Âm nhạc kết nối

.

Dùng âm nhạc để kết nối tình bạn, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống và tạo một sân chơi lành mạnh, các CLB âm nhạc đang gắn kết mọi người thông qua những giai điệu đẹp.

Một
Một buổi sáng sinh hoạt của các thành viên trong CLB Violin. Ảnh MAI HY

Đều đặn sáng Chủ nhật hằng tuần, những người yêu violin trên địa bàn Đà Nẵng thường tụ họp tại Công viên 29-3 để sinh hoạt, giao lưu. Sau 5 năm thành lập, hiện CLB có gần 20 thành viên tham gia. Anh Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ nhiệm CLB Violin Đà Nẵng cho biết: “Chỉ cần mọi người yêu thích hay hứng thú với bất kỳ loại nhạc cụ nào cũng đều có thể tham gia với chúng tôi, chứ không nhất thiết là violin. Chúng tôi luôn muốn tạo ra sân chơi, không gian vui vẻ cho tất cả mọi người, có thể kết nối những người từ xa lạ trở thành thân quen thông qua âm nhạc”.

Theo anh Bảo, violin là loại nhạc cụ được đánh giá có độ khó cao, yêu cầu phải kéo đúng nốt, đúng cao độ. Đây là điều không dễ dàng đối với những người mới tiếp xúc với loại nhạc cụ này. Vì vậy, người chơi violin phải thật kiên trì và đam mê âm nhạc. Sinh hoạt trong CLB, bạn Huỳnh Thị Cẩm Chướng (sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) cho biết, những ngày đầu tập luyện, bạn gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự động viên, giúp đỡ từ các thành viên trong CLB, đến nay Cẩm Chướng có thể tự mình thể hiện những bản nhạc ưa thích. “Khi đến với CLB, các anh chị đã dạy mình rất nhiều kiến thức về violin, nhờ vậy mà mình luyện tập nhanh hơn”, Cẩm Chướng chia sẻ.

CLB Sáo trúc tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cũng đóng góp “những thanh âm” vào đời sống âm nhạc, tạo sân chơi lý tưởng để sinh viên có thể thư giãn, giải tỏa những áp lực trong học tập. Được thành lập từ năm 2014, CLB Sáo trúc ngày càng phát triển và được đông đảo sinh viên tham gia. Thời gian đầu, chủ yếu các bạn tham gia để học hỏi cách thổi sáo sao cho đúng, lấy hơi sao cho dài. Dần dà, thông qua những thanh âm mộc mạc của sáo trúc, nhiều sinh viên bắt đầu gắn kết với nhau, trở thành CLB trực thuộc Hội Sinh viên của trường.

CLB Sáo trúc luôn muốn mỗi thành viên là “một nốt trầm xao xuyến” để hòa nhập vào bài ca chung, kết nối và giúp đỡ mọi người với nhau. Bằng sự tâm huyết của các thành viên, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Anh Đoàn Ngọc Bảo, Chủ nhiệm CLB sáo trúc cho biết, hằng năm, CLB tổ chức 3 chương trình từ thiện định kỳ gồm: “Xuân yêu thương” tại Làng Hy vọng, “Trung thu cho em” và một chương trình trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

Tại những chương trình này, thành viên CLB trình diễn tiết mục với sáo trúc, tổ chức các trò chơi, phát quà cho các em thiếu nhi. Để có nguồn kinh phí, các bạn tổ chức hoạt động bán hàng gây quỹ. “Chúng mình luôn mong muốn những giai điệu mộc mạc này sẽ được lan tỏa đến mọi nơi, qua đó kết nối và mang niềm vui đến cho tất cả mọi người”, anh Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ.

Chị Lê Sao Mai, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện có rất nhiều CLB, hội, nhóm hoạt động nhằm giao lưu, kết nối sinh viên. Tuy nhiên, các CLB về nghệ thuật, thiên về nhạc cụ dân tộc thì rất ít. CLB sáo trúc đã tạo cho các bạn sinh viên một sân chơi lành mạnh, ươm mầm tài năng và phát huy được sở trường của mình. “Thông qua sáo trúc, các bạn sinh viên đã gắn kết và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Nơi đây không chỉ là sân chơi mà còn góp phần lưu giữ, bảo tồn loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam”, chị Sao Mai đánh giá.

MAI HY - VŨ HẠ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích