Về nhà là xuân

.

Ông Năm Tiến la ó nhặng xị suốt buổi sáng như bà già mất gà trong tiểu phẩm hài chiếu trên tivi cách đây hơn chục năm. Cả cái chợ chồm hổm ai cũng biết tối qua nhà ông mất thêm một chậu kiểng. Càng gần cuối năm, tụi trộm càng lộng hành. Chúng nó cố chôm thêm được của nhà nào thì chôm.

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Khuya hôm trước, ông Năm Tiến bị rinh một chậu mai giá cỡ chục triệu đồng. Cách đó mấy ngày, ông đếm hàng quật thấy thiếu hai chậu trung. Ông tức lắm, cục giận cứ nằm ngang cổ, nghẹn ứ nuốt chẳng trôi cơm. Ông quyết tâm rình bắt cho bằng được.

Mấy người biết chi không, đêm hôm qua tui thấy ba, bốn thằng lận. Đứa bê đứa đỡ, đứa chở đứa vịn. Tụi nó cầm cả cây sắt sáng loáng, thân già tui nào dám la lên. Nó đã ủ mưu rủ hội đi ăn cướp như rứa rồi, chọc vào có khi nó đâm thiệt cũng nên. Đeo khẩu trang hết, trời tối tui chỉ thấy hai con mắt.

Ông Năm gặp ai cũng kể, như thể cục tức sẽ được chia nhỏ cho từng người nghe, hoặc cầu mong tìm được kẻ có tật giật mình mà biến đổi sắc mặt. Nhưng có vẻ như mọi người đều giả lơ. Nếu để ý kỹ, sẽ bắt gặp vài cái nháy mắt, đôi cái nhếch môi. Đáng đời! Ai biểu giàu mà keo!

Ông Năm Tiến chép miệng, phải mà có con Ngọc ở nhà cũng đỡ. Cái con yêu đương mù quáng.

*

Chiều tàn, gió kéo mặt trời ra xa lắc chân trời, nhuộm màu hiu hắt xuống cánh đồng bạc thếch đầy cỏ dại đằng sau nhà. Ngọc đi ra chuồng, ngồi xổm nhìn con trâu nằm bẹp trên mớ rơm cỏ. Trâu chầm chậm quay lại đưa mắt lờ đờ nhìn Ngọc, mũi phì phò bong bóng. Mùi ngai ngái hăng hắc của phân trâu xộc vào mũi Ngọc. Gần một tháng rồi cô đã tập quen dần với chuồng trâu này. Năm ni chưa ăn xong cái Tết thì dịch bệnh tới. Rồi bão nối bão, lũ chồng lũ.

Đợt đó, Lân phải dùng dây thừng buộc dắt mũi con trâu lên xà nhà để tránh ngạt thở trong dòng nước đục. Lân ướt lạnh trong lũ, trâu cũng ngâm mình dưới nước cùng anh. Sau lũ, nhìn đi ngó lại, nhà Lân chỉ còn mỗi con trâu.

Ba Lân đổ bệnh, phải đưa ra thành phố để chữa trị. Thế là Lân giao con trâu lại cho Ngọc coi sóc giúp, khi nào được giá thì bán giúp anh. Ngọc quanh quẩn ở nhà mấy tháng, không dưng lại thành cô nông dân nửa mùa. Nào đi gom rơm, cắt cỏ. Nào dọn phân, dội chuồng. Rồi căng bạt phủ bốn phía che cho trâu ấm, xong lục tủ đồ cũ phủ cho trâu đỡ lạnh.

Những bữa đầu khá chật vật với Ngọc. Đó chừ Ngọc đâu có biết phân trâu nhão sẽ dính lên lưng, phải kỳ cọ bằng bót mới sạch. Hồi xưa hay lẽo đẽo theo chân Lân dẫn trâu ra sông suối tắm, Ngọc chỉ ngồi nơi bãi cỏ ở xa nhìn anh chà lưng trâu, chứ nào rành rẽ lý do. Riêng công đoạn dọn chuồng, ủ rơm với lá khô để biến từ phân nhão thành phân khô mục, Ngọc phải nhờ mấy bà hàng xóm làm mẫu để học theo.

Mỗi lần đi ngang, ông Năm Tiến đều la làng, vừa chửi đổng Lân, vừa nằng nặc kéo tay Ngọc về nhà. Làm răng ông chịu cho đứa con gái vàng ngọc của mình sống lấm lem như con ở đợ không công ở căn nhà vắng chủ rứa được.

