớn hết trơn rồi, có còn con nít nữa mô mà má phải bận lòng.

Đầu dây bên kia “tút tút” tắt máy. Hương chẳng kịp nghe má khẽ giọng: “Con ra đi cha sợ mẹ lo. Sông sâu nước lớn con đò không đưa. Trông ngày càng sớm càng trưa. Trông đà mỏi mắt con chưa thấy về”.

Hương tiếp tục chúi mũi vô mớ giấy tờ rối tung trên bàn. Tới khi cô ngước lên, nhìn qua ô cửa kính của phòng làm việc, thành phố đã lên đèn. Từng chấm vàng xanh đỏ rực rỡ bên dưới chính là một góc của Sài Gòn hoa lệ. Ở vị trí ni mọi thứ thiệt lung linh. Có biết mấy kẻ muốn đứng ở nơi của Hương mà nhìn xuống như rứa, bởi đây không phải là chỗ có thể dễ dàng có được.

Lúc chuyển từ bộ phận Kinh doanh đến phòng riêng dành cho trợ lý Giám đốc, Hương ưng nhất là quang cảnh các tòa nhà từ trên cao đập ngay vào tầm mắt. Thỉnh thoảng giữa rối mù hợp đồng, dự án, Hương rời bàn lại sát cửa thả ánh mắt xuống Sài Gòn. Nhưng lúc ngắm hàng hoa kèn hồng khoe sắc, Hương đã chạnh lòng nghĩ đến mùa sưa vàng ở nhà. Hay khi thấy mặt trời rớt xuống sau Bitexco, Hương lại nhớ quay quắt cảnh rán mỡ gà nơi cuối cánh đồng lúa xanh.

Bụng Hương bắt đầu cồn cào ầm ĩ, gần mười giờ rồi, đói cũng phải thôi.

*

Tiếng xe đẩy cọc cạch phía sau lưng Hương càng ngày càng rõ. Hương không quay lại cũng biết là bà Tư. Thỉnh thoảng Hương ghé quán hủ tiếu này vào giờ khuya thì sẽ gặp bà.

Bà ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu đối diện Hương, gỡ nón vất qua một bên, thở thườn thượt. Bữa ni bà Tư bán ế, cóc chín hết trơn mà còn nhiều, sợ để tới mai là hư. Bà luyên thuyên câu chuyện rong ruổi khắp các nẻo đường. Chắc hẳn bà chỉ cần người để trút tâm sự của một ngày mệt mỏi. Hương cũng muốn kể cho bà nghe lắm, lại sợ bà không biết đối tác làm ăn là chi, thì làm răng hiểu được những mánh khóe kinh doanh khiến cô đau đầu.

- Ủa Hương không ăn hành hả, con này dại quá, hành lá giải cảm đó.

Hương buông dở đũa hủ tiếu, ngước lên ngơ ngẩn nhìn bà Tư. Lần đầu tiên sau chừng nớ năm ở Sài Gòn, có người nói với Hương như rứa. Cũng lâu rồi Hương không bị má cằn nhằn điều đó. Miệng thì la, tay má vẫn gắp từng cọng hành ra khỏi bát cho Hương. Nhìn kỹ thì bà Tư hao hao giống má thiệt. Cũng nụ cười hiền hậu nhăn nheo, khóe mắt nheo nheo kèm nhèm, cái giọng nhẹ hều chứa nhiều khắc khoải. Cũng những buổi đêm về với mớ trái cây ế.

Ngày Hương còn nhỏ, má thường quảy gánh đi từ mờ sáng. Hương dậy sớm quét lá cây trong sân, bắt nồi cơm củi rồi dỗ cho hai thằng em ăn để kịp tới trường. Thằng Út Nghĩa thì ngoan, cho chi ăn nớ, còn thằng Ba Hoàn chê ỏng chê eo chị nấu dở hơn má. Tối mịt má về, ba chị em hớn hở lục gánh má ăn trái cây thừa.

Học bài xong, Hương thường tranh thủ ngồi đấm lưng bóp vai cho má đỡ mỏi. Cô vẫn nhớ rõ, chỗ sau gáy của má sưng lên cục u chai sần thâm sì. Ba chị em cô đã lớn lên nhờ đôi quang gánh của má. Rứa mà chẳng ai trưởng thành rồi quay lại nhìn bờ vai còng tấm lưng khụm vì những ngày xưa.

Hương lại nhớ tới ba. Năm hai đại học, cô đã hẹn lần hẹn lữa không chịu về. Ở lại thành phố làm thêm mấy bữa Tết được nhận lương cao gấp ba, bốn lần ngày thường. Rồi khi cô về, chẳng kịp gặp mặt ba lần cuối. Hai chữ “không kịp” thôi mà bao nhiêu day dứt. Có vài thứ, phải đến khi không còn nữa, mới thấy nó đáng quý. Có vài người, phải đến khi mất đi, mới nhận ra yêu thương. Chỉ một chút lơ là của ta với người thân thôi, quay lại thì đã không còn họ ở đó nữa rồi. Hương đã hứa với lòng sẽ chẳng bao giờ thờ ơ khất hẹn nữa. Rứa mà công việc tiền bạc cứ cuốn cô vô dòng chảy của nó, cố tình lãng quên rằng má đang đợi mình từng ngày.

