Yêu thương gửi vào nồi cá lóc nướng kho gừng

.

Có những món ăn dù hiện hữu trên mâm cơm hằng ngày vẫn trở thành nỗi nhớ. Ấy là vì hương vị của món ăn ấy đã đồng hành trong dọc dài đời người, gắn bó với những yêu thương thật gần. Món cá lóc nướng kho lá gừng tươi luôn mang hương vị khó quên như thế: hương vị yêu thương.

Cá lóc nướng kho lá gừng là hương vị khó quên trong ký ức những người con vùng lũ. Ảnh: THIÊN LAM
Cá lóc nướng kho lá gừng là hương vị khó quên trong ký ức những người con vùng lũ. Ảnh: THIÊN LAM

Giờ tan tầm buổi chiều, đang loay hoay với ý nghĩ tối nay ăn gì thì bạn nhắn: “Mẹ tao vừa gửi cá lóc nướng vào, có thêm nắm lá gừng non tươi thơm, ghé lại nhà tau ăn cơm tối, ôn lại ký ức tuổi thơ đi”. Tôi quay xe, không ngần ngại chạy về phía lời mời gọi đầy hấp dẫn của đứa bạn nối khố. Hai đứa nhà ở cùng xóm, chung lớp mẫu giáo trường làng rồi số phận đưa đẩy về sống chung thành phố. Thế là mỗi bữa gặp nhau có đủ thứ chuyện để kể, để nhớ và nhớ nhất là món cá lóc nướng kho lá gừng tươi ngày xưa mẹ của hai đứa từng làm.

Trời sập tối, ánh sáng từ ngọn đèn đường rọi vào tận hiên nhà. Mâm cơm được dọn ra đúng nghĩa cơm quê với tô cơm trắng dẻo thơm, dĩa rau muống mẹ gieo vội sau khi lũ rút, dĩa cá lóc nướng kho lá gừng non và củ nghệ tươi. Bữa cơm tối giữa lòng thành phố biển kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ bởi những câu chuyện lan man miền thơ ấu của hai đứa xa quê.

Còn nhớ nhiều năm về trước, cứ mỗi độ đến tháng 12 nắng ươm vàng củ mật, đến ngày giỗ ông nội, mẹ lại kể về cái giỗ nội lần đầu tiên. Hồi ấy, mẹ lấy chồng xa nhà tới 30 cây số, hai quê cách nhau bởi con sông rộng và những triền cát dài.

Ba mẹ cưới nhau rồi ba đi bộ đội, biền biệt bởi nhiệm vụ thời chiến, mẹ ở lại nương nhờ quê ngoại. Khi anh cả tôi đôi ba tuổi thì nội mất. Ngày về quê giỗ nội, mẹ gánh đôi quang gánh, chòng chành trên chuyến đò ngang sông. Đò cập bến, mẹ tiếp tục quãng đường đi bộ trên cánh đồng cát trắng tới mấy chục cây số.

Đôi quang gánh một đầu gánh anh cả, một đầu gánh thực phẩm về giỗ nội. Năm đó ra chợ, mẹ may mắn mua được con cá lóc nặng gần 2 cân, cắt thành những lát to, nướng than và kho để dọn trong đám giỗ. “Hồi ấy, mâm cỗ đặt lên bàn thờ ngày giỗ không thể thiếu món cá kho”, mẹ nói như nhấn mạnh điều may mắn của phiên chợ chiều.

Nhiều năm sau, khi cha rời quân ngũ, cả nhà về quê nội, mẹ vẫn thường làm món cá lóc nướng vào tháng 12. Mẹ thường chọn cá lóc đồng, mang về làm sạch, khía xiên trên thân rồi khoanh tròn, ướp kỹ với nghệ tươi giã nát rồi nướng trên bếp than. Dưới sức nóng của than, cá dần rút nước, càng về sau khi thịt cá dần săn lại, những giọt mỡ từ thân cá nhỏ xuống xèo xèo trên than đỏ, mùi thơm bắt đầu tỏa ra.

Cá nướng xong được mẹ cẩn thận xếp lên mâm, nguội rồi mới xếp vào nồi đất, thêm gia vị như nước mắm biển, muối, mì chính, ớt bột, tiêu, vài thìa đường ướp cùng nước chè nóng ấm, kho dưới lửa liu riu. Đến độ nước trên nồi cá kho gần cạn, mẹ cho lá gừng tươi cắt nhỏ vào kho tiếp cho tới lúc nồi cá sền sệt. Mùi thơm từ lá gừng, củ nghệ, mùi nước mắm biển và mùi thơm thịt cá quyện vào nhau, tỏa ra cả gian bếp làm rạo rực bao chiếc bụng rỗng. Cá lóc nướng kho ăn ngon nhất với bát cơm trắng nóng hổi.

Bây giờ, khi cá lóc được người dân nuôi nhiều bằng công nghệ, mẹ vẫn chậm rãi ra đầu cổng làng mỗi sáng để tìm mua cá lóc đồng từ những người buông câu, giăng lưới. Thiên nhiên khắc nghiệt gây mưa lũ dồn dập trắng đồng nhưng như một sự bù trừ cho những cực nhọc, lam lũ của người dân quê, sau mỗi đận lũ ấy, ở các góc chân ruộng cạn nước có nhiều cá lóc hơn bao giờ hết.

Năm nào cận Tết, mẹ cũng cặm cụi quạt than nướng sẵn đôi ba cân cá để dâng lên ông bà trong mâm cơm chiều 30 Tết, phần khác để đãi cháu con sau bao ngày xa quê trở về. Món cá lóc nướng kho gừng, nghệ tươi cứ thế trở thành món ăn thân thuộc của những cuộc đoàn viên nồng ấm ở quê tôi.

Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết, hễ chuẩn bị gói ghém về quê thì tôi thèm tìm lại hương vị trong nồi cá kho của mẹ. Chỉ khi tìm về nguồn cội mỗi dịp Tết mới có thể cảm nhận hết hương vị đặc biệt ấy của quê hương, của những vun vén, chắt chiu từ đôi bàn tay chai sần và trái tim yêu thương của mẹ.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.