Ngọc vẫn ở lại, vì người mình thương chịu chút thiệt thòi thì có đáng gì. Con trâu là tia hy vọng cuối cùng của Lân trong lúc này. Ngọc sẽ giúp Lân bán trâu với giá cao, sớm gửi tiền ra trả viện phí cho ba anh.

*

Ông Năm Tiến gọi Ngọc về canh trộm cùng ông. Từ trưa ông đã rào lại cổng ngõ. Công sức của ông chăm bẵm cả năm trời lại bị trộm mất, ông không thể bỏ qua được. Người ta chỉ thấy ông thu được tiền triệu mỗi độ Tết đến nhờ bán cây kiểng. Nhưng có ai biết ông đã nhọc công thế nào.

Cứ khoảng từ mùng mười tháng Giêng, ông Năm Tiến bắt đầu đi quanh tìm thu mua những gốc quật, gốc mai cũ mà các nhà chơi Tết bán rẻ lại. Có khi phải tranh giành với các “đầu nậu” khác để gom vài gốc mai, quật bỏ dọc đường. Những cây quật, mai cũ được tỉa bấm cành lá, bấm quả, bón đất, bón phân theo tháng với liều lượng thích hợp. Cây phải được canh gió che nắng ủ sương mỗi ngày. Rồi uốn lại thế, nắn lại cành, tỉ mỉ từng chút một, mất ăn mất ngủ suốt một năm dài. Tính toán từng ngày sao cho đúng dịp Tết để cây mai mọc chồi lộc mới, nở bung hoa, cây quật ra lá xanh biếc, đậu quả vàng ươm lúc lắc trên cành.

Chăm cây kiểng lắm chuyện phập phồng lo lắng chẳng khác nào chăm con mọn. Trời mưa nắng thất thường là bệnh ngay. Bón quá nhiều phân, tưới nhiều nước cây “bội thực” mà úng, hệt như yêu thương bao bọc con cái quá mức, thì chúng sẽ trở nên yếu đuối, phụ thuộc và ỷ lại. Bỏ lơ cây mặc chúng tự chống chọi với nắng mưa, cành lá sẽ xơ xác, hoa quả khó nở. Còn bỏ mặc con cái chẳng quan tâm, chúng sẽ dễ đi vào con đường sai trái, khó thành công. Nhiều một chút không được, ít một xíu cũng chẳng xong, tất cả đều phải hợp lý.

Cây mai muốn thành thế giáng, thế long hay chỉ là cái cây lá tua tủa, đều phụ thuộc vào công sức ông Tiến tẩn mẩn hằng tháng trời uốn nắn. Lỡ tay uốn sai cành là vứt luôn cái cây, giống như việc dạy sai cách có thể làm hỏng cả cuộc đời con mình. Cây quật có quả nhiều, to tròn hay vàng rực, đâu phải là chuyện dễ dàng. Cũng như hạnh phúc của mỗi đứa con đôi khi sẽ có một phần cố gắng của ba mẹ.
Chăm cây cực nhọc cả năm, ông Năm Tiến chỉ đợi tới ngày thu thành quả. Có lý nào lại để bọn vô công rỗi nghề chôm chỉa.

Ngọc thấp thỏm từ lúc ngồi vào mâm cơm tối tới khi ba cô tắt hết điện trong nhà, chỉ để chút ánh sáng yếu ớt ngoài vườn kiểng. Ông Năm Tiến chỉ nghĩ đến mấy chậu mai và quất bị trộm, mặc kệ con gái cứ lén lút thập thò nhắn tin cho ai đó. Chắc là thằng Lân tán tỉnh nó. Lại than khổ kể khó. Lại nói chuyện con trâu bệnh kia. Ông đang bận nên bỏ qua nốt lần ni. Xong xuôi vụ cây cối, từ mai ông sẽ chấn chỉnh mọi chuyện.

*

Ngọc cầm xấp tiền polyme xanh đưa cho Lân, ước chừng cỡ chừng ba chục triệu đồng. Con trâu ngó rứa mà được giá quá. Cầm tiền trong tay, Lân lại thấy chùng lòng. Gánh nặng viện phí của ba vơi bớt, thay vào đó là sự mất mát khó diễn tả đang xoáy sâu vào Lân. Cứ như thể vừa chia ly một người bạn lâu năm, hẫng hụt lạ lùng. Hồi đó có tay lái trâu gạ hỏi mấy lần nhưng Lân đều lắc đầu chẳng bán. Nếu không phải bây chừ cần kíp, Lân cũng chưa đành đoạn bán đi.