Khoảnh khắc bà Tư xoay người gánh đôi quang gánh đi, cái bóng lưng còng rạp đó, nhìn giống má quá chừng. Gió thổi ào ngang mặt Hương, như muốn cởi tung bao nhiêu lớp mặt nạ mà cô ráng cồng kềnh đeo mang. Gió tấp bụi bay thẳng vô mắt, ưa ứa, xon xót.

*

Hương mở mail, nhìn deadline công việc sếp giao. Cô thở thườn thượt. Hương tính tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ Tết dương để làm nốt cho xong dự án đang dang dở. Chuẩn bị sang năm sẽ bổ nhiệm vị trí Giám đốc. Cả công ty chỉ có hai người thuộc diện cân nhắc. Còn một bước nữa thôi là cô chạm tay tới cái đích cô muốn.

Cơ hội thường chỉ tới có một lần trong đời. Hương không thể để nó rơi vào tay kẻ khác được. Đó là công sức cố gắng làm ngày làm đêm suốt bốn năm qua của cô. Thậm chí Hương đã chấp nhận thanh xuân cô đơn chẳng yêu iếc chi để dành thời gian làm việc.

Nhưng dáng đi lầm lũi của bà Tư cứ quanh quẩn đeo bám đầu óc Hương hai ngày nay, cô chẳng tập trung được chi. Cả năm rồi cô chưa về quê. Mấy đợt dịch, giãn cách, cô cứ khất hẹn thăm nhà bao lần. Dịch dã rồi bão lũ, quê xa nớ má chỉ có một mình. Tối qua khi gọi vô, má nói chân má lại trở nhức. Vào mùa, cái lạnh ùa đến căn nhà trống trải, len sâu qua lớp áo, thổi buốt da thịt và lòng người.

Bây chừ Hương nên làm sao, ở lại tiếp tục công việc hay về nhà?

Mỗi lựa chọn của thế giới người lớn đều cần sự cân nhắc thiệt hơn. Hương chẳng thể ngồi bứt từng cánh hoa để chọn ăn hay không ăn như hồi còn nhỏ. Cô càng không tung đồng xu nhờ mặt sấp - ngửa quyết định thay mình. Trên trang giấy, cô cũng không viết ra những gạch đầu dòng
được - mất. Trong lòng Hương rõ hơn ai hết, giữa cuộc đời vô thường này, nếu ta đem tình cảm gia đình ra tính toán, thì có khi chưa hết đắn đo đã phải lo hối hận.

Phòng bên cạnh vẳng qua bài nhạc mới nhất của Đen Vâu. “Đường về nhà là vào tim ta… Nhà vẫn luôn chờ ta”. Câu trả lời đây rồi: Đi về nhà.

Chi bằng Hương mang việc về nhà mà làm, chắc sẽ ổn thôi. Chỉ cần về đó, ăn với má bữa cơm, cho má nhìn cái mặt. Nếu lỡ thời gian hoàn thành dự án, tuột mất cái chức kia, cô cũng đành chịu. Thôi thì, có lựa chọn nào lại không cần sự đánh đổi.

Hương mở điện thoại đặt hai vé máy bay. Xong cô nhắn tin cho Hoàn, biểu thằng em dời chuyến đi phượt của nó lại. Dù là Tết dương cũng về nhà thăm má với chị, nếu không sang năm Hương sẽ cắt viện trợ. Chẳng có mặt trời ở mô đẹp bằng mặt trời mọc lên từ hàng cau đầu ngõ nhà mình đâu. Chưa bao giờ Hương quyết tâm như chừ. Cô muốn gọi ngay cho má, nhưng phải đợi trời sáng cái đã.

*

Chiều cuối năm, khi đám bạn đang tung tẩy ở nơi cắm trại, thì Hoàn vai mang balo, tay kéo vali phụ Hương lên máy bay cho chuyến đi về nhà. Hoãn cuộc vui, thằng nhóc hai mươi tuổi khá tiếc, nhưng cũng không bực dọc chi mấy. Vì sau lời tâm sự của chị, thì Hoàn đã nhận ra, đời nó đâu còn mấy lần được gặp má nữa.

Chờ đợi đằng sau cánh cửa, má không cần con cái làm lương tháng bao nhiêu, gửi về nhà chừng nào tiền, đã trở thành ông kia bà nọ danh vọng chưa. Chỉ mấy tiếng nữa thôi, tụi Hương sẽ nói với má điều má luôn mong mỏi: Thưa má, con về.

NY AN

;
;
.
.
.
.
.