Ngọc lặng yên bên người đàn ông mình thương mòn thương mỏi hơn chục năm trời, thương từ hồi con nít, tới khi sắp quá lứa lỡ thì vẫn thương. Anh phờ phạc hốc hác sau những đêm mất ngủ ở nơi đầy mùi thuốc sát trùng. Cuối tháng Chạp, trời se sắt lạnh. Phòng bệnh trắng toát chẳng có được cảm giác ấm áp như ở nhà. May mà còn những chậu cúc vạn thọ xếp thành hàng ở lối đi, ánh lên sắc vàng như gieo cho mọi người chút hy vọng.

Đời Ngọc tính ra khá lận đận đường tình duyên. Hồi còn mười tám, tóc đen mượt mà phơi phới, ba cô cấm cản yêu đương nhăng nhít. Ngọc phải học hành, hết đại học tới cao học. Ông Năm Tiến lấy cớ để chia tách Ngọc và Lân. Ông cũng thương Lân vì chăm má bệnh mà dừng ngang ước mơ kỹ sư, nhưng ông thương con gái ông hơn.

Tới khi Ngọc ra trường đi làm, quen được cháu trai đích tôn của nhà kia giàu có, ông Năm Tiến lại chê nó gia trưởng và có gen bạo lực. Rốt cuộc Ngọc cứ lần lữa chuyện chồng con mãi cho tới chừ.

*

Một mình ông Năm Tiến uống hết gần nửa thẩu rượu khế. Mặt ông đỏ gay, cặp mắt cũng đỏ ầng ậc. Lâu lâu ông lại cười lên một điệu chua chát.

Có ai ngờ con gái ông đã bày ra mọi trò từ trước. Ông cho Ngọc ăn học lắm làm chi, bao nhiêu điều tốt đẹp không làm. Ông Năm Tiến thở dài. Lỡ người ngoài mà biết được, nhục thúi mặt ông. Dại lắm con ơi, ngu quá con ơi!

Ông Năm Tiến ngả người dựa vào tường, hơi lạnh cuối đông thấm qua lớp áo mỏng tang. Tối chừ chẳng có ai ở nhà nhắc ông mặc thêm áo ấm. Là ông đã dạy sai cách hay chính sự ích kỷ của ông đã đẩy Ngọc từ một đứa con gái ngoan hiền trở thành mưu mẹo sai trái. Chăm kiểng uốn cây thì dễ, mà chăm người dạy con sao lại khó khăn nhường đó.

Ông Năm Tiến ngồi ở hiên, dưới ánh sáng lờ mờ hắt vào từ vườn cây kiểng, nhìn quanh quất phía trong căn nhà thiếu vắng bàn tay vợ ông hơn ba chục năm nay. Con gái ông giống y hệt má nó, đều vì tình yêu mà bất chấp tất cả. Nếu ngày xưa má nó không cãi lời bên ngoại, nhất quyết theo một thằng trai nghèo rớt như ông, thì đâu tới nỗi vì tiếc một món đồ mà trôi theo dòng nước lũ. Ông đã cố gắng kiếm thiệt nhiều tiền, nhưng vợ ông thì không chờ được tới lúc đó.

Ông Năm Tiến biết Lân giỏi giang, hiền lành. Nhưng nó nghèo. Ông không đành lòng để con gái ông chịu khổ. Đoạn đường còn lại của ông quá ngắn, mà cuộc đời phía trước của con gái vẫn dài. Nếu một ngày ông không còn trên đời, Ngọc phải có được chỗ dựa vững chắc thì ông mới yên lòng được.

*

Sau cơn say, ông Năm Tiến mỏi nhừ cả người. Miệng đắng nghét, cổ họng khô khốc. Ngọc ở bệnh viện với Lân vẫn chưa về. Cái con thiệt tệ! Thiếu ly trà hoa cúc giải rượu của con gái vào sáng sớm, ông Năm Tiến thấy lạc lõng còn hơn bữa đếm vườn kiểng thấy mất một chậu cây.

Ông tặc lưỡi lồm cồm ngồi dậy, vịn tường xuống bếp tự nấu cho mình một nồi cháo.

Một vài người tới hỏi mua quật. Ông Năm Tiến dẫn họ ra vườn chỉ từng cây báo giá. Năm ni bão nhiều, nhưng may mắn ông che chắn kỹ càng, nhà lại ở vùng đất cao ít khi ngập lũ, nên kiểng vẫn khỏe khoắn. Quật đậu nhiều quả căng mọng, vàng ươm, chắc tới mùng Một Tết sẽ kịp chín vàng rực. Không khí khu vườn rộn rã tiếng mua bán. Cứ mỗi cây đưa lên xe chở đi là lòng ông Năm Tiến lại khấp khởi thêm một chút.

Hai chậu mai ông Năm Tiến để dành chưng Tết đã nở bung nhiều cánh, hoa vàng phớt mỏng manh trong làn gió nhẹ buổi sớm. Trong xóm, nhà nhà tụ tập gói bánh tét, tiếng tụi trẻ con í ới cười đùa khắp nơi. Người chất đầy củi khô sau hè, kẻ trộn vôi quét tường trước sân. Đàn ông chà bóng lư đồng hoặc thay cát cho chậu cắm nhang, đàn bà quét lá dọn rác gom thành đống. Mùi bánh mứt, mùi khói nhang. Nắng vàng, gió se lạnh. Tết rộn ràng gõ cửa mang xuân mới tới rồi.

Trong cái không khí tươi vui này, ông cũng không thể ủ rũ lâu được. Năm cũ sắp hết, chuyện cũ cũng nên mắt nhắm mắt mở bỏ qua. Nói tới cùng, Ngọc cũng là con gái ông.

Có lẽ nhờ cầm tiền trong tay, ông Năm Tiến liền thấy nhẹ nhàng hẳn. Tiền không thể mua được tình yêu hay hạnh phúc cho Ngọc. Nhưng ông có thể dùng số tiền này giúp tình yêu của con gái ông trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần con gái hạnh phúc, thì ông không tiếc bất cứ điều chi. Nghĩ rứa nên ông Năm Tiến cầm theo giỏ bánh mứt, đón chuyến xe đò sớm nhất ra Đà Nẵng.

*

Trước cửa phòng bệnh, ông Năm Tiến đưa cho Lân một phong bì dày, bảo rằng phụ tiền viện phí. Đợi ba Lân khỏe hơn, ra Giêng trời ấm thì hãy mang cau trầu sang nhà nói chuyện cùng ông.

Không gian đặc quánh. Lời ông Năm Tiến nhẹ nhàng, nhưng Ngọc bỗng dưng hốt hoảng. Ba của cô bữa ni khác quá, lạ quá. Mặt ông man mác buồn. Từ bao giờ mà tóc ba cô bạc tới rứa, từ bao giờ mà mặt ông lại in hằn hàng trăm nếp gấp. Hình như ông đã già hơn chỉ sau một đêm.

Phải thế nào thì người đàn ông mang tiếng keo kiệt, chi li nhất xóm mới tự bỏ tiền túi ra cho một người dưng. Có lẽ ông biết con trâu nhà Lân thật ra đã chết. Có lẽ ông cũng phát hiện được mấy chậu kiểng là do Ngọc kêu người bán, nhưng lại làm như một vụ trộm.

Ngọc cúi đầu ngập ngừng nói lời xin lỗi ông Năm Tiến. Chắc là ông thất vọng về Ngọc lắm. Nếu bây chừ ông bắt cô bỏ Lân thì cô cũng đành chịu.

- Con đường mà con đã lựa chọn rồi, sung sướng hay khổ cực, ngẩng đầu hay cúi mặt, con cũng phải tự mình bước đi. Nhưng nếu gặp chuyện không thể chịu đựng nổi thì con hãy về nhà bất cứ lúc nào. Bất cứ lúc nào, ba vẫn còn vườn kiểng để dành đó cho con.

Ông Năm Tiến chậm rãi nói với Ngọc khi hai cha con ngồi ở băng ghế bệnh viện. Vai Ngọc rung khe khẽ trong vòng tay ông Năm Tiến. Một tiếng thở dài chen ngang những tiếng nấc của cô. “Con sai rồi ba ơi…”.

Ngọc theo ba về nhà đón Tết. Chuyến xe cuối cùng từ thành phố về quê chật chội và đông đúc. Người nhanh tay lau đi giọt mồ hôi, len lén nhẩm tính số tiền dành dụm cả năm. Kẻ ôm chắc giỏ quà, ánh mắt rạng rỡ khi có cái Tết đầy đủ bánh mứt. Tất cả mọi người đều hớn hở mong mỏi. Dù là bất cứ ai trên đời, đến thời khắc cuối năm cũng đều muốn trở về lại bên người thân của mình. Đơn giản bởi vì, về nhà là Xuân…

NY AN

;
;
.
.
.
.
.